Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:39 (GMT +7)
UBND tỉnh cho ý kiến về Đề án Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu
Thứ 5, 01/04/2021 | 16:30:31 [GMT +7] A A
Ngày 1/4, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp, cho ý kiến về Đề án Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án).
Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại cuộc họp. |
Theo dự thảo Đề án, việc phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo sẽ được nghiên cứu trên quan điểm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và Quảng Ninh, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có 10.000 doanh nghiệp, đơn vị thành lập mới.
Xây dựng được mạng lưới chuyên gia tư vấn đổi mới sáng tạo theo 3 nhóm trụ cột: Công nghệ, tài chính và tư vấn pháp luật để tư vấn hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Kết nối và hỗ trợ cho các CLB đầu tư khởi nghiệp. Hỗ trợ phát triển mỗi năm từ 10-15 doanh nghiệp khoa học công nghệ và mỗi năm ít nhất 15 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp…
Đối với việc phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu, Đề án sẽ tập trung vào phát triển sản phẩm chủ lực gắn với thực hiện có hiệu quả quy hoạch, định hướng, mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tập trung xây dựng đề án “Quảng bá thương hiệu du lịch Hạ Long tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”.
Tập trung phát triển sản phẩm trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo hướng bền vững gắn với hội nhập quốc tế, giữ gìn giá trị về lịch sử, văn hóa. Phát triển liên kết các tỉnh, vùng lân cận tạo chuỗi liên kết giá trị sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong hợp tác và hội nhập quốc tế. Chủ động trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu thương hiệu của địa phương trong các chương trình xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, quảng bá sản phẩm chủ lực, thương hiệu du lịch.
Tổng kinh phí triển khai các dự án giai đoạn 2021-2025 là 3.550 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 2.500 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa đóng góp của cá nhân, tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 1.050 tỷ đồng.
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày ý tưởng phát triển của Đề án. |
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị liên quan đã tập trung phân tích, đóng góp ý kiến để làm rõ, hoàn thiện Đề án, như: Cần tạo sự chuyên biệt khi thực hiện Đề án; hỗ trợ doanh nghiệp phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có; nghiên cứu, đầu tư có chiều sâu đối với các sản phẩm chủ lực thế mạnh; giải pháp phát triển sản phẩm theo từng lĩnh vực, ngành…
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Các sở, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để có giải pháp mạnh mẽ nhằm phát triển có hiệu quả các dự án thuộc Đề án theo từng giai đoạn. Đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến từ đại diện các đơn vị tại cuộc họp. Lưu ý, trong Đề án cần bổ sung, làm rõ các phần đánh giá về hiện trạng, tình hình, điều chỉnh hệ thống số liệu, phát triển theo hướng khả thi. Đồng thời, cập nhật gắn kết Đề án với các kế hoạch, quy hoạch, định hướng phát triển của Quảng Ninh hiện nay để làm căn cứ tính toán các phương án phát triển cho phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()