Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:40 (GMT +7)
UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 4
Thứ 5, 28/04/2022 | 19:05:44 [GMT +7] A A
Ngày 28/4, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH tháng 4 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác tháng 5/2022. Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Tháng 4/2022, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tập trung phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng giảm dần, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và bước đầu tăng trưởng khá; các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đạt theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra.
Cụ thể: Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 17,35% so với cùng kỳ năm 2021, tính chung 4 tháng tăng 10,05% so với cùng kỳ, tăng cao nhất so với tốc độ tăng cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong đó so với cùng kỳ tháng 4/2021, công nghiệp khai khoáng tăng 22,66%; sản lượng than sản xuất trong tháng đạt 4,7 triệu tấn; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 21,1%; hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách được khôi phục...
Bên cạnh đó, phát triển doanh nghiệp có bước khởi sắc, trong tháng 4 có 282 đơn vị thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 3.489 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng năm 2022 có 763 đơn vị thành lập mới, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số vốn đăng ký đạt 9.364 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 36.796 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí quán quân PCI năm 2021 (lần thứ 5 liên tiếp) và là tỉnh duy nhất được xếp hạng Chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt”.
Trong tháng 4, các chương trình kích cầu du lịch, sự kiện văn hóa đã được tổ chức, qua đó thu hút sự quan tâm của người dân và khách du lịch. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh trong tháng 4 ước đạt 900 nghìn lượt, lũy kế 4 tháng ước đạt 3 triệu lượt, cao nhất trong 2 năm gần đây.
Chuẩn bị cho SEA Games 31, công tác trang trí khánh tiết, tuyên truyền cho 7 môn thi đấu được đảm bảo chu đáo, an toàn, góp phần quảng bá vùng đất, con người Quảng Ninh - điểm đến an toàn, thân thiện. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được tập trung triển khai; công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo giải quyết; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình hình, diễn biến đại dịch Covid-19 vẫn còn khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gia tăng tâm lý chủ quan trong một bộ phận không nhỏ người dân, du khách; còn 8/16 sản phẩm công nghiệp chưa đạt tốc độ bình quân theo kịch bản quý II; ngành du lịch, dịch vụ đã có nhiều khởi sắc, song chưa thật sự bền vững so với yêu cầu, nhất là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực có chuyên môn do đã dịch chuyển qua ngành nghề khác trong 2 năm vừa qua. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; việc phân khai chi tiết vốn của các địa phương còn hạn chế, chậm so với kế hoạch.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo về việc triển khai Kế hoạch số 59 ngày 1/3/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đánh giá cao sự tập trung, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ phục hồi kinh tế gắn với đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Phát huy những thành quả đã đạt được, đồng chí mong muốn các đơn vị, địa phương tiếp tục có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện "mục tiêu kép", bám sát kịch bản tăng trưởng để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng ổn định.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác chủ động phòng chống dịch. Bên cạnh đó, rà soát, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh công tác GPMB. Qua đó bổ sung năng lực tăng thêm cho các doanh nghiệp tăng tốc phục hồi, nâng cao năng suất, sản lượng, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững từ thuế, phí, lệ phí; tăng cường các biện pháp quản lý thu, triển khai tốt hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ đất.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, đồng thời tăng cường triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn; tập trung vào công tác thẩm định Quy hoạch tỉnh, phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 5/2022.
Đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư, xây dựng cơ bản; thực hiện rà soát các dự án chậm tiến độ báo cáo UBND tỉnh; đảm bảo tiến độ hoàn thành xây dựng NTM theo kế hoạch, chỉ đạo của tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều chuẩn mới...
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Chương trình mở cửa, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh. Khai thác tốt lợi thế, cơ hội thu hút khách từ các sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật như SEA Games 31, Lễ hội Carnaval Hạ Long 2022, Lễ hội áo dài, Liên hoan Xiếc quốc tế... Thực hiện rà soát lại cơ sở hạ tầng, có giải pháp nâng cao chất lượng, tập trung hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi nhân lực ngành du lịch, khẳng định địa phương du lịch an toàn.
Đối với nội dung chuyển đổi số, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt và quán triệt sâu rộng các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn tỉnh.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, có quy chế bắt buộc CBCCVC sử dụng hệ thống chính quyền điện tử, tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch. Trong đó, chú trọng xây dựng dữ liệu số của từng ngành; xây dựng hệ thống công cụ kiểm soát; đánh giá mức độ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi số đến người dân.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()