Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:28 (GMT +7)
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thanh thiếu niên
Thứ 3, 14/11/2023 | 08:57:58 [GMT +7] A A
Trong thời gian qua các cơ sở giáo dục và cơ quan chức năng trên địa bàn Quảng Ninh đã tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp cho thanh, thiếu niên. Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên.
Buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường bộ vừa được Phòng CSGT (Công an tỉnh) phối hợp với Trường Đại học Hạ Long tổ chức. Có 300 sinh viên nghe trực tiếp tuyên truyền tại hội trường và hơn 4.000 sinh viên theo dõi online tại các lớp học.
Tại chương trình, cán bộ của Phòng CSGT đã trao đổi, tuyên truyền về tình hình trật tự ATGT của tỉnh; những lỗi thường gặp khi tham gia giao thông của thanh, thiếu niên, cũng như những chế tài xử phạt, tầm quan trọng của văn hóa giao thông trong nhà trường. Qua phân tích cụ thể của cán bộ Phòng CSGT đã giúp sinh viên hiểu rõ hơn các quy định, nâng cao ý thức, tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tham gia giao thông có văn hóa.
Sinh viên Lê Đức Thiện (Khoa CNTT, Trường Đại học Hạ Long) chia sẻ: Chương trình rất bổ ích, giúp sinh viên nâng cao kiến thức về ATGT, đặc biệt là có thêm những kỹ năng xử lý tình huống giao thông, hạn chế tối đa sự cố xảy ra để bảo vệ an toàn của bản thân và cộng đồng.
Trung tá Trần Thúy Hằng, Phó Đội trưởng Đội tuyên truyền và xử lý vi phạm (Phòng CSGT) cho biết: Trong buổi tuyên truyền hôm nay chúng tôi tập trung vào những vi phạm mà học sinh, sinh viên thường mắc phải khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, như không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng 2, hàng 3 khi đi trên đường, lạng lách, đánh võng, sử dụng điện thoại... Thông qua đó, giúp các em nhận thức được sự nguy hiểm, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn.
Với số lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh rất lớn, vì vậy việc nâng cao kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ luôn là một trong những nội dung được các nhà trường quan tâm, chú trọng. Những năm qua, việc xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã trở thành một nét đẹp văn hóa được các trường học, phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia, hưởng ứng.
Ngoài tuyên truyền về ATGT, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực về nội dung. Điển hình như chương trình ngoại khoá tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người của Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long) phối hợp với Đoàn Thanh niên Viện KSND tỉnh đã thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Thông qua hình thức "Phiên tòa giả định" được xây dựng kịch bản từ các tình tiết của vụ án có thật và dựng lại theo đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự, học sinh và cả thầy, cô giáo của nhà trường đã có cơ hội tiếp cận những tình tiết vụ án, các quy định của pháp luật một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Không chỉ xét xử, phiên tòa còn giải thích cho những người tham dự thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng và biện pháp phòng tránh để không tự biến mình trở thành một món hàng của những đối tượng xấu. Hình thức tuyên truyền "Phiên toà giả định" đã góp phần thay đổi nhận thức, hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi giáo viên, học sinh Trường THPT Ngô Quyền trong việc chung tay đẩy lùi nạn mua bán người, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người và toàn xã hội.
Cô giáo Lê Kim Thoa, Tổ trưởng chuyên môn Tổ xã hội 1 (Trường THPT Ngô Quyền) cho biết: Tôi thấy việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa như hôm nay rất bổ ích, có tác động quan trọng đến nhận thức và hành động của học sinh, giúp các em có hiểu biết về chính sách pháp luật trong việc phòng chống mua bán người. Qua đó, giúp học sinh có phương pháp, kỹ năng để tự bảo vệ mình và người thân, nêu cao trách nhiệm của bản thân trong việc phòng chống các loại tội phạm, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Trong những năm qua, hoạt động phổ biến pháp luật trực tiếp cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú và triển khai ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể. Các lĩnh vực pháp luật chủ yếu phổ biến cho thanh, thiếu niên là: Phòng chống ma túy; phòng chống HIV/AIDS; ATGT; quyền và nghĩa vụ của công dân; hôn nhân gia đình; phòng chống mại dâm, bạo lực gia đình, chăm sóc và bảo vệ trẻ em...
Với những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần hình thành thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong tuổi trẻ toàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều cách làm đa dạng, phù hợp đặc điểm tình hình vùng, miền, đối tượng. Từ đó góp phần giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()