"Ông Ahmed Nasser al-Raisi thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã được bầu làm Chủ tịch Interpol nhiệm kỳ 4 năm", Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), có trụ sở chính tại Lyon, Pháp, thông báo trên Twitter hôm nay.
Tướng al-Raisi, người đứng đầu lực lượng an ninh của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), sẽ đảm nhận vai trò chủ yếu mang tính hình thức. Tổng thư ký Interpol Juergen Stock đảm nhiệm vai trò xử lý công việc hàng ngày của tổ chức, nhưng chủ tịch vẫn có quyền đưa ra mệnh lệnh. Stock bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ thứ hai vào năm 2019.
Đại hội đồng Interpol đã họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để bầu tân chủ tịch. Tướng al-Raisi cùng bà Sarka Havrankova, đại tá cảnh sát Cộng hòa Czech, là hai ứng viên nổi bật.
Tướng al-Raisi đã vận động quyết liệt quan chức cảnh sát ở các nước suốt nhiều tháng trước cuộc bỏ phiếu ở Istanbul. Tuy nhiên, ông vấp phải sự phản đối không nhỏ trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các nước phương Tây.
Tổ chức Quan sát Nhân Quyền (HRW) và Trung tâm Nhân quyền vùng Vịnh (GCHR) lưu ý tướng al-Raisi phụ trách điều tra các khiếu nại về cảnh sát và lực lượng an ninh UAE, trong khi lực lượng hành pháp nước này thường xuyên bị chỉ trích lạm dụng quyền lực.
Từ khi al-Raisi ứng cử chủ tịch Interpol, truyền thông phương Tây và một số nhân chứng đã đặt dấu hỏi về uy tín của tướng cảnh sát này. Một số người từng bị bắt ở UAE tố hệ thống nhà tù nước này về hành vi tra tấn và cáo buộc al-Raisi chịu trách nhiệm.
Một số nước còn kêu gọi cộng đồng quốc tế thanh tra lại khoản quyên góp 50 triệu USD từ UAE cho Interpol vài năm trước, lo ngại mâu thuẫn lợi ích khi ứng viên nước này đắc cử. David Calvert-Smith, cựu lãnh đạo cơ quan công tố Anh và xứ Wales, cáo buộc UAE tìm cách tạo ảnh hưởng lên Interpol thông qua tài trợ và một số công cụ ngoại giao khác.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao UAE nhấn mạnh nước này vừa được công nhận là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Thành tích này có phần đóng góp không nhỏ của tướng al-Raisi với hàng thập kỷ hiện đại hóa lực lượng cảnh sát quốc gia, tăng cường huấn luyện, bổ sung công nghệ và tạo điều kiện cho nữ giới vào biên chế.
Interpol là cơ quan thúc đẩy hợp tác cảnh sát lớn nhất thế giới được thành lập năm 1923, có 192 thành viên. Đại hội đồng Interpol, gồm đại biểu của tất cả quốc gia, họp hàng năm để đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến chính sách, nguồn lực, phương pháp làm việc, tài chính và hoạt động.
Chủ tịch Interpol do Đại hội đồng bầu theo nhiệm kỳ 4 năm, mỗi nước thành viên có một phiếu bầu. Nhiệm vụ của Chủ tịch Interpol là chủ trì các cuộc họp của Đại hội đồng và Ủy ban điều hành, đồng thời duy trì liên lạc trực tiếp và liên tục với Tổng thư ký Interpol.
Ý kiến ()