Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:10 (GMT +7)
Tùng Lâm: Nhà văn thương binh viết bằng những ẩn ức chiến tranh
Thứ 3, 05/04/2022 | 09:12:44 [GMT +7] A A
Tùng Lâm là một con người không chỉ quả cảm xông pha ở chiến trường mà còn quả cảm bước qua sự khốc liệt ở đời thường để vượt lên chính mình, vượt lên điều kiện sức khỏe có hạn để cống hiến cho đời những trang văn hồn hậu và lạc quan.
Tàn mà không phế
Mỗi bận khi viết bài về những người lính đã đi qua chiến tranh, tôi thường nhớ đến Nguyễn Tùng Lâm, và khi có dịp gặp gỡ là tôi “tróc nã” anh: “Anh ở đâu trong ngày 30/4/1975? Anh trả lời tức khắc: Lúc đó tôi đang ở Quân y viện 559 ở bờ nam sông Bến Hải, nghe tin chiến thắng mà không thể khóc được".
Nhà văn, thương binh nặng Nguyễn Tùng Lâm sinh năm 1945, quê ở Hải Phòng nhưng lớn lên và đang sinh sống tại TP Cẩm Phả. Lên đường vào Nam chiến đấu, anh là lính vận tải, biên chế ở Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn). Anh đã bị thương nặng hạng 1/4. Với thương tật đầy mình, trở lại địa phương đúng thời điểm cả nước khó khăn, nhìn vợ con thiếu đói anh không thể ngồi yên. Vậy là anh tập tễnh với đôi chân giả đi khắp nơi tìm hiểu cây trồng để tự trồng cây trong vườn nhà mình. Ban đầu là cây mía, rồi cây táo mang từ Gia Lộc (Hải Dương) ra. Anh kể đận ấy, mỗi cân táo bán đi mua được một cân gạo, nhưng rồi có thêm nhiều người trồng, táo rẻ, bán ba cân táo không mua nổi cân gạo nên anh đã bỏ không trồng cây táo nữa.
Anh chuyển sang trồng mía. Ban đầu mía rất tốt nhưng rồi nó lại giống chuyện cây táo. Không nản, anh chuyển sang cây cảnh với ý định chỉ là chơi rồi trở thành hàng hóa trao đổi lúc nào không hay. Hội sinh vật cảnh thị xã Cẩm Phả (nay là Hội sinh vật cảnh TP Cẩm Phả) ra đời, Tùng Lâm được bầu làm Chủ tịch Hội. Anh vẫn là ông chủ vườn, biết khai thác các thế mạnh để biến thú chơi cây thành hàng hóa, và mọi việc cứ thế suôn sẻ. Hội sinh vật cảnh có người biết thơ phú, ngâm vịnh như một chất xúc tác gợi lại mơ ước viết văn từ thời thanh niên của Tùng Lâm. Kết quả là năm 2009, tập thơ “Hương rừng” của anh ra đời. Không lâu sau đó là tập “Nắng xuân”.
Thế rồi, Tùng Lâm xin thôi chức Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thị xã Cẩm Phả để dành thời gian cho thỏa mãn niềm đam mê viết. Liên tiếp các năm sau đó anh vùi đầu vào viết để cho ra đời tập truyện ký “Trường Sơn ngày ấy”. Tập có một truyện ngắn được trao giải ba của Bộ Giao thông vận tải tại cuộc thi viết về ngành năm 2014. Đắm đuối với chữ nghĩa đã đẩy anh nhanh chóng tìm đến với văn chương khi ở cái tuổi đã không nhiều sức lực của thương binh 1/4. Cánh cửa văn chương mở ra để vô vàn câu chuyện của anh và đồng đội trong balo người lính Trường Sơn còn nguyên mùi thuốc súng cứ thế tuôn trào. Và những trang sách, những câu thơ, những truyện ngắn đã nâng bước chân anh bước qua khỏi sự nghiệt ngã, thách đố của số phận. Cứ thế đã dần làm nên cái tên Tùng Lâm khá đầy đặn trong hoạt động sáng tác văn học không chỉ ở địa phương mà cả nước.
