Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:42 (GMT +7)
Tục thờ thành hoàng làng ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 27/02/2022 | 10:26:42 [GMT +7] A A
Thành hoàng làng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có thể là anh hùng, có công dựng nước và giữ nước chống giặc ngoại xâm, hoặc là thiên thần có công diệt ác, trừ hung, bảo hộ cho dân làng. Hầu hết các làng xã Quảng Ninh đều có tục thờ thành hoàng làng.
Đặc sắc nhất ở Quảng Ninh là tục thờ các vị nhân thần làm thành hoàng làng. Ở Đông Triều, làng Triều Khê tôn thờ vua Trần Anh Tông và An Sinh vương Trần Liễu làm thành hoàng. Thời Nguyễn, thái Miếu nhà Trần đã bị đổ nát, nhân dân địa phương đã xây dựng lại theo kiến trúc một ngôi đình làng, tôn các vị vua Trần lên làm Thành hoàng làng. Các làng xã tôn một vua nhà Trần, hay vị tướng nhà Trần làm thành hoàng làng mình. Bên cạnh đó, làng Hà Lôi thuộc tổng Mễ Sơn thờ Đại Liêu phụ, Đại Liêu tử, Bảo Huệ quốc mẫu, Thái Trưởng công chúa, Thượng Trân công chúa, Bảo Từ hoàng thái hậu. Làng Hoàng Xá thờ Phổ Hộ cư sĩ, Phổ Tế cư sĩ, Phổ Lại cư sĩ là 3 đồ đệ của Phật hoàng làm thành hoàng làng.
Các làng Khoái Lạc, Lưu Khê, Quỳnh Biểu, Trung Bản, Vị Khê (TX Quảng Yên), Cẩm Hải, Dương Huy (TP Cẩm Phả)… tôn Trần Hưng Đạo làm thành hoàng. Làng Vị Khê thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Tử Nghi làm thành hoàng. Bốn người con trai của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Uất, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Hiện cũng được nhiều nơi ở Quảng Ninh thờ làm thành hoàng làng. Đình Lục Nà ở xã Lục Hồn (Bình Liêu) thờ Hoàng Cần là người có công đánh giặc, bảo vệ dân làng làm thành hoàng làng.
Tục thờ thành hoàng ở Quảng Ninh có nét độc đáo là thờ các vị tiên công, những ông tổ của các dòng họ có công khai hoang, lấn biển, mở đất. Tục thờ này phổ biến nhất ở Quảng Yên, Móng Cái và một số địa phương khác. Lễ hội Đình - nghè Cẩm Hải (TP Cẩm Phả) thờ 6 vị nhân thần đã có công khai cơ, lập nghiệp để nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ở các làng xã Quảng Ninh còn thờ nhiều vị thần tự nhiên, thần đặc hữu cho cảnh vật của địa phương làm thành hoàng. Ba Chẽ nhiều nơi thờ thần núi, thần sông Ba Chẽ. Làng Vạn Ninh, làng Trà Cổ, làng Bình Ngọc (TP Móng Cái) thờ thần núi Ngọc Sơn là Trấn Hải tôn thần. Ở Quang Hanh thờ Cửa Hang tôn thần...
Hầu hết các địa phương của Đông Triều như: Mạo Khê, Đông Sơn, Vĩnh Tuy, Nhuệ Hổ, Hổ Lao, Lâm Xá, Nam Mẫu… đều phụng thờ Tản Viên Sơn thánh, Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương là thành hoàng. Men theo núi Yên Tử, Lôi Âm ra Thiên Thai (Hoành Bồ - nay là TP Hạ Long), Bụt Sơn (TP Cẩm Phả), Nam Sơn (Ba Chẽ), Bắc Cường (Tiên Yên), Đại Chí (Vạn Ninh) là các làng Yên Lập, Yên Cư, Tiêu Dao, Vạn Yên, Trúc Võng, Xích Thổ, Yên Thổ, Quang Hanh, Cẩm Phả, Dương Huy, Hà Gián, Quất Đông, Quất Đoài, Ninh Dương, Thác Mang, Xuân Lan… đều tôn thờ 3 vị thần trên.
Rất nhiều làng xã ở Quảng Ninh xưa có hiện tượng phối thờ nhân thần và thiên thần làm thành hoàng làng. Đình làng Bầu xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái) thờ ông tổ của các dòng họ Đỗ, họ Phạm, họ Nguyễn và họ Hoàng phối thờ cùng thần Cao Sơn Đại vương, Hưng Đạo Đại vương, Thuỷ Chung Quảng tế. Đình làng Lạc Thanh (Uông Bí) thờ 12 vị thành hoàng làng phối thờ cùng Cao Sơn, Quý Minh. Đình Quan Lạn phối thờ tướng Trần Khánh Dư, thiền sư Dương Không Lộ, Tứ vị Thánh nương và các vị thành hoàng làng, các vị tiên công có công quai đê lập ấp dựng làng, che chở cho những người đi biển. Đình làng Hưng Học (TX Quảng Yên) phối thờ thờ hai vị thành hoàng là Đức Huyền Quang Lý Đạo Tái, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Đông Hải bản thổ Vũ Hoàng Đào làm thành hoàng.
Do phong tục của từng làng và các vị thành hoàng được thờ của các làng có khác nhau nên các ngày sự lệ cúng tế thành hoàng của các làng cũng khác nhau. Nhưng tựu chung lại, nhân dân đều tổ chức cúng tế thành hoàng vào dịp hội làng để báo cáo với các thành hoàng về một năm đã qua và cầu mong các thành hoàng phù hộ cho dân làng một năm mới nhân khang, vật thịnh.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()