Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 19:04 (GMT +7)
Tượng than Việt Nam
Thứ 3, 12/11/2024 | 11:42:54 [GMT +7] A A
Nhắc đến Quảng Ninh là nhắc đến tên gọi Vùng Mỏ, đến than. Than được khai thác công nghiệp ở Quảng Ninh từ những năm 1880, trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Than đã gắn bó với đất và người Vùng Mỏ, là nguồn thương phẩm góp phần "nuôi sống" và làm nên sự thịnh vượng của Vùng Mỏ qua nhiều thập kỷ. Từ than, nhiều ngành nghề cũng được hình thành.
Nghề thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu than đá đã ra đời vào khoảng giữa thế kỷ trước, từ việc một người thợ mỏ thấy viên than đẹp, bằng đôi bàn tay khéo léo đã tạo tác ra những vật phẩm nhỏ xinh gần gũi với cuộc sống.
Người Việt vốn khéo tay, thích những đồ nhỏ xinh và trước kia, người Việt xăm mình với hoa văn đen, nhuộm răng đen, mặc đồ đen. Về bản tính người Việt nghiêng về trung dung. Gần với triết thuyết Phương Đông, coi màu đen vừa là không vừa là có, vừa là nhiều vừa là ít. Có thể đó là một lý do mà mặc dù than đá có ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng hiếm khi thấy ở đâu có nghề tạo hình, chế tác bằng chất liệu than đá như Vùng Mỏ Quảng Ninh. So với các làng nghề truyền thống khác làm gốm, thổ cẩm, mây tre đan … có mẫu mã của vùng miền thì sản phẩm mỹ nghệ than đá đa dạng, khá tinh xảo và cởi mở với cái mới.
Nửa sau thế kỷ XX là giai đoạn đấu tranh giành độc lập và thống nhất, xây dựng đất nước vô cùng gian khó. Chính trong thời kì này, ở Quảng Ninh nổi lên một nền văn học đặc sắc với các tác giả nổi tiếng như: Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, Lý Biên Cương, Dương Hướng... Đồng thời cũng hình thành một trung tâm mỹ thuật chỉ đứng sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các họa sĩ công nhân như: Phạm Phi Châu, Bùi Đình Lan, Ngô Phương Cúc, Nguyễn Hoàng,... Trên nền tảng ấy, điêu khắc mỹ thuật bằng chất liệu than đá ra đời.
Nhà phê bình mỹ thuật hàng đầu Việt Nam, Phan Cẩm Thượng, viết: “Than đá, một chất liệu đánh đố với những người làm điêu khắc, thực chất hầu như chưa ai sử dụng”. Than cứng như đá và giòn, dễ tách vỉa, dễ gợn xít, do khai thác công nghiệp nên khó đủ khối. Màu đen cũng dễ nghiêng về trang trí, mỹ nghệ. Nên than là chất liệu khó tính, độc đáo, mạnh mẽ.
Nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm sinh trưởng trong một gia đình công nhân ở Cẩm Phả đã ngót 100 năm. Từ 6,7 tuổi ông đã đẽo, gọt đồ chơi, con giống bằng than, sứ. Ông đạt đến tay nghề chế tác than đá bậc 7/7 trước khi tốt nghiệp khoa điêu khắc Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và là chuyên viên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Nhà điêu khắc cầm con dao, cái đục trong tay, đục khắc trực tiếp lên khối than, trực giác thẳng qua bàn tay tới con dao, cái đục; "bóc" đi từng lớp, từng lớp vật liệu thừa và bức tượng dần hiển lộ. Ông thường đục rất nhanh, mỗi nhát đục là không thể thu hồi. Có người nhận xét: “Cái tay đi trước cái đầu”. Câu nói của Nguyễn Gia Trí đã trả lời thay cho ông: “Dùng chất liệu nào là nhập thể chất liệu ấy. Mọi tiêu chuẩn làm việc phải lấy cái nhanh làm chuẩn. Các thứ chậm chạp, rị mọ đều không có lợi”.
Ánh sáng đóng vai trò quyết định trong việc thể hiện chất liệu tự nhiên, đặc biệt là với than. Là trầm tích của cây nên than rất nhạy cảm với ánh sáng. Màu đen của than biến ảo vô cùng, đen đất, đen mờ, lấp lánh, bóng, trong suốt… Bị cuốn hút bởi sự biến ảo đó, nhà điêu khắc đánh bóng, hay xoa nhẵn, gọt phẳng, hoặc để lại những vệt than sao óng ánh, những vết dao, đục trên tác phẩm, phụ thuộc vào sự nhạy cảm với chất liệu. Tất cả các động tác đều đòi hỏi tay nghề bậc cao nhất và sự "kính trọng" cao nhất, với than.
Nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm được biết đến là người đi đầu trong nghệ thuật điêu khắc than đá ở Việt Nam. Ông đã được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam xác lập kỉ lục “Người tạc chân dung Picasso bằng than đá nhiều nhất Việt Nam". Ngoài ra, Nguyễn Tâm Nhâm còn làm nên nhiều tác phẩm có nội dung rất gần gũi với đời thường như: Tình yêu, Kéo lưới, Đại ngàn, Bóng nguyệt, Tắm, Suy tư, Mẫu tử, Sóng, Khỏa thân vuông…
|
Nguyễn Tâm Nhâm đã sáng tác hàng nghìn bức tượng, từ tả thực, dân gian đến lập thể, trừu tượng. Với ngôn ngữ tạo hình phong phú, khoáng đạt, bay bổng, mang nét thực bên trong của người Vùng Mỏ. Mỗi khối than là một thách thức mới, như lần đầu, không hề cũ. Điêu khắc là cuộc chiến với chất liệu và cùng chất liệu.
Nguyễn Gia Trí nói: “Chất liệu là một nửa nghệ sỹ”. Hay có thể là ba phần tư? Và hơn thế? Với Nguyễn Tâm Nhâm, than là một cái tôi khác. Ở ông, chất liệu đã hòa quyện với nội dung. Ông đạt đến vô ngã, nơi mà nghệ thuật bắt đầu. Khi lữ khách và con đường là một. Phan Cẩm Thượng viết câu kết cho Lời giới thiệu tập “Tượng than Việt Nam” của Nguyễn Tâm Nhâm: "Ông là người yêu nước và tài năng".
Than đã chọn ông để được sống một đời sống khác!
GS.TS Nguyễn Ngọc Dũng, một trong những nhà phê bình mĩ thuật hàng đầu Việt Nam, đã nhận xét: “Nguyễn Tâm Nhâm là hiện tượng của điêu khắc hiện đại Việt Nam”. Những bức tượng bằng chất liệu than đá của nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm cho người xem thêm mong muốn nhìn lại mạch nguồn văn hóa của đời sống con người và Vùng Mỏ Quảng Ninh - quê hương than, nơi hội tụ của rừng và biển, núi và cánh đồng, biên cương và châu thổ.
Nguyễn Tâm Thi
Liên kết website
Ý kiến ()