Ám ảnh từ chiến tranh
Với điều kiện sức khỏe thương tật nặng, Tùng Lâm viết không thuận lợi như người bình thường. Ban đầu là viết tay, rồi anh mang ra hiệu đánh máy, rồi mang về sửa, rồi thấy loay hoay quá, vất vả quá, thế là anh mua máy tính về tự học đánh máy. Trong các tác phẩm của anh, rất nhiều nhân vật, rất nhiều câu chuyện là cảm xúc có thật của người lính đã qua chiến tranh, đã đối mặt với cái chết. Các tác phẩm của anh là những bức tranh về cuộc sống, những mảng màu chiến tranh được anh tái hiện thông qua ngôn ngữ văn học đã lay động độc giả. Thông qua tác phẩm, nhiều đồng đội năm xưa mất liên lạc giờ tìm ra anh. Có nhân vật nguyên mẫu còn bắt xe từ Tây Nguyên ra Cẩm Phả tìm anh - tìm lại những kỷ niệm xưa.
Dù hiện mắt đã không nhìn thấy chữ nên hai năm gần đây anh cố gắng hoàn thành cuốn tiểu thuyết có tên “Cung đường tình yêu”, anh kỳ vọng sẽ là món quà quý tặng đơn vị nhân 60 năm ngày thành lập vào năm 2024. Anh bảo cứ viết, viết là của mình, đồng đội đọc được cũng mừng, còn không cũng là cách mình lưu giữ được những năm tháng cuộc đời bộ đội Trường Sơn oanh liệt. Tôi bảo thế thì còn gì bằng, đồng đội sẽ đón nhận trân trọng tác phẩm của anh. Vì trong tác phẩm đó chắc chắn có họ, chắc chắn có chứa cả triệu triệu ký ức một thời bom rơi, đạn nổ và hy sinh mất mát của anh em đồng đội cùng đơn vị những tháng năm ấy...
Tính đến thời điểm bây giờ, gia tài của Nguyễn Tùng Lâm đã có 2 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, 1 tập truyện ký và 2 tập thơ. Có được tài sản quý giá ấy, anh đã phải đổ mồ hôi sức lực rất nhiều cho từng trang viết. Nếu người bình thường viết 1 trang sách trong vòng nửa giờ, thì anh phải vừa nhìn vừa gõ đến vài ngày. Anh bảo nói không ai tin, nhưng sự thực là như thế. Nghe anh kể, tôi thật sự khâm phục anh khi hai năm nay tôi cũng viết chưa xong cuốn tiểu thuyết ước chừng 400 trang. Thật sự khâm phục một nhà văn, một thương binh nặng với ý chí vượt lên rất ghê gớm, đúng như lời Bác Hồ đã dạy “thương binh tàn mà không phế”.
Là người viết muộn, tập sách đầu tiên cho xuất bản thì cũng đã quá tuổi sáu mươi, vì thế, với Tùng Lâm viết như sự giãi bày, sự thúc ép của con tim, của niềm đam mê bị nén lại từ thời trai trẻ, giờ được bung phá với chữ nghĩa, với muôn vàn khát khao được tung tẩy cùng văn chương. Vì thế, Tùng Lâm cứ viết và anh có vẻ ít quan tâm đến các phương pháp sáng tác. Viết như là bản năng, viết để giải tỏa và viết như minh chứng rằng, mình có thể làm được việc đó và làm tốt!
Mỗi tác giả đều có tư duy về lối viết, thủ pháp nghệ thuật cho lối sáng tác của mình, tận dụng mọi chiều kích của nghệ thuật ngôn từ vào tác phẩm, mong cống hiến cho bạn đọc những tác phẩm văn học có giá trị. Thủ pháp nghệ thuật của Tùng Lâm trong cách thao tác ở các truyện ngắn là cái kết phải có hậu, phải đẹp, phải hoàn hảo. Liên tục như thế nó trở thành sáo rỗng, lặp lại khi đặt cạnh nhau, và nó nói lên sự dễ dãi của tác giả trong tư duy lao động nhà văn. Tôi chợt nghĩ anh như không muốn viết về nỗi đau vì cuộc sống vốn dĩ đã quá nhiều đau buồn, nên các kết thúc truyện của anh đều phải có hậu, thật đẹp.
