Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 22/01/2025 20:04 (GMT +7)
Tục thờ chó đá trong tín ngưỡng dân gian
Chủ nhật, 10/12/2023 | 15:40:03 [GMT +7] A A
Là một trong những con vật được thuần dưỡng sớm nhất, từ xa xưa, chó đã trở thành loài vật gắn liền với đời sống vật chất và tín ngưỡng của người Việt. Bởi vậy, chó đã được thờ, đưa vào hệ thống tượng thờ trong các đình, đền từ lâu đời. Các địa phương miền Đông Quảng Ninh, tục thờ chó đá khá phổ biến nhưng tục này không phải ai cũng biết.
Mới đây, nhân về quê hai anh em ruột nhà thơ Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa ở làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách (Hải Dương), tôi có dịp viếng thăm di tích Mộ và nhà thờ 3 vị tiến sĩ họ Trần là cha, con và cháu liên tiếp đỗ tiến sĩ dưới triều Hậu Lê ở ngay bên cạnh nhà hai ông. Tôi chú ý bên trong di tích, gian ngăn giữa bái đường và hậu cung có đặt 4 tượng chó đá. Cả 4 tượng tả chó trong tư thế ngồi, kích cỡ khác nhau, có tượng đục khá rõ nét, có tượng chỉ sơ bộ hình dáng nhưng đủ cho thấy đó là tượng chó. Chứng tỏ các tượng này có thể được tạc vào các thời gian khác nhau.
Chúng ta đều biết, trong đời sống hiện thực, chó là loài động vật được con người thuần dưỡng từ rất sớm, trở thành vật nuôi quen thuộc trong mỗi gia đình, làm nhiệm vụ bảo vệ, trấn áp kẻ xấu, mang lại bình an cho gia chủ. Trong quan niệm của người Việt, chó là loài vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Bởi vậy, mà dân gian có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Loài vật này cũng có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt tự ngàn đời nay.
Tục thờ chó đá có ở khá nhiều nơi. Tiêu biểu là ở làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội) còn giữ nguyên tục thờ chó đá. Tượng chó ở đây được gọi là quan Hoàng Thạch cao khoảng 1,4m, trong tư thế ngồi, chân cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè che hàm răng dưới. Xung quanh có tượng 16 con chó con, tư thế linh động. Dân làng Địch Vĩ thường đến nơi thờ quan Hoàng Thạch để hương khói, xin thần phù hộ. Trong tâm thức của người dân Địch Vĩ, ông Hoàng Thạch như một vị thần phù trợ cho dân làng được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở. Trong làng, nhà nào có công to việc lớn, cưới hỏi đều biện lễ ra trình quan Hoàng Thạch để được che chở, may mắn.
Theo các nhà nghiên cứu, ở mỗi vùng, hình thức thờ chó đá cũng khác nhau. Người Tày, Nùng một số nơi ở Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Với người Dao, hình ảnh con chó được biểu hiện trên trang phục.
Tại Quảng Ninh, chó đá trong tín ngưỡng dân gian cũng có từ lâu đời. Đáng chú ý, tại đền thờ vua Trần Hiến Tông ở Đông Triều có tượng chó đá khá lớn nhưng được tạc trong tư thế chó nằm thu bốn chân, nghểnh đầu, dáng hiền từ. Đáng tiếc, có lẽ do tư tưởng bài phong một thời, tượng đã bị đập vỡ chỉ còn lại phần đầu, nửa thân sau.
Ở miền Đông Quảng Ninh, chó đá được dùng phổ biến với mục đích “giữ nhà”. Bởi vậy, người dân thường đặt tượng chó đá ở cổng, trước hiên nhà hay một góc nhà. Đặc biệt, tượng chó đá không được tạc rõ chi tiết mắt mũi, tai, đuôi như ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà chỉ có là đá gần giống như con chó ngồi mà thôi.
Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, nhà sử học Đào Duy Anh đã viết: Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đứng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để có con đường đâm thẳng vào nhà, hay có đền, chùa ở trước cửa nhà. Nếu bất đắc dĩ, không tránh được những điều kiêng kỵ ấy, người ta sẽ chôn trước nhà một con chó đá hay một chiếc gương trước cửa để yểm tà khí.
Vì người Việt có tín ngưỡng đa thần giáo, tôn thờ thuyết vạn vật hữu linh nên trải qua nhiều biến động, tục thờ chó bị phai nhạt. Chó đá giờ được thay thế phổ biến bằng... chó gốm. Nhiều người bày tượng chó gốm trước cửa, có thể chỉ bày trang trí là chính chứ chưa hẳn đã hiểu nguồn gốc tục thờ chó đá xưa.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()