Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:16 (GMT +7)
UBND tỉnh làm việc với Agribank, bàn giải pháp hỗ trợ khách hàng
Thứ 2, 30/09/2024 | 11:50:00 [GMT +7] A A
Ngày 30/9, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Đoàn công tác Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) do đồng chí Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank làm trưởng đoàn để cùng bàn các giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khắc phục thiệt hại sau bão số 3.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, trong tổng số gần 18.000 khách hàng vay vốn các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3, dư nợ bị thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng, trong đó hệ thống khách hàng của Agribank là lớn nhất. Cụ thể, có 2.248 khách hàng vay vốn Agribank với tổng dư nợ bị thiệt hại là 3.659 tỷ đồng, chiếm 35% dư nợ bị thiệt hại toàn tỉnh. Trong đó, có 734 khách hàng vay vốn sản xuất ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; 957 khách hàng ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ; 158 khách hàng ở lĩnh vực công nghiệp – xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, ngay sau bão, các chi nhánh của Agribank tại Quảng Ninh đã triển khai các biện pháp hỗ trợ như: thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 481 khách hàng; xem xét miễn, giảm lãi vay đối với 1.680 khách hàng với tổng dư nợ giảm lại suất là 4.877 tỷ đồng; cho vay mới khôi phục sản xuất với 178 khách hàng; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định pháp luật; động viên, chia sẻ khó khăn, mất mát với người dân, doanh nghiệp…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy bày tỏ cảm ơn, ghi nhận đối với sự vào cuộc của Agribank nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung trong việc kịp thời chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Bão số 3 là cơn bão rất lớn, Quảng Ninh nằm trong tâm bão, chịu sức tàn phá khủng khiếp, gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản, nhiều khách hàng của các tổ chức tín dụng không còn khả năng trả nợ.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ nhân dân phục hồi sản xuất, tỉnh đã bắt tay ngay vào công tác khắc phục, báo cáo Chính phủ, ban hành các nghị quyết, hướng dẫn, nhiều chính sách phù hợp, thiết thực. Tỉnh đã cơ cấu lại nguồn chi 2024, tiết kiệm chi, bố trí kinh phí 1.180 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh đang triển khai thành lập Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão theo hướng tối ưu, nâng cao hiệu quả trong phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; nắm bắt thời cơ để khắc phục những điểm yếu trong phát triển kinh tế như: áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, loài nuôi mới vào nuôi trồng thủy sản; lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng cao, công nghiệp bán dẫn...
Đồng chí đề nghị Agribank tiếp tục triển khai các gói tín dụng hỗ trợ, có cơ chế tài chính riêng, hướng dẫn cụ thể cho khách hàng, tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho các khách hàng đang vay; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục; ban hành chính sách về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tạo hành lang pháp lý để các chi nhánh ngân hàng có cơ sở triển khai, hỗ trợ khách hàng, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp tiền vay; ban hành gói cho vay ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quảng Ninh sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, tăng mức cho vay đảm bảo, mở rộng đối tượng, nâng hạn mức cho vay; đồng thời cam kết dùng ngân sách để xử lý lãi với các khoản vay được khoanh nợ theo đúng quy định của pháp luật.
Bày tỏ tinh thần đồng hành cùng nhân dân Quảng Ninh, đồng chí Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank khẳng định: Agribank sẽ luôn ủng hộ nhân dân, doanh nghiệp và tỉnh Quảng Ninh vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, ngay sau bão, Agribank đã điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 – 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh; phối hợp với Công ty Bảo hiểm ABIC và các đơn vị bảo hiểm khác kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho khách hàng bị thiệt hại theo quy định.
Tuy nhiên, thời hạn thực hiện xác nhận thiệt hại theo Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ có thời gian nhất định. Do đó, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương trong việc xác nhận thiệt hại cho các hộ theo thực tế bao gồm cả đối với các hộ nuôi trồng thủy sản mà hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện. Agribank cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp sớm thành lập hội đồng đánh giá những thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 đối với người dân trên các địa bàn, tạo điều kiện xác nhận biên bản thiệt hại cho người dân để ngân hàng hoàn thiện hồ sơ khoanh nợ đối với những khách hàng đang có dư nợ tại ngân hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão.
Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường hoạt động của các tổ chức: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... hỗ trợ những hộ bị thiệt hại do bão, bảo lãnh cho người dân, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn tín dụng, có cơ hội phục hồi sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
Agribank sẽ có Nghị quyết từ Hội đồng thành viên để hướng dẫn cụ thể, triển khai các gói hỗ trợ kịp thời, đồng hành cùng nhân dân, doanh nghiệp trong tái kiến thiết sản xuất, kinh doanh trong thời gian sớm nhất.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()