Không chỉ ở tập truyện ngắn này, ở các tác phẩm khác, Tùng Lâm luôn đặt tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực tạo ra các bức tranh có hậu. Tôi khá ấn tượng với các truyện ngắn “Nén nhang giữa trời”, “Phận đa đoan”, “Định mệnh nghiệt ngã”... Chi tiết của truyện đắt, nhưng tiếc là tác giả cứ mải mê để có thông điệp “có hậu” nên hiệu ứng nghệ thuật không cao. Vì đối với truyện ngắn, chi tiết đắt là chi tiết xương sống của truyện, là cái nút mở độc đáo, thì tác giả không kỹ lưỡng, cứ vào chuyện là kể hết, kể tâng tâng như minh chứng cho mọi người mình biết rõ mười mươi không cần úp mở thì độc giả sẽ đọc và tiếp nhận. Và có lẽ sự hồn nhiên ấy mà Tùng Lâm đã không ngần ngại giải quyết thao tác trong các tác phẩm của mình, kể bằng hết, và buông một câu cuối rằng họ rất ổn, họ sẽ hạnh phúc! Nhưng thực tế cuộc sống thì không thể dễ dàng như thế, cuộc sống là bức tranh khổng lồ khúc xạ vào tác phẩm của nhà văn, nhưng không có nghĩa nhà văn bê nguyên xi cuộc sống vào tác phẩm của mình và vẽ thêm một mảng màu hạnh phúc thì có lẽ chưa hẳn vậy...
Năm 2021 anh vừa hoàn thiện cuốn tiểu thuyết “Cung đường mùa xuân”, anh vẫn cho xuất bản tập truyện ngắn có tên “Tình em nơi đầu sóng” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2021. Tập truyện có 15 tác phẩm. Tôi đón nhận tập sách anh tặng với một cảm xúc khó tả khi biết anh với điều kiện sáng tác rất khó khăn. Với điều kiện có hai con mắt thì một mắt đã không thể nhìn thấy, mắt còn lại thì nhìn mọi vật đều lờ mờ, tay cũng đã chậm để gõ bàn phím nhưng lao động chữ nghĩa với anh như là định mệnh, vì thế, anh vẫn cặm cụi và vật vã để có được 15 truyện ngắn in trong tập này. Các truyện ngắn của anh hầu hết đã in trên các báo chí trong và ngoài tỉnh. 15 truyện ngắn trong tập “Tình em nơi đầu sóng” là những lát cắt vừa dung dị, vừa dịu dàng nhưng cũng khốc liệt vô cùng của thời hậu chiến, của thời kinh tế thị trường, những lát cắt về cuộc sống vừa bi vừa hài, vừa xa xót những thân phận của những cô gái lỡ lầm, những người đàn bà bất hạnh, và những chàng trai, những người đàn ông đã trải qua chiến trận trở về hậu phương ngày đó vô cùng lận đận với áo cơm...
Có lẽ, là một cựu binh lại là thương binh nặng, các câu chuyện anh đem đến cho độc giả đều là những câu chuyện về các thân phận con người thời hậu chiến nhiều day dứt và trăn trở. Nhưng với lối viết đầy tính nhân văn, nên truyện nào của anh cũng kết thúc có hậu. Tôi nghĩ đó là chủ ý của anh. Vì cuộc đời quá nặng nhọc rồi, quá đắng cay rồi.
Thế đó, vùng đất Cẩm Phả đã có thêm một tác giả văn xuôi Tùng Lâm vạm vỡ với từng trang viết, bổ sung vào lực lượng viết văn xuôi tỉnh Quảng Ninh với tư cách là một tác giả rất nhiều nội lực. Anh là một con người không chỉ quả cảm xông pha ở chiến trường mà còn quả cảm bước qua sự khốc liệt ở đời thường để vượt lên chính mình, vượt lên điều kiện sức khỏe có hạn để cống hiến cho đời những trang văn hồn hậu và lạc quan. Chỉ mong anh đủ sức khỏe và lạc quan để có thể tiếp tục có những tác phẩm mới.
Hạ Long, tháng 3/2022
Ghi chép của Vũ Thảo Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()