Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 05:18 (GMT +7)
"Tuyệt đối không để lợi ích nhóm trong thiết kế văn bản quy phạm pháp luật"
Thứ 7, 09/11/2024 | 22:51:32 [GMT +7] A A
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực.
Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 9/11, thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết tư duy xây dựng pháp luật theo chỉ đạo mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, với tinh thần dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
“Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa những quy định của Nghị định, của Thông tư vốn là những văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và của các bộ, ngành và không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, về trình tự, về hồ sơ.”
Theo bà Oanh, trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cũng đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo đến từng bộ, ngành, địa phương, từng cơ quan, từng tổ chức để thực hiện.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội có văn bản số 15 ngày 29/10/2024 về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 868 ngày 25/10/2024 về đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay trong thời gian tới, để cải tiến và nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, đồng thời phòng chống tham nhũng, phòng chống lợi ích nhóm… Chính phủ đang quyết liệt tập trung chỉ đạo quán triệt các định hướng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong công tác xây dựng pháp luật; nâng cao nhận thức về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật và tập trung kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.
Dẫn thực tế, bà Oanh cho hay trong lần rà soát văn bản quy phạm pháp luật vừa rồi, có rất nhiều vướng mắc trong các quy định của pháp luật. Nhưng rất nhiều vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục, trình tự, hồ sơ… vốn là những nội dung, lĩnh vực có thể tìm bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.
Mục tiêu vươn tới của các luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức, duy trì và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội, thích ứng với sự phát triển của xã hội. Luật phải minh bạch và dễ tiếp cận, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trước mắt Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với những chính sách mới tạo các bước đột phá trong công tác xây dựng pháp luật.
Theo đó, luật mới sẽ bổ sung một số nguyên tắc kiểm soát trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật.
Cùng đó là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời; xác định rõ và tăng cường vai trò thẩm quyền của các chủ thể tham gia xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tiếp tục hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; đảm bảo nguồn lực đổi mới cơ chế phân bố, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.
“Định hướng mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này sẽ sửa đổi và đổi mới toàn diện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bắt đầu từ khâu lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đến khâu lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định rồi thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật,” Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nói./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()