Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:05 (GMT +7)
Từng bước giải “bài toán” thiếu giáo viên
Thứ 6, 19/07/2024 | 07:34:31 [GMT +7] A A
Những năm qua, câu chuyện thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy theo chương trình đổi mới giáo dục luôn là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Nhiều trường đã phải xử lý linh hoạt như giáo viên kiêm nhiệm, ký hợp đồng ngắn hạn, thời vụ với giáo viên ở những môn còn thiếu để nỗ lực hoàn thành chương trình giảng dạy cho học sinh.
Như năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục thiếu 2.579 người làm việc, trong đó thiếu 1.737 giáo viên trải đều ở hầu hết các bộ môn, cấp học, bậc học. Đặc biệt, thiếu nhiều nhất là giáo viên tiểu học, giáo viên tiếng Anh, Tin học và Công nghệ, Nghệ thuật...
Để từng bước tháo gỡ tình trạng khó khăn về đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nâng cao chất lượng giáo dục, căn cứ Quyết định số 2382 ngày 6/12/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của tỉnh Quảng Ninh và Văn bản số 7281 ngày 12/12/2023 của Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế địa phương quyết định biên chế từng cấp học, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 213/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 về việc phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024.
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện quản lý, sử dụng hiệu quả biên chế, chống lãng phí biên chế; công khai, minh bạch, khách quan trong công tác tuyển dụng đảm bảo đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm, chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo quy định.
Cũng tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV còn thông qua Nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024. Theo đó, giao bổ sung 1.145 hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập nhóm 4 (do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) năm 2024. Cụ thể, Sở GD&ĐT: Giao 50 hợp đồng lao động; UBND cấp huyện: Giao 1.095 hợp đồng lao động (trong đó, Hạ Long: 126; Móng Cái: 210; Cẩm Phả: 8; Uông Bí: 76; Quảng Yên: 104; Đông Triều: 97; Vân Đồn: 50; Cô Tô: 17; Tiên Yên: 87; Bình Liêu: 62; Ba Chẽ: 43; Đầm Hà: 72; Hải Hà: 143).
Nguyên tắc giao bổ sung là số giao hợp đồng lao động không quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được giao với số lượng theo định mức tại các Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thời gian qua, tình trạng thiếu giáo viên khiến các địa phương, trường học phải “giật gấu vá vai”, điều chuyển linh hoạt để có thầy, cô giáo đáp ứng công tác dạy học. Tình trạng thiếu giáo viên cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện với nhiều môn học mới, yêu cầu mới. Việc HĐND tỉnh khóa XIV ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 và Nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024, đã từng bước tháo gỡ khó khăn về đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các nghị quyết mà HĐND tỉnh khóa XIV vừa ban hành, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ ưu tiên dành chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng những giáo viên cho các môn còn thiếu nhiều, cùng với đó tuyển dụng hợp đồng giáo viên hợp lý, từ đó tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong thời gian tới.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()