Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 16:13 (GMT +7)
Từng bước phục hồi dịch vụ, du lịch
Thứ 3, 21/06/2022 | 09:05:04 [GMT +7] A A
Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước và tỉnh tiếp tục chịu áp lực bởi biến động phức tạp của nền chính trị và kinh tế toàn cầu. Giá xăng, dầu trong nước tăng, nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng..., gây áp lực lên giá cả nguyên liệu đầu vào và chỉ số giá tiêu dùng. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH trong tình hình mới.
Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến đời sống cũng như mọi hoạt động trên các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để phục hồi nền kinh tế, lấy lại sự ổn định về đời sống cho người dân, tỉnh đã tăng cường các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Đặc biệt, từ khi du lịch được mở cửa trở lại, bên cạnh duy trì các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh đã linh hoạt trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó chú trọng các ngành, lĩnh vực có nhiều lợi thế để tạo sự bứt phá mạnh mẽ, trong đó ngành dịch vụ, du lịch đã mang lại tín hiệu tích cực, góp phần đưa kinh tế của Quảng Ninh phục hồi mạnh mẽ.
Với khẩu hiệu “Quảng Ninh - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn - Sẵn sàng đón bạn trở lại”, trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng khởi động lại ngành dịch vụ, du lịch khi có quyết định mở cửa du lịch trở lại.
Theo đó, tỉnh đã sớm tổ chức hàng loạt các sự kiện kích cầu du lịch sôi động, hấp dẫn; đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm du lịch mới là thế mạnh của Quảng Ninh, như: Du lịch golf, du lịch trải nghiệm, mạo hiểm..., du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, sự kiện)… Đặc biệt, nhiều điểm đến như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long hay Yên Tử, Vịnh Bái Tử Long, sản phẩm du thuyền, tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Hạ Long Complex, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh... đã được các đơn vị làm mới và dành nhiều ưu đãi cho du khách trong hè này.
Đặc biệt hơn, tỉnh tổ chức thành công hàng loạt các chương trình, sự kiện du lịch, như: Carnaval Hạ Long 2022, Festival áo dài 2022. Nổi bật hơn, tỉnh tổ chức tốt các điều kiện tạo nên thành công cho kỳ SEA Games 31 tổ chức tại Quảng Ninh. Qua đó, đã ghi dấu ấn sâu đậm với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để Quảng Ninh kết hợp với các sự kiện kích cầu du lịch, lan toả sâu rộng hình ảnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
6 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 5,5 triệu lượt, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 119,57% kịch bản. Tổng doanh thu du lịch đạt 12.129 tỷ đồng, tăng 131,03% so với cùng kỳ 2021, đạt 147,55% kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng.
Song song với đó, lĩnh vực dịch vụ cũng góp phần quan trọng tạo đà phát triển kinh tế. Tỉnh tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đã sớm kết nối lại và duy trì ổn định hoạt động XNK hàng hóa ở các cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung; tìm giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, chú trọng tạo lập "vùng xanh an toàn” trong các cửa khẩu, lối mở, góp phần thực hiện nghiêm túc thỏa thuận về hợp tác thông quan giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Đồng thời, chủ động nắm bắt, trao đổi thông tin về tình hình triển khai thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC và các chủ trương liên quan đến hoạt động thông quan hàng hóa với đơn vị hải quan đồng cấp phía Trung Quốc… góp phần thông thương hàng hoá, đưa hoạt động XNK dần đi vào ổn định.
Cùng với đó, trước những biến động về giá cả thị trường thế giới và trong nước, các ngành chức năng của tỉnh chủ động phối hợp theo dõi diễn biến cung cầu cũng như giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu… ; xây dựng dự thảo chương trình bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Đồng thời, các ngành tăng cường thanh kiểm tra lĩnh vực quản lý theo kế hoạch, hoặc đột xuất khi có các dấu hiệu vi phạm, nhằm kịp thời có giải pháp điều tiết thị trường, trong trường hợp phát sinh biến động… Qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, ổn định thị trường trong tỉnh.
Trong 6 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tỉnh ước tăng 14,72% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn 0,8% so với kịch bản tăng trưởng kinh tế; dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tăng 13,39%, cao hơn 20% cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, dịch vụ vận tải kho bãi tăng 13,62%, cao hơn 1,8 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ 2021…
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 1.179 triệu USD, bằng 100% kịch bản, tăng 0,76% cùng kỳ 2021. Kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 1.430 triệu USD. Khu vực thuế sản phẩm ước tăng 6,28%, đóng góp 0,74 điểm % vào tốc độ tăng GRDP, chiếm 11,2% trong cơ cấu GRDP của tỉnh…
Với những biện pháp, chính sách chủ động kích cầu, xúc tiến, phục hồi mạnh mẽ du lịch, dịch vụ… của tỉnh đang là một trong những yếu tố quan trọng tạo đà khôi phục mạnh mẽ nền kinh tế.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()