Tất cả chuyên mục

Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 13 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định. Trước diễn biến phức tạp của dịch, các địa phương trong cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng đang khẩn trương, quyết liệt triển khai những biện pháp cấp bách phòng, chống, bằng mọi cách khống chế, không để dịch lây lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.
Với Quảng Ninh, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện vào ngày 6/3. Ổ dịch được phát hiện tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Làn, thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX Đông Triều, trên đàn lợn 14 con của gia đình. Ngay sau khi xác định ổ dịch, các lực lượng chức năng liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh trên, đồng thời khoanh vùng diện rộng, phun khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại; cắm biển báo, chốt kiểm soát hạn chế người, phương tiện ra vào ổ dịch 24/24h, nhằm tránh dịch lây lan, phát tán.
![]() |
Thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng trong và khu vực xung quanh chuồng trại là việc làm cần thiết để phòng dịch tả lợn châu Phi. |
Mặc dù ổ dịch tại thôn Đức Sơn, xã Yên Đức đã được xử lý ngay, đảm bảo đúng quy định và yêu cầu kỹ thuật, tuy nhiên điều đáng bàn ở đây chính là sự thiếu chủ động trong phòng dịch, người dân, chính quyền sở tại còn chủ quan với loại dịch bệnh nguy hiểm này. Bởi lẽ, ngay sau khi dập dịch xong, Sở NN&PTNT đã phối hợp với lực lượng chức năng điều tra xác định nguyên nhân gây ra dịch.
Qua xác định ban đầu, do địa bàn xã Yên Đức nằm sát khu vực sông Kinh Thầy, bên kia sông có 2 xã Liên Khê, Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) cách đây hơn nửa tháng đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Do gia đình bà Làn dẫn nguồn nước từ sông Kinh Thầy có nguy cơ nhiễm mầm bệnh vào ao nuôi thủy sản, đồng thời sử dụng để rửa chuồng trại chăn nuôi khiến đàn lợn nhiễm bệnh.
Theo người dân nơi đây thì trước đó trên sông Kinh Thầy thường xuyên xuất hiện xác lợn chết trôi nổi. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở không có những cảnh báo, hướng dẫn, tuyên truyền để người dân cảnh giác, không sử dụng nguồn nước có nguy cơ nhiễm mầm bệnh này. Việc thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng trong và khu vực xung quanh chuồng trại cũng chưa được người dân triển khai.
Có thể thấy, thời gian qua, sự nguy hiểm dịch tả lợn châu Phi đã được các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, cảnh báo mạnh mẽ, tuy nhiên, từ thực tế ở thôn Đức Sơn, xã Yên Đức cho thấy người dân và chính quyền cấp thôn, xã vẫn còn chủ quan, chưa sát sao, kiểm tra, giám sát cơ sở thường xuyên, chưa quyết liệt yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện ngay những biện pháp phòng dịch.
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut gây ra và hiện chưa có vắc-xin, thuốc đặc trị. Bệnh lây lan nhanh trên loài lợn với tỷ lệ chết lên tới 100%. Chính vì vậy, để xảy ra dịch trên diện rộng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi nói chung, người nông dân nói riêng.
![]() |
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Làn, thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX Đông Triều. |
Với nguồn lây bệnh đa dạng như từ nước, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, xe vận chuyển; qua ve hút máu, ruồi, muỗi, các loại bọ, chim, chuột, chó, mèo, trâu, bò, dê, cừu…; qua thịt lợn và các sản phẩm từ lợn…, nên dịch tả lợn châu Phi đặc biệt nguy hiểm. Chính vì vậy, người chăn nuôi phải tăng cường vệ sinh tiêu độc, sát trùng cả bên trong, bên ngoài, khu vực xung quanh chuồng trại; diệt côn trùng, chuột…; không cho chó, mèo, gà, vịt… vào nơi chăn nuôi lợn; hạn chế người, phương tiện ra vào khu vực chuồng trại, khi vào phải được khử trùng; tăng cường chăm sóc đàn lợn… Đặc biệt, người dân phải tuyệt đối thực hiện nghiêm “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Hiện tại, ở trong nước, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Với tổng đàn lợn toàn tỉnh gần 431.000 con được nuôi ở trên 400 cơ sở chăn nuôi cùng với nhiều gia trại thì việc Quảng Ninh tăng cường, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách khống chế, không để dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng là vô cùng cần thiết. Để làm được điều đó thì các ngành, lực lượng chức năng liên quan, đặc biệt là người dân và chính quyền sở tại tuyệt đối không được chủ quan trước dịch.
Thái Bình
[links()]
Ý kiến ()