Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:05 (GMT +7)
U nhú thanh quản có nguy hiểm không?
Thứ 6, 17/12/2021 | 06:50:11 [GMT +7] A A
Bệnh u nhú tái phát ở đường hô hấp thường được gọi là bệnh u nhú thanh quản. Đây thường là một thương tổn lành tính ở thanh quản và khí quản tuy nhiên nhiều người được chẩn đoán rất lo vì sợ ung thư thanh quản.
1. Nguyên nhân u nhú thanh quản
Có rất nhiều giả thuyết về bệnh sinh của u nhú tuy nhiên hiện chưa thống nhất được về nguyên nhân chính xác của bệnh u nhú thanh quản. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố thuận lợi chứ không phải nguyên nhân gây bệnh.
Yếu tố liên quan nội tiết cũng được đánh giá có liên quan nhưng ngày nay nhiều tác giả chứng minh bệnh ít ảnh hưởng bởi yếu tố nội tiết.
Đối với yếu tố về nguồn gốc siêu vi được chú ý nhiều nhất. Nguyên nhân được cho là do Papilloma virus gây bệnh ở người HPV (Human papilloma virus) typ 6 và 11.
Ngoài ra yếu tố nguy cơ được đề cập nhiều nhất là con đầu lòng, mẹ trẻ, sinh theo đường tự nhiên... dễ mắc bệnh u nhú thanh quản. Ngoài ra còn có các yếu tố khác dinh dưỡng kém, suy giảm miễn dịch, sử dụng thuốc lá…. cũng có thể dẫn đến bệnh u nhú thanh quản.
2. Phân loại bệnh u nhú thanh quản
Có thể chia hai thể: thể lành tính và thể xâm lấn.
- Thể lành tính: khu trú ở thanh quản và hạ thanh môn của người lớn và trẻ em, không cần mở khí quản, có thể lành khi đến tuổi dậy thì.
- Thể xâm lấn: Có thể có một hoặc nhiều trong số các đặc điểm như u nhú lan xuống khí quản phải soi cắt nhiều lần, mở khí quản, tiến triển tới lớn hoặc thoái hóa ác tính.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh u nhú thanh quản
Triệu chứng khởi bệnh bệnh u nhú thanh quản là người bệnh có biểu hiện sau:
- Khàn tiếng: Bệnh nhân khàn tiếng tăng dần, ngày càng nặng hơn, không lúc nào hết.
- Khó thở: Khó thở chậm, thì hít vào, có thể kịch phát với triệu chứng thở rít và co lõm hõm ức, cơ liên sườn do các yếu tố viêm nhiễm hoặc do khối u nhú có cuống rơi vào thanh môn. Y văn còn mô tả những trường hợp ngưng thở, thậm chí chết đột ngột do u nhú rơi vào khí quản gây bít tắc đường thở.
- Triệu chứng khác: Trẻ em có thể còn có triệu chứng ho khan kéo dài, viêm phổi tái phát, sức khỏe suy yếu.
4. Chẩn đoán xác định bệnh u nhú thanh quản
4.1. Đối với u nhú thanh quản ở trẻ em:
Để chẩn đoán các bác sĩ soi thanh quản thấy tổn thương u nhú hình dạng trái dâu, trải rộng hoặc có cuống, ở vị trí hai dây thanh hoặc ở toàn bộ thanh môn, đó là vị trí cố định của u nhú thanh quản.
Tình trạng thường lan xuống hạ thanh môn hoặc lan lên tiền đình thanh quản đến buồng thanh thất Morgani, hai băng thanh thất, mặt thanh quản của sụn thanh thiệt, khoảng liên phễu.
Hai dây thanh không bao giờ mất di động. Khi khám tai mũi họng, chú ý tìm thêm u nhú ở amidan, màn hầu, đáy lưỡi, hốc mũi và hạ họng.
Ngoài ra các bác sĩ sẽ chỉ định chụp phim phổi thẳng để tìm u nhú ở phế quản, phổi; nội soi thanh thực quản để đánh giá độ lan tỏa của u nhú; sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để đánh giá chi tiết mức độ thương tổn, thực hiện sinh thiết hoặc điều trị tại chỗ, kiểm soát sự chảy máu.
4.2. Đối với u nhú thanh quản ở người lớn:
Phần nhiều u nhú ở người lớn là một khối u duy nhất và có bệnh cảnh khác với trẻ em, thường trong khoảng tuổi 40, nam giới mắc bệnh u nhú thanh quản nhiều hơn phụ nữ.
Bệnh bắt đầu bằng triệu chứng khàn tiếng, sau đó là khó thở xuất hiện muộn sau một thời gian dài. Soi thanh quản các bác sĩ sẽ thấy u là một khối màu trắng xám chiếm toàn bộ mép trước hay u là một khối nhỏ màu hồng mọc trên dây thanh hay nhô ra ngoài băng thanh thất.
Sau khi nội soi bằng ống nội soi thanh quản mềm (fibroscope), ống soi quang học (optique) hoặc ống soi hoạt nghiệm dây thanh (stroboscope) để đánh giá thương tổn ở dây thanh. Ngoài ra, có thể sử dụng ống soi khí phế quản cứng hoặc mềm để đánh giá tổn thương ở sâu hơn.
Sự khác nhau của u nhú thanh quản trẻ em và người lớn về mô học rất ít. Thường thì sừng hóa thấy nhiều ở người lớn, nhiều khi rất là điển hình, giống như mụn cóc ngoài da.
