Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:40 (GMT +7)
Tục thờ nữ thần ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 06/03/2022 | 08:49:40 [GMT +7] A A
Trong tín ngưỡng thờ thần ở Quảng Ninh, số lượng những nữ thần được thờ khá đông đảo. Điều này, thể hiện vai trò của những nhân vật nữ và vấn đề bình đẳng giới đã có từ trong tiềm thức dân gian.
Phong tục thờ nữ thần ở Quảng Ninh có liên hệ mật thiết với tín ngưỡng dân gian thờ mẫu độc đáo của dân tộc ta. Nhiều nơi ở Quảng Ninh xưa nay duy trì tục thờ mẫu. Ở TX Quảng Yên, làng Phong Cốc thờ thành hoàng là Tứ vị Thánh Nương; làng Quỳnh Lâu, làng Khoái Lạc, làng Vị Dương đều thờ Địa cung thánh mẫu Công chúa Liễu Hạnh - một trong “Tứ bất tử” theo quan niệm dân gian (cùng với Thánh Gióng, Tản Viên và Chử Đồng Tử).
Xã Cẩm Phả xưa còn thờ Trung Thiên Long mẫu làm Thành hoàng. Theo thư tịch cổ, làng Hà Lôi thuộc tổng Mễ Sơn thuộc TX Đông Triều ngày nay thờ Bảo Huệ quốc mẫu, Thái Trưởng công chúa, Thượng Trân công chúa, Bảo Từ hoàng thái hậu. Đình Quan Lạn thờ Tứ vị Thánh nương là những vị thần được truyền tụng thường che chở cho những người đi biển.
Đền Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Trà Cổ (TP Móng Cái) thờ một pho tượng Thiên Hậu, tương truyền trôi từ biển vào và còn có ban thờ tứ mẫu. Trong khi đó, miếu Bà ở Ba Chẽ thờ Mẫu Thượng Ngàn, người đã có công dạy người dân cách trồng cây ăn quả, lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, cũng như hái cây thuốc để chữa bệnh.
Đền Cái Lân (TP Hạ Long) là một trong nhiều ngôi đền thờ Mẫu Thoải (bà chúa Thoải phủ). Mẫu Thoải (do dân gian đọc chệch từ chữ Thuỷ mà thành) còn gọi là Mẫu đệ tam, người cai quản miền sông nước, bà chúa liên quan trực tiếp đến dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Thông thường, đền thờ mẫu thờ chung Tam toà thánh Mẫu, nhưng đền Cái Lân lại là một trong 3 ngôi đền ở miền Bắc chỉ thờ Mẫu đệ tam, con gái vua Bát Hải Long vương Thuỷ quốc Động Đình, có danh hiệu là “Bạch Ngọc Thuỷ tinh xích lân long nữ công chúa”.
Những dấu tích móng tường phát hiện được tại địa điểm đền Mẫu Cột 5, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) chứng minh rằng đây có khả năng là phế tích của một khu sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh của người Việt, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Nhiều ngôi chùa ở Quảng Ninh có cung thờ mẫu. Điều này thể hiện sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau giữa đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo của dân tộc trong tư tưởng hướng thiện, hướng về tinh thần cộng đồng, từ bi và diệt ác. Đó cũng là nguyên tắc ứng xử của xã hội cổ truyền Việt Nam. Như tại chùa Giải Oan ở Yên Tử có cung Điện Mẫu, thờ Đức Mẫu Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu (là thân mẫu của Phật Hoàng Trần Nhân Tông). Bên phải là ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng, văn hóa dân gian truyền thống của người Việt.
Tại thôn An Biên, xã Thủy An, TX Đông Triều, có ngôi đền thờ nữ tướng Lê Chân, người tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Sau khi giành chiến thắng thì triều đại Hai Bà Trưng được thành lập, Trưng Trắc lên làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương. Nữ tướng Lê Chân được Trưng Vương phong làm Thánh Chân công chúa, giữ chức Trấn Đông Đại Tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải.
Miếu Vua Bà ở TX Quảng Yên thờ bà hàng nước đã mách Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lịch con nước và địa thế dòng sông, giúp bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến làm nên Chiến trận Bạch Đằng đại thắng. Sau khi thắng trận, Hưng Đạo Vương trở lại bến đò tìm bà để tạ ơn, nhưng không thấy, chỉ thấy đống mối đùn lên rất to nơi bà ngồi, ngài đã tâu với vua Trần phong bà làm “Vua Bà” và cho lập miếu thờ.
Tương truyền, đền Cặp Tiên ở Vân Đồn thờ một tiểu thư là con gái Trần Quốc Tảng nên có tên gọi là đền Cô bé Cửa Suốt. Làng Đạm Thủy, tổng Đạm Thủy thuộc TX Đông Triều ngày nay thờ một vị nữ thần hiệu Phương Dung húy Đinh Thị Huệ, chưa rõ lai lịch, công trạng.
Đền Bà Men (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) còn có tên chữ là Đức Chúa Bà, thờ bà Men - nữ thần chủ của đền. Trong vùng lõi của di sản Vịnh Hạ Long, đền Bà Men thể hiện nét đặc trưng về tín ngưỡng thờ thần của ngư dân truyền đời mưu sinh lênh đênh trên sông nước.
Đặc biệt, Quảng Ninh có nhân vật lịch sử hiện đại được nhân dân lập đền thờ và gọi là nữ thần. Đó là liệt sĩ Đỗ Thị Sinh, từng được phân công về Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) hoạt động, xây dựng cơ sở và lấy bí danh Minh Hà. Tháng 7/1947, đồng chí bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man và đã anh dũng hy sinh. Năm 2005, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Minh Hà. Đặc biệt, nhân dân xã Phong Cốc trước đây đã lập đền thờ tại nơi bà hy sinh và gọi là đền nữ thần Minh Hà.
Huỳnh Đăng
- Độc đáo 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam
- Bộ VHTTDL công bố Danh mục 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
- Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch
- Cộng đồng chung tay giữ gìn di sản văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()