Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:36 (GMT +7)
UBND tỉnh họp chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách
Thứ 3, 21/06/2022 | 18:32:50 [GMT +7] A A
Ngày 21/6, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách tỉnh chủ trì họp, đánh giá công tác thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Cùng dự có đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các kế hoạch quản lý ngân sách, thuế trên các lĩnh vực. Ngành Thuế đã tích cực tuyên truyền các kế hoạch, chính sách thuế đến doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai và kế toán thuế; thường xuyên kiểm tra tình hình kinh doanh, hồ sơ kê khai thuế; đôn đốc công tác thu hồi nợ thuế.
Tỉnh đã quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử, là 1 trong 6 địa phương trên cả nước triển khai hóa đơn điện tử trong 6 tháng đầu năm. Đến nay đã có 10.336 tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế, cá nhân kinh doanh hoàn thành đăng ký, sử dụng hóa đơn. Việc triển khai hóa đơn điện tử đã góp phần nâng cao công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách, tạo điều kiện để tăng thu từ thuế, phí.
Các sở, ban, ngành và địa phương đã quyết liệt trong triển khai thực hiện, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp đưa các dự án mới đi vào hoạt động; tăng sản lượng, năng lực sản xuất, đặc biệt là các ngành: than, điện, các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc thông quan hàng hóa, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, 6 tháng đầu năm tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 28.600 tỷ đồng, bằng 55% dự toán và tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.450 tỷ đồng, bằng 61% dự toán; thu nội địa ước thực hiện trên 22.200 tỷ đồng. Có 6/13 địa phương vượt tốc độ thu bình quân và 7/13 địa phương thu ngân sách chậm so với tiến độ giao.
Đối với chi ngân sách trên toàn tỉnh đạt hơn 8.100 tỷ đồng, trong đó chi cho đầu tư phát triển đã đạt trên 4.200 tỷ đồng, bằng 23,6% kế hoạch, chậm so với tiến độ và cùng kỳ năm 2021. Nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 31%; nguồn vốn ngân sách cấp huyện mới giải ngân được 19,5% kế hoạch. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm như: Cẩm Phả, Đồng Triều, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà. Riêng thành phố Hạ Long kế hoạch vốn trên 3.200 tỷ đồng, chiếm 44,7% kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện nhưng mới giải ngân đạt 18,7% làm ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, địa phương đã dành thời gian phân tích thuận lợi, khó khăn trong triển khai thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm. Cụ thể, mặc dù tình hình dịch bệnh đã ổn định, nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể. Hoạt động biên mậu gặp khó khăn do chính sách phía Trung Quốc không ổn định, tắc nghẽn hàng hóa thông quan.
Bên cạnh đó, tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa cao, còn lúng túng, bị động, thiếu linh hoạt. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương đôi lúc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả, chưa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở nhận định những khó khăn, thách thức, đánh giá bối cảnh tác động tình hình quốc tế và trong nước, cuộc họp cũng đã chỉ ra các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách, quyết liệt trong công tác chấp hành dự toán 6 tháng cuối năm 2022.
Theo đó, thường xuyên tổ chức các cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách, các cuộc họp chuyên đề về điều hành ngân sách, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có các biện pháp cụ thể để hoàn thành dự toán được giao trên cơ sở bám sát dự toán ngân sách năm của tỉnh; tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tăng sản lượng, năng lực sản xuất, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án mới; đảm bảo khả năng cân đối ngân sách trên tất cả các cấp ngân sách (cả tiền sử dụng đất và thuế, phí), đảm bảo số nộp về trung ương và số cân đối ngân sách địa phương...
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao vai trò của các thành viên Tổ công tác đặc biệt về giải ngân của tỉnh. Các chủ đầu tư căn cứ tiến độ triển khai thực hiện các dự án, rà soát khả năng giải ngân nguồn vốn để đảm bảo mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới giai đoạn 2022 – 2025; các sở, ngành, địa phương chủ động đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn kinh phí đã được giao; thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại nhiệm vụ chi thường xuyên, tăng cường quản lý, chi tiêu đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả...
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu thu, chi ngân sách năm 2022 đã đề ra, các sở, ngành, địa phương đã rất cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, công tác điều hành chi ngân sách còn chậm, tiến độ giải ngân chưa được như mong muốn, để tồn dư ngân sách... Công tác lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ bố trí vốn đầu tư. Tiến độ phân khai một số nhiệm vụ chi thường xuyên còn chậm, đặc biệt là kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành giáo dục, y tế và sự nghiệp khoa học và công nghệ...
Một số đơn vị đề xuất bố trí dự toán kinh phí lớn, chỉ dựa trên cơ sở dự kiến tổng mức đầu tư, chưa phân kỳ thực hiện hợp lý, chưa căn cứ vào khả năng thực hiện trong năm dự toán. Một số đơn vị đã được bố trí dự toán nhưng chưa lường trước được khả năng thực hiện, chậm triển khai, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có việc phân bổ, giải ngân vốn.
Trên cơ sở đó, để triển khai hiệu quả công tác thu, chi ngân sách trong giai đoạn tiếp theo, đồng chí yêu cầu cần tăng cường công tác dự báo; thường xuyên cập nhật dữ liệu; vận hành hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách tỉnh.
Tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp tăng sản lượng, năng lực sản xuất; tăng cường quản lý thuế, tập trung thu các sắc thuế còn dư địa: thu từ khu vực ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân; phấn đấu hoàn thành cả 16/16 chỉ tiêu giao dự toán.
Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để thất thu các khoản thuế, phí đặc biệt là các khoản thu được điều tiết cho các địa phương để chi thường xuyên, triệt để thực hiện nguyên tắc “có thu thì mới có chi”.
Đồng thời, tăng cường công tác giải ngân nguồn vốn, rà soát khả năng giải ngân để đảm bảo mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 (30/9/2022 giải ngân 80% và đến ngày 31/12/2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022); tăng cường quản lý, chi tiêu đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()