Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:57 (GMT +7)
Tượng đài liệt sĩ Đặng Bá Hát
Thứ 7, 27/07/2024 | 05:30:15 [GMT +7] A A
Cụm tượng đài về chủ đề trận địa pháo và Anh hùng Đặng Bá Hát tại đúng mỏm đồi ghi dấu lịch sử về Đại đội pháo cao xạ 37mm, trong trận chiến hơn 50 năm trước, là công trình mỹ thuật ngoài trời gây ấn tượng với nhiều du khách khi đến Quảng Ninh.
Tác giả của tượng đài này là nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, người đã có nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng, được giới phê bình mỹ thuật đánh giá cao và đông đảo công chúng cả nước đón nhận. Điểm nhấn gây ấn tượng của công trình tượng đài Đặng Bá Hát là những hình ảnh cách điệu được tạo tác từ mảnh quả bom. Theo chia sẻ của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, mọi chi tiết nhỏ của cụm tượng đài đều hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc. Đó là những vỏ trái bom đã nổ đặt dưới chân tượng đài, được tạo hình thành những bông hoa, gọi là “hoa chiến thắng”.
Trên người các chiến sĩ tự vệ có những chiếc lá ngụy trang mang hình trái tim, đại diện cho việc các anh đã chiến đấu không chỉ bằng vũ khí mà chính bằng trái tim nồng nàn yêu nước. Những trái tim ấy được làm từ thủy tinh để luôn phát ra ánh sáng khi có mặt trời chiếu vào. Chân dung nhân vật chính là Anh hùng Đặng Bá Hát được làm bằng đá theo hướng vươn lên, với tạo hình đội chiếc mũ thợ mỏ, toát ra khí chất không thể trộn lẫn của người lính - thợ.
Công trình được đặt tại đầu cầu Bãi Cháy (phía Hòn Gai), nơi người chiến sĩ tự vệ mỏ Đặng Bá Hát đã anh dũng hy sinh, sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bởi vậy, nhà điêu khắc đã làm tượng đài anh hùng Đặng Bá Hát với cái nhìn sử thi chứ không dựng bom đạn, chiến tranh vào đó. Những cái gì là chứng tích chiến tranh sẽ có ở bảo tàng bên dưới.
"Riêng tượng đài thì chỉ có hình tượng nghệ thuật mà thôi. Mà nói cho đến cùng, cái làm nên chiến thắng, cái quyết định vẫn là lòng yêu nước chứ không phải ở súng đạn. Bởi vậy, tôi xây dựng hình tượng Anh hùng Đặng Bá Hát dâng hiến trái tim cho Tổ quốc. Đặng Bá Hát chiến đấu bằng trái tim yêu nước, từ tình yêu nước ấy mà tiến lên và chiến thắng. Chiến thắng rồi thì hân hoan chào mừng trong hòa bình. Những báng súng thì đã quá quen rồi, tôi không mô tả nữa. Tôi tập trung vào biểu tượng trái tim và ánh sáng từ lòng yêu nước…" - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng lý giải.
Với công trình này, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng muốn đổi lại cách nhìn, thay vì lối tuyên truyền cổ động quen thuộc, đối với thành phố du lịch Hạ Long phải làm cái mới, cái lạ theo cách nhìn mới để thu hút khách du lịch. Cái mới đó là nhìn về chiến tranh nhưng không phải chỉ có thấy bi tráng, đau thương. Gương mặt của chiến tranh không còn đáng sợ như thường thấy.
“Dưới ánh sáng của tình yêu nước, chúng ta hãy tiến lên để hiến dâng trái tim cho Tổ quốc. Vì vậy, tôi thiết kế những trái tim hóa thành hoa chiến thắng, thành ca khúc khải hoàn. Mà không chỉ người thợ mỏ ca khúc khải hoàn, tôi còn xây dựng hình tượng đồng bào các dân tộc Quảng Ninh cùng chung niềm vui chiến thắng. Tôi thiết kế những trái tim ấy bằng thủy tinh để luôn phát sáng khi có ánh mặt trời” - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng chia sẻ.
Để có được công trình đặc biệt này, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng còn phải lặn lội đi tìm tảng đá cao 3m, dài 8m, phải chọn và thi công ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều ngày. Sau đó, dùng đến 2 cần cẩu đưa lên xe tải lớn rồi vận chuyển mất 12 ngày mới ra đến Hạ Long. Đấy là chưa kể còn một số công đoạn khác lại thi công ở Bình Dương, Đà Nẵng.
Sau khi thi công xong ở nhiều địa phương, nhóm tác giả mới cho vận chuyển từng phần ra Hạ Long lắp ráp. Ngoài đá và mảnh vỏ quả bom cũ ra, công trình còn được nhà điêu khắc sử dụng chất liệu inox, bởi đây là chất liệu mới, đẹp, mang tính chất đương đại.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()