Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:22 (GMT +7)
Từng bước chuyển đổi sang trồng các loài cây bản địa
Thứ 5, 31/10/2024 | 13:33:25 [GMT +7] A A
Theo nhận định của ngành lâm nghiệp, việc chỉ trồng các loại cây mọc nhanh như cây keo khiến rừng ít có khả năng chống chịu trước thiên tai. Các loài cây mọc nhanh thường cho cấu trúc rừng kém bền vững hơn so với các loài cây bản địa, đó cũng là một nguyên nhân khiến cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho người trồng rừng trên địa bàn Quảng Ninh. Việc phát triển lâm nghiệp bền vững không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn các diện tích cây mọc nhanh, nhưng rất cần đan xen hài hòa với việc trồng các loài cây bản địa.
Tại Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình hành động số 60/CTr-UBND (ngày 6/1/2020) của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ ra rất rõ định hướng trồng rừng trong thời kỳ mới, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ sang rừng trồng cung cấp gỗ lớn.
Từ định hướng trên, ngày 24/3/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bước đầu, nghị quyết áp dụng thí điểm tại các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Ba Chẽ. Sau 3 năm (2021-2023) triển khai đã có 921 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được thụ hưởng chính sách phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.433,2ha, tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ 28,8 tỷ đồng.
Kết quả bước đầu trong triển khai Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn, cây bản địa, nâng cao chất lượng rừng trồng của Quảng Ninh. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã trồng được 4.170ha cây gỗ lớn, cây bản địa, trung bình trồng 1.390ha/năm, bằng 248% so với giai đoạn 2017-2020. Năm 2022 toàn tỉnh trồng được 2.288,8ha rừng lim, dổi, lát; năm 2023 trồng được 1.078,3ha lim, dổi, lát, tỷ lệ che phủ rừng được giữ vững 55% và chất lượng rừng được nâng cao.
Ngành lâm nghiệp tỉnh đã có các giải pháp cải tiến, hiện đại, đồng bộ và phù hợp trong trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và thay đổi cơ cấu cây trồng từ các cây nhập nội (cây keo) bằng tăng dần các loài cây bản địa với giống được cải tiến theo hướng trồng rừng thâm canh, trồng đa loài cây, trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán. Qua đó, vừa cung cấp gỗ lớn, vừa làm tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích rừng, vừa nâng cao tính bền vững của rừng trồng trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm gần đây, toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác trồng rừng gỗ lớn. Kết quả, trong giai đoạn 2019-2024 với mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn đã trồng mới được trên 4.000ha. Việc trồng rừng gỗ lớn đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với rừng trồng gỗ nhỏ, nhất là việc trồng rừng gỗ lớn có chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng.
Việc trồng và chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, từ trồng giống cây nhập nội (keo) chuyển dần sang các loài cây bản địa là hướng đi bền vững, mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, về môi trường, cũng như về xã hội trong công tác trồng rừng ở các doanh nghiệp nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Trước tiềm năng về rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh, cùng với các thành tựu đã đạt được, cũng như hệ thống các giải pháp đồng bộ để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nói chung và công tác trồng rừng nói riêng, công tác trồng rừng mới, chuyển đổi rừng trồng từ gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn cần được chú trọng và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp. Quan trọng hơn là chính mỗi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xem xét lại việc chọn trồng loại cây rừng nào để cân bằng mục tiêu bảo vệ môi trường sống an toàn thay vì chỉ tập trung vào các loại cây ngắn hạn như keo cho mục đích kinh tế trước mắt.
Thực tế việc chọn các loài cây bản địa chủ lực, cải thiện giống theo chiều sâu, nghiên cứu biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh, đa loài theo mục tiêu cung cấp gỗ lớn nhằm hướng tới phát triển các chuỗi giá trị là hướng đi bền vững và lâu dài trong công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.
Nguyễn Văn Bông (Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()