Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:38 (GMT +7)
UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 9/2021
Thứ 3, 28/09/2021 | 19:35:34 [GMT +7] A A
Ngày 28/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 9 để kiểm điểm, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và thảo luận các giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.
Tại phiên họp, các thành viên UBND tỉnh đều thống nhất đánh giá: Trong tháng 9 và 9 tháng năm 2021, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là trọng tâm ưu tiên của tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giữ được vùng xanh an toàn, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực, GRDP 9 tháng năm 2021 đạt 8,6%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 36,3% so với cùng kỳ, vượt 14,8 điểm % kịch bản, là động lực tăng trưởng chính cho khu vực công nghiệp, bù đắp cho sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và của ngành Than, ngành Điện không đạt kịch bản tăng trưởng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 34.377 tỷ đồng, bằng 67% dự toán, 95% kịch bản, trong đó thu nội địa đạt 27.277 tỷ đồng, bằng 59% dự toán, tăng 2,5% kịch bản. Tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách đạt 304.340 tỷ đồng. Trong đó đã cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 35 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 36.436,8 tỷ đồng, gấp 2,65 lần so với cùng kỳ; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 48 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 267.904 tỷ đồng...
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm, động lực thường xuyên được kiểm tra, đôn đốc thực hiện, nhất là trên địa bàn một số địa phương trọng điểm: Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả... Công tác an sinh xã hội, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao được đặc biệt quan tâm, tiếp tục hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, đô thị, tài nguyên, môi trường được đảm bảo. Quốc phòng an ninh được giữ vững, an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, các thành viên UBND tỉnh cũng chỉ ra một số khó khăn sẽ là thách thức tác động đến phát triển kinh tế - xã hội cả năm của tỉnh. Đó là cân đối thu, chi ngân sách gặp nhiều khó khăn, cả thu xuất nhập khẩu và thu nội địa 9 tháng chưa đạt tiến độ dự toán. Tiến độ triển khai một số dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đây, tuy nhiên chưa đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của tỉnh. Sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm trong ngành dịch vụ, du lịch vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương còn một số tồn tại, bất cập...
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh, mặc dù từ đầu năm đến nay dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, song phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, tỉnh Quảng Ninh chủ động, sáng tạo, nỗ lực tìm giải pháp, hướng đi mới ngay trong những khó khăn, thách thức. Qua đó, toàn tỉnh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, với mức tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt cao. Đó là kết quả đáng ghi nhận thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.
Để phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 2 con số, hoàn thành mục tiêu của tỉnh và đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là kiểm soát tốt dịch bệnh, quyết tâm giữ địa bàn an toàn trên cơ sở thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch đã phát huy hiệu quả tích cực trong thời gian qua. Toàn tỉnh tập trung triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin đảm bảo nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất; phấn đấu đến 30/10/2021 cơ bản hoàn thành tiêm nhắc lại mũi 2 để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Xác định quan điểm đầu tư công là một trong những trụ cột đảm bảo tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay của cả hệ thống chính trị, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động; bù đắp cho ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó yêu cầu các ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021, trong đó Tổ công tác đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh tập trung kiểm tra đôn đốc và tháo gỡ khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện và giải ngân các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Các địa phương cũng cần thành lập các tổ công tác như của tỉnh và tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Đồng thời, cũng phải tính toán đến xây dựng kế hoạch đầu công năm 2022 cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Về kịch bản tăng trưởng, từng ngành phải bám sát vào chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện. Đặc biệt là bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, các ngành, địa phương nghiên cứu các giải pháp, cách làm sáng tạo để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhất là ngành du lịch, dịch vụ để sớm khôi phục trở lại.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách; tập trung khai thác nguồn thu mới để bù đắp được các khoản giảm thu, thất thu ở ngành dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế khác. Đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bám sát Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển Quảng Yên đến năm 2040 và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ và nội dung đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Hạ Long mở rộng cũng như các quy hoạch của các địa phương.
Song song với đó, tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả thực chất của các mô hình cải cách hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()