Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 10:32 (GMT +7)
Từ vùng quê lúa tới TP Đông Triều hôm nay
Thứ 6, 01/11/2024 | 08:00:00 [GMT +7] A A
Mang trong mình bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, Đông Triều đã vươn lên không ngừng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, góp phần nâng cao cả về chất và lượng đời sống nhân dân. Đó là một hành trình dài với nhiều gian nan, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc để đưa vùng quê lúa năm xưa trở thành thành phố trẻ của Quảng Ninh hôm nay.
Đông Triều là khu vực cửa ngõ phía Tây của Quảng Ninh, có địa thế khá đặc biệt với lưng tựa núi và hướng ra sông lớn. Nơi đây cho tới giờ vẫn còn dấu tích những ngôi chùa như chùa Quỳnh Lâm được xây dựng từ thời nhà Lý, với tấm bia đá lớn đã tồn tại qua cả nghìn năm mưa nắng thời gian và biết bao biến động của thời cuộc. Xa xưa hơn nữa, từ thời Hai Bà Trưng đã xuất hiện nữ tướng Lê Chân ở làng Vẻn, thuộc xã Thuỷ An bây giờ…
Vùng đất Đông Triều cũng là một vùng trầm tích văn hoá lớn của nhà Trần với hệ thống đền, chùa, miếu, lăng tẩm dày đặc, đã được đặc cách công nhận là di tích quốc gia từ đợt đầu tiên năm 1962, cho thấy quá khứ vàng son nơi đây. Qua kết quả nghiên cứu, khảo cổ của các nhà khoa học, nhiều khoảng trống về các di sản nhà Trần đã từng bước được lấp đầy, khẳng định Đông Triều là quê gốc của nhà Trần, một triều đại văn trị - võ công hiển hách bậc nhất trong lịch sử nước ta.
Sau này, hệ thống di sản nơi đây vốn bị phá huỷ vì nhiều lý do dần được khôi phục lại, từ đền An Sinh, am - chùa Ngọa Vân (nơi vua Trần Nhân Tông hoá phật), Thái miếu (nơi thờ hoàng tộc nhà Trần) rồi chùa Trung Tiết, Quỳnh Lâm, Cảnh Huống, Hồ Thiên, các lăng tẩm vua Trần… Cả một vùng di sản nhà Trần hơn 2.000ha đã được quy hoạch, tạo thành một vùng du lịch văn hoá tâm linh đặc sắc. Đây cũng là hợp phần quan trọng nằm trong Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề xuất UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Nhạ, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Triều, từng bày tỏ: Đông Triều là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá từ xa xưa, để lại nhiều dấu tích tốt đẹp, giá trị. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng, nhận thức của con người Đông Triều xưa nay với niềm vinh dự, tự hào về truyền thống quê hương, tổ tiên xưa.
Viết tiếp truyền thống tốt đẹp đó, khi thực dân Pháp xâm lược và khai thác khu mỏ Mạo Khê - mỏ than đầu tiên của Quảng Ninh trên đất Đông Triều, phong trào cách mạng nơi đây sục sôi với sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Vùng mỏ, có nhiều đồng chí tiền bối của Đảng về sinh hoạt, như Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh…
Ông Nhạ nhớ lại: Chiến khu Đông Triều ra đời rất sớm và lấy được chính quyền sớm nhất trong cả nước, sau ngày 8/6/1945 đã thành lập được chính quyền cách mạng từ huyện xuống cơ sở. Chỉ từ tháng 3 đến tháng 8/1945, Chiến khu đã làm đúng sứ mệnh lịch sử của mình và đạt thành tích rất to lớn, không chỉ giải phóng Đông Triều mà còn giải phóng hết khu Đông Bắc, TP Hải Phòng. Đến năm 1947 thì Pháp đánh đến và chiếm hẳn Đông Triều, mở ra cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Đông Triều. Căn cứ của huyện ở trong rừng, còn ở các làng hình thành nên các vùng du kích, như du kích Yên Đức, Nguyễn Huệ… Pháp có thể càn quét các làng nhưng vào rồi lại phải ra, du kích chống càn, người ta bám đất, bám làng ghê lắm.
Đông Triều thời bình tự hào là huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh với nhiều thành tựu quan trọng trong thuỷ lợi hoá, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, dồn điền đổi thửa xây dựng các vùng canh tác lúa, hoa màu tập trung, các vùng cây ăn quả đặc sản… Các cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm cũng được quan tâm, tạo nên những kết quả nổi bật trong toàn tỉnh. Đông Triều về đích huyện nông thôn mới đầu tiên của miền Bắc từ năm 2015. Năm 2020, 100% xã của Đông Triều về đích nông thôn mới nâng cao và tiếp tục hành trình nâng chất, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đó nâng cao thu nhập và mức sống người nông dân, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao và phát triển bền vững của địa phương.
Về phát triển đô thị, vào năm 2015, Đông Triều đã được nâng cấp từ huyện lên thị xã, đến năm 2020 được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Thời gian qua, thị xã đã đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng. Giai đoạn từ năm 2021-2025, Đông Triều đã huy động 27.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa để đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng giao thông, kỹ thuật, đô thị, hệ thống cấp thoát nước và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Nói riêng về hạ tầng giao thông, Đông Triều hiện đã có các tuyến đường kết nối vùng, bao gồm Quốc lộ 18, cầu Đông Mai (nối TP Chí Linh, Hải Dương), cầu Triều (nối thị xã Kinh Môn, Hải Dương) và các tuyến đường tỉnh được nâng cấp. Bên cạnh đó, cầu Lại Xuân (nối với huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), tuyến đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đang được xây dựng, hứa hