Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 13:39 (GMT +7)
Ukraine bị ép phải tính đế kế hoạch B cho cuộc chiến với Nga
Thứ 5, 12/09/2024 | 13:39:06 [GMT +7] A A
Ukraine đang chịu áp lực từ phương Tây để điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh Nga tiếp tục đạt được những bước tiến dù chậm chạp. Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy Kiev đưa ra một kế hoạch thực tế hơn, có thể đạt được trong năm tiếp theo, nhằm duy trì sự hỗ trợ quân sự từ các đồng minh.
Theo tờ Wall Street Journal ngày 11/9, khi Nga tiếp tục tiến quân, các quan chức phương Tây đang hối thúc Ukraine điều chỉnh chiến lược để phản ánh các mục tiêu thực tế hơn. Mỹ và châu Âu muốn Kiev đưa ra kế hoạch rõ ràng về những gì có thể đạt được trong năm tiếp theo của cuộc chiến, nhằm cân bằng giữa tham vọng giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine và những giới hạn thực tế về viện trợ quân sự từ phương Tây.
Mặc dù các đồng minh vẫn ủng hộ mục tiêu dài hạn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là đẩy Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, sự ủng hộ từ công chúng phương Tây đang giảm sút. Với việc Nga đạt được những bước tiến dù chậm chạp trên thực địa, một số nhà ngoại giao châu Âu đã bắt đầu kêu gọi Ukraine cần thực tế hơn trong các mục tiêu thời chiến để duy trì sự ủng hộ của cử tri phương Tây đối với việc tiếp tục chuyển vũ khí và viện trợ cho Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy đã tới Ukraine để thảo luận về cách định nghĩa chiến thắng của Ukraine và xác định những hỗ trợ cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Các cuộc đàm phán này cũng chỉ ra một nguồn căng thẳng liên tục giữa Kiev và phương Tây: cân bằng giữa việc đẩy các lực lượng Nga khỏi Ukraine với thực tế chiến trường. Theo các quan chức châu Âu, một chiến thắng hoàn toàn của Ukraine sẽ đòi hỏi viện trợ lên tới hàng trăm tỷ USD, điều mà cả Washington và châu Âu đều khó có khả năng cung cấp.
Các cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có thể có thay đổi về chính sách cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Blinken cho biết ông đang cố gắng hiểu rõ nhu cầu hiện tại của Ukraine và mục tiêu cụ thể mà họ muốn đạt được, nhằm báo cáo lại với Tổng thống Biden. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ và Anh ký kết thỏa thuận cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Tuy nhiên, các quyết định cuối cùng về vấn đề này vẫn chưa được đưa ra.
Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc ngừng bắn hoặc đàm phán hòa bình, nhưng điều kiện của hai bên hiện còn rất xa nhau. Ukraine khẳng định quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine trước khi đàm phán, trong khi Điện Kremlin yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố mong muốn đàm phán, nhưng nhiều quan chức phương Tây cho rằng ông Putin vẫn tin rằng Nga có thể đạt được những thành công quân sự cần thiết để buộc Ukraine vào thế yếu.
Trong bối cảnh này, các nhà ngoại giao phương Tây cho biết chuyến đi của các Ngoại trưởng Blinken và Lammy không phải nhằm ép buộc Ukraine đàm phán, mà là để định hình lại chiến lược một cách thực tế hơn. Đề xuất hòa bình mới theo kế hoạch của Tổng thống Zelensky cũng phản ánh sự điều chỉnh chiến lược của Ukraine. Thay vì chỉ tập trung vào việc giành lại toàn bộ lãnh thổ trước khi đàm phán, Kiev đã xem xét các cuộc đàm phán với Nga về việc hạn chế các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.
Tuy nhiên, tình hình thực tế trên chiến trường vẫn rất phức tạp. Ukraine đã có những động thái táo bạo như cuộc tấn công vào khu vực Kursk ở Nga, nhưng phương Tây lo ngại rằng điều này có thể làm suy yếu khả năng tự vệ lâu dài của Ukraine. Moskva vẫn giữ được vị trí chiến lược tại miền Đông Ukraine, và lực lượng Nga tiếp tục tấn công vào các khu vực quan trọng như Pokrovsk.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()