Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:46 (GMT +7)
“Tựa sơn - hướng bể”
Thứ 7, 10/02/2024 | 09:29:09 [GMT +7] A A
60 năm trước, ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II, Kỳ họp thứ 7, phê chuẩn hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Dựa vào thế “tựa sơn, hướng bể”, Quảng Ninh án ngữ ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, phên giậu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí trọng yếu về địa chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, 60 năm qua Quảng Ninh đã giành được những thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước.
Tự hào danh xưng Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh được thành lập từ sự hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Nơi đây là một trong những cái nôi của người Việt cổ, được cư dân tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống, sáng tạo nên Văn hóa Soi Nhụ và Văn hóa Hạ Long. Nơi đây ghi dấu 3 lần dân tộc Việt Nam chiến thắng quân giặc trên sông Bạch Đằng, làm nên bản hùng ca bất hủ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đồng thời ghi dấu Vùng mỏ Anh hùng, một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, quê hương của phong trào “vô sản hóa”, làm nên tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tháng 2/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở sáp nhập Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên. Ngày 8/8/1954 tỉnh Hải Ninh hoàn toàn giải phóng; ngày 25/4/1955 khu Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng. Đảng bộ khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã lãnh đạo nhân dân thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo XHCN, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Xét thấy việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh có lợi hơn về kinh tế - quốc phòng, đầu tháng 7/1963 Ban Thường vụ (BTV) Khu ủy Hồng Quảng và BTV Tỉnh ủy Hải Ninh đã tổ chức Hội nghị liên tịch bàn và nhất trí đề nghị Trung ương hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính. Hội nghị đã quyết định thành lập Ban chuẩn bị hợp nhất 2 tỉnh, khu. Ngày 4/10/1963 Ban Bí thư Trung ương Đảng có công văn gửi Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Bộ Nội vụ, Văn phòng nội chính, Thủ tướng Chính phủ, BTV Khu ủy Hồng Quảng, BTV Tỉnh ủy Hải Ninh về việc: “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thống nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng làm một tỉnh” để nghiên cứu kế hoạch thi hành.
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, ngày 7/10/l963 BTV Khu ủy Hồng Quảng và BTV Tỉnh ủy Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch ra nghị quyết về việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh là một yêu cầu khách quan, hoàn toàn phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của nhân dân 2 tỉnh, khu không những có lợi to lớn về kinh tế, chính trị, văn hoá, dân tộc và cán bộ, mà còn có lợi ích to lớn về mặt quân sự và quốc phòng”. Tiếp sau đó, HĐND 2 địa phương đã họp và thống nhất đề nghị Quốc hội hợp nhất 2 địa phương.
Thời điểm đó, mặc dù đã thống nhất việc hợp nhất 2 tỉnh, khu, nhưng việc đặt tên cho tỉnh còn nhiều ý kiến. Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Ninh (Sở Nội vụ) hiện còn lưu giữ tập Văn kiện năm 1963, trong đó có các biên bản và nghị quyết kỳ họp HĐND đặc biệt, kỳ họp liên tịch giữa HĐND khu Hồng Quảng và HĐND tỉnh Hải Ninh về việc đặt tên tỉnh Quảng Ninh năm 1963. Các biên bản kỳ họp ghi rõ các ý kiến tranh luận về việc đặt tên tỉnh. Trong đó, phía Hải Ninh đề nghị đặt tên tỉnh là Hải Đông với cái lý là tên này đã tồn tại suốt mấy trăm năm thời Lý - Trần; phía khu Hồng Quảng có nhiều ý kiến khác nhau, nào là Quảng Yên, An Quảng, Yên Quảng. Lại có ý kiến đề nghị là Hồng Hải, vừa có chữ Hồng của khu Hồng Quảng, vừa có chữ Hải của tỉnh Hải Ninh, nhiều tỉnh khác cũng thường đặt tên như vậy. Nhưng lại có ý kiến phản bác, Hồng Hải chẳng có nội dung gì, lại trùng với tên biển Hồng Hải. Thế là không nhất trí. Kết luận của Hội nghị là đề nghị Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định. Và Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững.
Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ngày 30/10/1963 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, Quốc hội đã ra Nghị quyết quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Tiếp đó ngày 18/11/1963 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 85-NQ/TW, quyết nghị hợp nhất Đảng bộ khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh thành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh.
Sự kiện tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 30/10/1963 là kết quả của một quá trình vận động lịch sử lâu dài cả về mặt hành chính và văn hóa, lãnh thổ và dân cư. Danh xưng Quảng Ninh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho mang ý nghĩa lớn lao về trọng trách, sứ mệnh, tầm nhìn cho một địa phương rộng lớn về lãnh thổ, thoáng mở về tư duy, hào sảng về tính cách, yên ổn cho vùng biên viễn, sẵn sàng giao lưu và tiếp biến tinh hoa văn hóa mọi vùng miền.
Cửa ngõ kết nối các liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh
Với vị trí địa lý đặc thù, Quảng Ninh được xem là một cửa ngõ kết nối các liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh. Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở Việt Nam có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc - thị trường đông dân nhất trên thế giới. Do đó khi 2 quốc gia tiến hành hợp tác phát triển dựa theo tuyến hành lang kinh tế, Quảng Ninh là một địa phương của Việt Nam nằm trong khu vực hợp tác hành lang - con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm hai hành lang kinh tế là Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Nam Ninh - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ.
Quảng Ninh còn là cửa ngõ kết nối Vùng đồng bằng sông Hồng với vùng trung du miền núi phía Bắc. Trên thực tế, mặc dù theo phân vùng kinh tế hiện nay, Quảng Ninh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (đồng bằng sông Hồng), nhưng về mặt địa chất và địa lý, phần nhiều diện tích của Quảng Ninh thuộc vùng núi Đông Bắc. Bên cạnh đó, Quảng Ninh là cửa ngõ ra biển cho toàn miền Bắc, là đường ra biển nhanh nhất của 2 tỉnh năng động nhất vùng trung du và miền núi phía Bắc hiện nay là Bắc Giang và Lạng Sơn.
Để phát huy những thế mạnh từ vị trí “tựa sơn, hướng bể”, tỉnh Quảng Ninh xác định kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm đảm bảo mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cụ thể, lấy tâm là TP Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh, phát triển theo mô hình đa cực, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh. Trong đó, KKT ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, phát triển theo mô hình thành phố thông minh với các khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ - cảng biển thông minh, hiện đại. Tuyến phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới Đông Bắc Á, phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ - thương mại, dịch vụ tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch, công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp. Phát triển KKT Vân Đồn, KKT Cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá…
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính liên kết vùng, tính động lực cao, các KKT, KCN, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Đặc biệt, Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ trong 3 giờ; kết nối cung đường Lào Cai - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Tuyến cao tốc này đã giúp kết nối 3 vùng động lực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Cũng từ tuyến cao tốc này, tháng 7/2022 các địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, tạo thành chuỗi kinh tế liên kết có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh, 8 lần TP Đà Nẵng. Trong đó Quảng Ninh đóng vai trò là trung tâm kết nối khi sở hữu gần 2/3 trục cao tốc kéo dài từ Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Cùng với đó, để khẳng định vai trò là trung tâm kết nối, Quảng Ninh đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương phía Bắc của tỉnh, gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, để cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng.
Tại Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023) "Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", Chính phủ quy hoạch Quảng Ninh sẽ trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế. Theo đó, Quảng Ninh được định hướng trở thành tiêu biểu cả nước về mọi mặt; kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là cực tăng trưởng của phía Bắc, trung tâm du lịch quốc tế, kinh tế biển, cửa ngõ Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Chính phủ kỳ vọng dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Đến năm 2050 Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho Đông Nam Á. Quảng Ninh cũng sẽ phát triển thành trung tâm kinh tế biển, kết nối khu vực và quốc tế với hệ thống cảng nước sâu, âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế, gắn với chuỗi kinh tế đô thị ven biển.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()