Thế giới đã ghi nhận 183.370.829 ca nhiễm nCoV và 3.970.134 ca tử vong, tăng lần lượt 405.294 và 7.543, trong khi 167.81.791 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer chỉ trích Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) "hoàn toàn vô trách nhiệm" khi quyết định tổ chức trận bán kết và chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2020 tại Anh, giữa lúc biến chủng Delta lây lan mạnh ở nước này.
"Tôi nghi ngờ rằng tất cả là vì lợi ích thương mại. Nhưng lợi ích thương mại không nên được đặt cao hơn nhu cầu bảo vệ mọi người khỏi dịch bệnh", ông nói.
Bộ trưởng Horst Seehofer thêm rằng đối với các trận đấu Euro 2020 tổ chức tại Munich, Đức, chính quyền đã thực thi các quy tắc nghiêm ngặt và chỉ cho phép 14.000 người hâm mộ vào sân vận động dù sức chứa lên tới 80.000 người.
Ủy ban sức khỏe cộng đồng của Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi UEFA và chính phủ Anh xem xét lại quyết định cho phép sân vận động Wembley được sử dụng 75% sức chứa, tương đương khoảng 60.000 người.
Cơ quan này cho rằng việc cho phép quá nhiều người hâm mộ đến xem ba trận đấu vào ngày 6,7 và 11/7 là "công thức dẫn tới thảm họa", khi Anh ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 10 lần kể từ đầu tháng 5.
Những chỉ trích và kêu gọi được đưa ra giữa lúc Anh ghi nhận xu hướng ca nhiễm mới tăng trong những ngày gần đây, trong đó 99% là ca nhiễm biến thể mới Delta. Số ca nhiễm mới ở Anh tăng gấp 10 lần kể từ cuối tháng 5, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức thấp. Anh, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, báo cáo 27.989 ca nhiễm và 22 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 4.828.463 và 128.162 trường hợp.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.558.463 ca nhiễm và 620.452 ca tử vong do nCoV, tăng 15.127 ca nhiễm và 298 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky hôm 29/6 cho biết số ca nhiễm trung bình 7 ngày ở Mỹ đã tăng 10% kể từ tuần trước.
Theo cố vấn cấp cao về Covid-19 của Nhà Trắng Jeffrey Zient, chính phủ sẽ cử những đội ứng phó đặc biệt tới các điểm nóng trên khắp nước Mỹ nhằm tăng cường nguồn cung xét nghiệm và các biện pháp điều trị để chống biến chủng Delta. Đồng thời, Nhà Trắng cũng thúc giục người Mỹ nhanh chóng tiêm chủng vaccine Covid-19.
Trong gần 333 triệu dân Mỹ, hơn 181 triệu người đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó gần 156 triệu người hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo CDC.
Italy, vùng dịch chết chóc thứ hai ở châu Âu sau Anh, báo cáo 4.260.788 triệu ca nhiễm và 127.587 ca tử vong, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 882 và 21 trường hợp mới trong 24 giờ qua.
Italy cũng cảnh báo cổ động viên Anh không cố tình lách các biện pháp kiểm soát dịch để vào sân xem trận tứ kết giữa đội tuyển Anh và Ukraine tại Rome ngày 3/7, dù đã có vé.
Italy yêu cầu cách ly 5 ngày đối với người từng đến Anh từ hai tuần trước để ngăn chặn biến chủng Delta. Những người đi công tác ngắn ngày hoặc khách quá cảnh được miễn cách ly, nhưng đại sứ quán Italy cảnh báo điều này không đồng nghĩa họ được phép vào sân vận động.
Hiệp hội bóng đá Anh ngày 30/6 nói "không bán bất kỳ tấm vé nào thông qua Câu lạc bộ Du lịch của cổ động viên Anh cho trận tứ kết" do các hạn chế đi lại.
Israel, quốc gia tiêm chủng hàng đầu thế giới, báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất trong ba tháng, nhưng không tăng ca tử vong. Bộ Y tế Israel ghi nhận 307 ca nhiễm mới ngày 30/6, tăng từ 293 ca một ngày trước đó. 842.067 ca nhiễm và 6.429 ca tử vong đã được báo cáo ở quốc gia Trung Đông này kể từ khi dịch bùng phát.
Trong những tháng gần đây, Israel đã mở cửa trở lại các doanh nghiệp, trường học và địa điểm tổ chức sự kiện, nới lỏng hầu hết biện pháp an toàn sau khi 85% người trưởng thành nước này đã tiêm chủng.
Tại Israel, 5,1 triệu trong tổng 9,3 triệu dân đã được tiêm chủng đầy đủ. Khoảng 400.000 người khác đã tiêm ít nhất một liều. Tờ Haaretz của Israel cho biết giới chức đang xem xét áp dụng trở lại hệ thống "thẻ xanh" để phân biệt những người đã tiêm và chưa tiêm chủng tới các sự kiện và địa điểm nhất định.
Israel ban đầu định mở cửa biên giới cho khách quốc tế đã tiêm vaccine vào ngày 1/7, nhưng hiện lùi sang 1/8 do khi nhận số ca nhiễm tăng trong 10 ngày qua.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 2.203.108 ca nhiễm, tăng 24.836, trong đó 58.995 người chết, tăng 504, mức kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát.
Chính phủ Indonesia tuyên bố áp các biện pháp hạn chế Covid-19 "khẩn cấp" bắt đầy từ ngày 3/7 và kéo dài hai tuần ở thủ đô Jakarta, Java và hòn đảo nghỉ mát Bali, để chống lại đợt bùng phát nghiêm trọng.
Các biện pháp mới bao gồm yêu cầu tất cả nhân viên không thiết yếu làm việc tại nhà, trong khi trường học sẽ chuyển sang hình thức dạy trực tuyến. Các trung tâm mua sắm và nhà thờ Hồi giáo sẽ đóng cửa.
Phương tiên công cộng và đi lại trong nước vẫn được cho phép với những người đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Tiệc cưới vẫn có thể được tổ chức với lượng khách mời hạn chế.
Ý kiến ()