Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:05 (GMT +7)
Từng kiếm được tỷ USD nhờ thị trường bùng nổ, nhưng với Nvidia, tiền mã hóa không mang lại lợi ích gì cho xã hội
Thứ 4, 29/03/2023 | 07:38:21 [GMT +7] A A
Theo nhà sản xuất chip đồ họa này, đây mới là lĩnh vực có ích cho nhân loại.
Dù từng kiếm được hàng tỷ USD doanh thu từ các chip đồ họa dành riêng cho việc khai thác tiền mã hóa, nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia vẫn cho rằng, tiền mã hóa không "mang lại bất kỳ điều gì hữu ích cho xã hội".
Thay vào đó, ông Michael Kagan, giám đốc công nghệ công ty, cho rằng các lĩnh vực khác sử dụng đến sức mạnh đồ họa như các chatbot trí tuệ nhân tạo – ví dụ như ChatGPT – đáng giá hơn nhiều so với khai thác tiền mã hóa.
Dù là một trong những công ty hưởng lợi lớn từ sự đi lên của thị trường tiền mã hóa, Nvidia chưa bao giờ tỏ thái độ rộng mở đối với lĩnh vực này. Thậm chí năm 2021, công ty còn từng phát hành phần mềm nhằm hạn chế khả năng sử dụng card đồ họa của họ cho việc khai thác đồng tiền mã hóa Ethereum – một nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung cho các khách hàng được họ ưu tiên hơn, ví dụ các game thủ và các nhà nghiên cứu AI.
Ông Kagan cho biết quyết định này là công bằng do giá trị sử dụng giới hạn của việc dùng chip đồ họa để khai thác tiền mã hóa.
Phiên bản ChatGPT đầu tiên được huấn luyện trên một siêu máy tính tạo nên từ khoảng 10.000 GPU AI cao cấp của Nvidia.
Trả lời phỏng vấn của Guardian, ông Kagan cho biết: "Tất cả các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa đều cần khả năng xử lý song song, và (Nvidia) là tốt nhất cho điều đó, vì vậy mọi người chỉ cần lập trình nó cho mục đích này. Họ mua rất nhiều tiền mã hóa và rồi cuối cùng nó sụp đổ, bởi vì nó chẳng mang lại bất kỳ lợi ích nào cho xã hội. AI thì có."
"Với ChatGPT, mọi người có thể tạo ra cỗ máy của riêng mình, chương trình của riêng mình, bạn chỉ cần nói cho nó những gì cần phải làm và nó sẽ làm được. Và nếu nó không hoạt động theo cách bạn muốn, bạn chỉ cần bảo nó "Tôi muốn một điều khác"." Ông Kagan cho biết thêm.
Ngược lại, tiền mã hóa giống như một hoạt động giao dịch tần suất cao – một ngành công nghiệp từng mang lại nhiều hoạt động kinh doanh cho Mellanox, công ty ông Kagan thành lập trước khi được Nvidia mua lại.
"Chúng tôi cũng từng tham gia nhiều vào hoạt động giao dịch: mọi người ở Phố Wall mua đồ của chúng tôi để tiết kiệm vài nano giây kết nối, các ngân hàng đang làm những điều điên rồ như kéo sợi cáp xuyên qua sông Hudson để rút ngắn thêm một chút nữa, để tiết kiệm vài nano giây nữa giữa trung tâm dữ liệu của họ và sàn giao dịch chứng khoán." Ông cho biết.
"Tôi không bao giờ tin rằng tiền mã hóa là một điều gì đó sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại. Mọi người đều làm những điều điên rồ, nhưng họ mua đồ của bạn, bạn bán đồ của mình cho họ. Nhưng bạn không chuyển hướng công ty đến chỗ hỗ trợ bất kể điều đó là gì."
Từng nổi tiếng vì việc sản xuất các card đồ họa mạnh mẽ dành cho các game thủ để có thể chơi được các trò chơi mới nhất, giờ đây các sản phẩm của Nvidia lại trở thành trái tim cho sự bùng nổ các công cụ AI mới.
Các hoạt động tính toán chuyên sâu khi huấn luyện một hệ thống AI mới, có thể cần đến sức mạnh tính toán trị giá nhiều tỷ USD, đang hoạt động nhanh hơn đáng kể trên các bộ xử lý đồ họa mà game thủ vẫn dùng hiện nay.
Hai tuần trước, Microsoft từng tiết lộ rằng họ đã mua hàng chục nghìn bộ xử lý đồ họa được tối ưu cho AI của Nvidia, các GPU A100, để huấn luyện và vận hành chatbot ChatGPT của OpenAI. Bên cạnh đó, Nvidia cũng đã bán 20.000 GPU H100 để hãng Amazon vận hành dịch vụ điện toán đám mây AWS của họ, cũng như 16.000 GPU H100 khác cho hãng Oracle.
Bản thân Nvidia cũng có dịch vụ cho thuê chip xử lý thông qua đám mây của riêng họ, với dịch vụ đám mây DGX có giá 37.000 USD/tháng để tiếp cận được 8 GPU H100 được liên kết trực tiếp với nhau thành "một cụm xử lý".
Phát biểu trong hội nghị thường niên của công ty vào tuần trước, ông Jensen Huang, CEO Nvidia, đã xem công ty mình như động cơ hỗ trợ cho "khoảng khắc iPhone của AI" và rằng thế hệ "AI sản sinh" mà công ty đang hỗ trợ sẽ "tái tạo lại gần như mọi ngành công nghệ."
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()