Sau ba tháng mua và sử dụng, mẫu robot hút bụi Ecovacs T10 Omni nội địa Trung Quốc của gia đình chị Hương (Hà Nội) không mở được phần mềm.
"Robot tôi mua hơn 10 triệu đồng, nhiều tính năng nhưng giờ chỉ còn duy nhất chức năng bấm nút chạy hoặc dừng", chị Hương chia sẻ. Thói quen sử dụng của gia đình với robot trước đó như hẹn giờ tự động dọn dẹp, cài đặt tường ảo ngăn robot đi vào một số khu vực, báo lỗi mắc kẹt từ xa... đều không còn dùng được. "Giờ nó còn kém thông minh hơn cả robot hút bụi tôi mua hơn 6 năm trước", chị nói.
Chị Hương mua Ecovacs T10 Omni từ đầu tháng 3, được cửa hàng tư vấn chọn bản nội địa tiết kiệm chi phí và chỉ cần cài thêm "phần mềm phụ" để sử dụng. Tuy nhiên, hiện cửa hàng từ chối khắc phục tình trạng phần mềm không hoạt động. Trên các hội nhóm về sử dụng robot hút bụi Ecovacs, chủ đề sản phẩm nội địa bị chặn ứng dụng thu hút hàng trăm lượt bình luận những ngày qua.
Robot hút bụi nội địa là dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Những model này nhập khẩu không chính ngạch, không được kiểm định chất lượng, thường do các cửa hàng nhỏ lẻ bán ra và tự bảo hành. Giá bán của chúng rẻ hơn bản quốc tế khá nhiều, như với Ecovacs là 30-50%. Mẫu T10 Omni có giá chính hãng hơn 16 triệu đồng trong khi bản nội địa là gần 11 triệu đồng.
Ecovacs trước đó đã có động thái ngăn sử dụng sản phẩm nội địa bên ngoài Trung Quốc. Các model dạng này bắt buộc phải có số điện thoại Trung Quốc để kích hoạt ứng dụng. Tới tháng 12/2022, hãng thông báo không hỗ trợ ứng dụng trên sản phẩm nội địa hoạt động bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng trong nước đã hướng dẫn khách hàng cài đặt "phần mềm phụ", thực chất là ứng dụng được "mod" lại nhằm qua mặt cơ chế bảo mật của Ecovacs.
Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Tiến, robot hút bụi ngày nay có nhiều tính năng thông minh nên việc không thể sử dụng phần mềm "mất đi phần lớn giá trị sản phẩm". Việc cửa hàng cung cấp tràn lan tài khoản nội địa hay phần mềm "mod" cho khách hàng tiềm ẩn rủi ro bảo mật. "Người dùng có thể bị lộ thông tin cá nhân hay phần mềm có thể chứa công cụ theo dõi, đánh cắp thông tin", ông Tiến nhận định.
Trao đổi vớiVnExpress, đại diện Ecovacs xác nhận không hỗ trợ dùng ứng dụng cho sản phẩm nội địa Trung Quốc với thị trường quốc tế từ cuối 2022 và chặn triệt để ứng dụng "lậu" từ tháng 7. "Các sản phẩm được hãng phân phối quốc tế, như với Việt Nam đều được tối ưu ứng dụng cho phù hợp người dùng tại nước đó. Sản phẩm gắn mác nội địa, trưng bày, nhập khẩu không chính ngạch về Việt Nam không đảm bảo chất lượng, bị hạn chế ứng dụng, không được bảo hành đúng quy trình dẫn tới ảnh hưởng uy tín của hãng tại Việt Nam", ông Chris Ma, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Nam Á của Ecovacs, nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Dũng, chủ một cửa hàng robot hút bụi ở Bắc Giang, cho biết ngoài hàng nội địa Trung Quốc, thị trường hiện còn có hàng "nội địa loại B" với sản phẩm Ecovacs. Đây thực chất là máy đã qua sử dụng được làm lại với giá rẻ hơn để thu hút người dùng. Tuy nhiên, tất cả đều bị khóa phần mềm từ tháng 7.
Ecovacs không phải hãng robot hút bụi duy nhất chặn phần mềm với sản phẩm nội địa. Trước đó, Dreame và Roborock cũng đưa ra giải pháp tương tự. Giới kinh doanh sản phẩm cho biết robot nội địa Trung Quốc giá rẻ hơn do không phải chịu các loại thuế, chi phí kiểm định như hàng chính hãng. Sản phẩm bảo hành bởi cửa hàng nhưng thường được tự sửa bằng linh kiện không chính hãng để tiết kiệm chi phí.
Ý kiến ()