Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:35 (GMT +7)
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp
Thứ 3, 14/03/2023 | 17:42:46 [GMT +7] A A
Chiều nay 14/3, UBND tỉnh tổ chức họp cho ý kiến về Đề án tổng thể đảm bảo nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Nhu cầu nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 cần trên 1,05 tỷ m3. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025 cần khoảng 566 triệu m3; từ năm 2026 đến 2030 cần gần 490 triệu m3. Cùng với đó, nhu cầu cát san lấp đến năm 2030 khoảng 38,5 triệu m3. Trong khi đó, đến năm 2030 toàn tỉnh có 79 mỏ đất đồi đã được phê duyệt tại quy hoạch tỉnh với tổng trữ lượng có thể khai thác trên 250 triệu m3. Trung bình mỗi năm đáp ứng được 30 triệu m3 tương đương với khoảng 25% nhu cầu sử dụng.
Để giải quyết nhu cầu nguồn vật liệu phục vụ san lấp, ngoài các mỏ đất đồi đã được xác định trong quy hoạch tỉnh, Đề án đã đặt ra giải pháp sẽ tập trung sử dụng nguồn đất đá thải mỏ, nguồn vật liệu nạo vét luồng lạch, nguồn tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện để phân bổ các nguồn vật liệu san lấp cho từng địa phương.
Trên cơ sở báo cáo Đề án, ý kiến tham gia của các địa phương và sở, ngành, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với các giải pháp mà Đề án đã đề ra. Việc xây dựng Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, xác định sử dụng nguồn đất đá thải mỏ thay thế nguồn đất đồi truyền thống là minh chứng rõ nét trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030. Qua đó, giải quyết vấn đề nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ phát triển kinh tế và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác than, giảm thiểu tác động các bãi thải mỏ tới đời sống nhân dân trên địa bàn.
Với các giải pháp mà Đề án đặt ra, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các mỏ đất đồi trong quy hoạch tập trung phục vụ các dự án đầu tư công, để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thi công công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Đối với các dự án hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị tập trung sử dụng đất đá thải mỏ. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương hướng dẫn chủ đầu tư dự án làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc để xây dựng phương án vận chuyển và đơn giá đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn đất đá thải mỏ.
Đối với nguồn vật liệu san lấp từ tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện, đồng chí yêu cầu cần phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để phù hợp với từng dự án.
Các địa phương, chủ đầu tư các công trình trọng điểm nghiên cứu Đề án để rà soát lại nhu cầu vật liệu san lấp, gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện Đề án sớm báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.
Thành Công
Liên kết website
Ý kiến ()