Xét nghiệm tìm siêu vi HPV bằng phương pháp PCR (Polymerase Chain Reaction): PCR giúp chẩn đoán xác định HPV và phân typ gây bệnh.
Xquang hay CT scan vùng ngực: Rất cần thiết khi xác định papilloma lan tới khí phế quản và phổi.
4.3. Chẩn đoán phân biệt
- Mỗi giai đoạn của bệnh có chẩn đoán phân biệt khác nhau:
- Ở giai đoạn khàn tiếng, phân biệt với viêm thanh quản xuất tiết, hạt dây thanh, polyp dây thanh, các bệnh nhiễm trùng gây phù nề dây thanh, liệt dây thần kinh hồi quy.
- Ở giai đoạn khó thở cấp, phân biệt với dị vật đường thở, bạch hầu, viêm thanh quản do sởi.
- Giai đoạn khó thở mạn tính tăng dần, phân biệt với khối u chèn ép trung thất.
- Chẩn đoán phân biệt qua nội soi:
- Lao thanh quản dạng chồi sùi.
- Giang mai di truyền, thâm nhiễm dạng sùi.
- Dị vật đường thở bỏ quên, kẹt vào hạ thanh môn hoặc băng thanh thất, bao bọc bởi khối sùi, đỏ và dễ chảy máu.
- U hạt viêm do đặt nội khí quản lâu ngày hoặc sai kỹ thuật. Cuối cùng, chẩn đoán xác định bao giở cũng phải dựa vào kết quả giải phẫu bệnh với hình ảnh đại thể và vi thể điển hình.
5. Điều trị bệnh u nhú thanh quản
Nguyên tắc điều trị là phẫu thuật cắt papilloma tại chỗ và giải quyết tình trạng nghẹt thở. Điều trị nội khoa hỗ trợ giúp ngăn ngừa và kéo dài thời gian tái phát.
Thông thường, để đảm bảo kết quả cao nhất, người ta thường phối hợp một phương pháp điều trị phẫu thuật và một phương pháp điều trị hỗ trợ hay cùng lúc nhiều phương pháp điều trị.
- Điều trị ngoại khoa: Vi phẫu thuật cắt u nhú, mở khí quản.
- Điều trị nội khoa: Dùng các thuốc tác động trên hệ thống miễn dịch của cơ thể hoặc tác động trên siêu vi HPV để làm biến mất u nhú, ngăn sự tái phát hay kéo dài thời gian giữa hai lần tái phát.
- Vi phẫu thuật thanh quản cắt u nhú soi thanh quản treo cắt u nhú là phương pháp điều trị cơ bản nhất để lấy tận gốc u nhú tại chỗ và giải quyết sự nghẹt thở. Dùng kìm vi phẫu để cắt u nhú dưới gây mê toàn thân. Trong lúc phẫu thuật, tránh tối đa không để máu chảy vào đường thở và không tạo sự xơ dính thanh quản sau mổ.
- Dùng laser CO2 cắt u nhú ở thanh khí phế quản sẽ ít gây chảy máu và phù nề hơn. Cắt bằng laser sẽ ít làm di chuyển u nhú xuống dưới và ít gây sẹo xơ hơn. Laser là điều trị lý tưởng với u nhú thể khu trú nhưng với thể phát triển mạnh thì nó không kiểm soát được. Ngoài ra người ta tìm thấy trong khói bốc ra khi cắt bằng laser có virus HPV, có nguy cơ lây bệnh cho bác sĩ và nhân viên phòng mổ.
- Mới nhất hiện nay là PIPE (Powered Instrumentation Papilloma Excision) là một dụng cụ mang lưỡi dao đặc biệt có thể cắt u nhú một cách an toàn, giữ nguyên cấu trúc thanh quản, không gây chảy máu và phù nề sau khi cắt.
6. Biến chứng có thể gặp
Biến chứng có thể gặp bệnh u nhú thanh quản là biến chứng suy hô hấp cấp, có thể gây tử vong. Ngoài ra là các biến chứng do bội nhiễm phổi gây áp xe phổi, thậm chí gây nhiễm trùng huyết.
Di chứng thường gặp nhất là sẹo hẹp, ảnh hưởng đến giọng nói hoặc hô hấp của bệnh nhân.
7. Tiên lượng bệnh u nhú thanh quản
Một trong những đặc điểm của u nhú là khó tiên lượng được bệnh. Tuy nhiên có thể phân biệt hai thể tiến triển.
- Thể lành tính: Tái phát chậm và ít sùi hơn, lành sau một vài lần soi cắt, nhất là cắt đốt bằng laser CO2.
- Thể xâm lấn: Phát triển nhanh, tạo thành nhiều khối sùi, tái phát nhanh và khối lượng lớn, dễ gây khó thở, đôi khi phải mở khí quản cấp cứu. Do đó, ở thể này, thường u nhú ở khí quản, phế quản và nhu mô phổi.
Không có tiêu chuẩn lâm sàng cụ thể nào cho đánh giá về tiên lượng. Thể lành tính có thể lành một cách tự nhiên hoặc sau vài lần cắt, thể này chỉ có nguy cơ để lại di chứng khàn tiếng do sẹo dính. Thể xâm lấn không chỉ để lại di chứng về chức năng như khàn tiếng nặng, khó thở do sẹo hẹp mà còn ảnh hưởng đến tính mạng do suy hô hấp cấp hoặc do nhiễm trùng nặng.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()