Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:23 (GMT +7)
Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt năm 2022 giảm xuống mức 6,9%
Thứ 3, 22/11/2022 | 10:12:21 [GMT +7] A A
Đại diện Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết: Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt trên tổng số lượng giao dịch xử lý qua hệ thống Napas tiếp tục giảm từ 12,1% năm 2021 xuống mức 6,9% năm 2022.
Theo Napas, 2022 là năm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, Napas đã chủ động phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính, trung gian thanh toán và đối tác để phát triển và cung cấp các dịch vụ thanh toán trong thông qua thẻ, tài khoản ngân hàng, mã phản hồi nhanh (QR Code), ví điện tử, Mobile Money; góp phần đa dạng hóa các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Số liệu thống kê năm 2022 của Napas nêu: Tổng số lượng và giá trị giao dịch qua hệ thống Napas tăng trưởng 92% về số lượng giao dịch và 83% về giá trị giao dịch so với năm 2021; số người sử dụng dịch vụ thẻ tăng trưởng 93% và người dùng tài khoản tăng 174% so với 2021; tỷ trọng giao dịch thanh toán thẻ nội địa tiếp tục tăng từ 29% trong năm 2021 lên 32% của năm 2022 cho thấy xu hướng của người dân ngày càng quen và ưa chuộng thanh toán bằng thẻ nội địa thay cho việc rút và sử dụng tiền mặt.
Với mục tiêu không ngừng triển khai mở rộng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại đáp ứng nhu cầu thanh toán cho người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế, năm 2022, Napas đã phối hợp các tổ chức thành viên (TCTV) triển khai nhiều dự án mới, trong đó tiêu biểu như: Ra mắt dịch vụ Chuyển nhanh Napas 247 giữa tài khoản thanh toán tại ngân hàng và tài khoản Mobile Money của 2 nhà mạng Viettel và VNPT; mở rộng dịch vụ Chuyển nhanh Napas 247 bằng mã VietQR với 41 TCTV; mở rộng dịch vụ thanh toán vé điện tử Vinbus lên 20 TCTV; mở rộng dịch vụ thanh toán bằng mã VietQR trên Cổng dịch vụ công Quốc gia lên 17 TCTV.
Trước đó, Báo cáo của Công ty phân tích và dữ liệu GlobalData (Luân Đôn, Anh) cho hay: Thị trường thanh toán thẻ Việt Nam dự kiến tăng trưởng 23,8%, đạt 859,2 nghìn tỷ đồng (37,6 tỷ USD) năm 2022.
Để có sự tăng trưởng này là do chi tiêu của người tiêu dùng tăng; đồng thời Chính phủ vẫn đang khuyến khích người dân sử dụng thanh toán kỹ thuật số. Báo cáo cho thấy, giá trị thanh toán bằng thẻ tại Việt Nam tăng trưởng ở mức 13,7% vào năm 2021, tăng mạnh so với mức tăng trưởng thấp 2,2% vào năm 2020 do chi tiêu của người tiêu dùng giảm từ khi COVID-19 bùng phát.
Theo Công ty phân tích và dữ liệu GlobalData, trước đây Việt Nam được biết đến là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt với dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng thấp - những người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, chiếm 34%. Hiện, mặc dù tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam nhưng thanh toán bằng thẻ đã và đang gia tăng nhanh chóng.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Cơ quan này đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt như: Xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công; quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC)…
“NHNN cũng tăng cường thúc đẩy các tổ chức tín dụng, tổ chức thanh toán việc ứng dụng công nghệ để cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, chí phí hợp lý như: QR Code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking”, ông Lê Anh Dũng cho biết.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()