"Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam thấp hơn so với thế giới", ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết trong cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác chống dịch, ngày 16/7.
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện đến sáng 16/7, Việt Nam ghi nhận hơn 40.200 ca nhiễm, trong đó 207 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 0,55%), hơn 32.300 bệnh nhân đang điều trị.
Thế giới đến nay ghi nhận gần 190 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 4 triệu ca tử vong, tỷ lệ là 2,15%. Tỷ lệ tử vong ở các nước láng giềng như Campuchia 1,6%, Malaysia 0,75%.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, tỷ lệ tử vong tính trên mặt bằng chung thì thấp, song một số nơi lại cao hơn, như TP HCM tỷ lệ tử vong hơn 0,6%, tại Đồng Tháp tăng cao hơn nữa.
"Điều này chứng tỏ tỷ lệ tử vong ở nước ta đang tiệm cận với tỷ lệ tử vong của các nước trên thế giới, do đó cần hết sức lưu ý trong tình trạng bệnh nhân trở nặng", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Sơn đánh giá tại một số tỉnh thành, như TP HCM, Đồng Tháp... tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng lên. Tỷ lệ bệnh nhân nặng phải hỗ trợ oxy, thở máy chức năng cao, ECMO... ngày càng tăng cao.
Ông Khuê cho biết, trên cơ sở phân tích 9.418 trong hơn 32.000 bệnh nhân, tổng số ca không biểu hiện lâm sàng chiếm 53,8%, số lâm sàng nhẹ là 34%, lâm sàng trung bình 4%. Số bệnh nhân phải thở oxy gọng kính 3,3%, thở máy không xâm nhập 0,17%, thở máy xâm nhập 1,3% và can thiệp ECMO là 0,2%.
"Khoảng 80% bệnh nhân đợt dịch này không có triệu chứng hoặc nhẹ, khoảng 10-20% từ trung bình diễn biến nặng", ông Khuê nói.
Ông Khuê cho biết nguyên tắc điều trị đến nay vẫn là "4 tại chỗ", trong đó, phân tầng cá thể hóa để điều trị. Tầng thứ nhất là người bệnh không triệu chứng, mức độ nhẹ, điều trị tại các cơ sở điều trị ban đầu, tuyến quận, huyện, thay đổi tư duy không nhất thiết đưa tất cả bệnh nhân vào trong bệnh viện.
Tầng thứ hai, mức độ bệnh vừa thì phân tuyến các bệnh viện quận, huyện, khoa truyền nhiễm của bệnh viện tỉnh, các bệnh viện chuyển đổi thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bệnh nặng, nguy kịch thì điều trị tại bệnh viện tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, trung tâm ICU, quá khả năng thì có hỗ trợ của bệnh viện vùng, bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện chuyên khoa của Trung ương. Đây là tầng thứ ba.
TP HCM hiện tách tầng thứ ba thêm một tầng thứ 4, chuyên điều trị hồi sức, nhằm mục tiêu hạn chế tử vong.
Cũng nhằm hạn chế tử vong, nâng cao năng lực điều trị, ông Khuê đề nghị tất cả bệnh viện huyện, bệnh viện hạng 2, 3 phải có hệ thống oxy trung tâm, bảo đảm thở oxy qua mask, hệ thống oxy dòng cao (HFNC) cho người bệnh. Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, hạng 1 trở lên, cần bố trí tối thiểu 50 giường ICU và sẵn sàng phương án mở rộng, nhanh chóng thiết lập hệ thống oxy trung tâm.
Các bệnh viện trung ương cũng chuẩn bị sẵn sàng các khu ICU để hỗ trợ điều trị bệnh nhân khi vượt quá năng lực đáp ứng của địa phương, bệnh viện khu vực. Đào tạo bệnh viện các tuyến về sử dụng HFNC, máy thở, ECMO để điều động, hỗ trợ.
Ý kiến ()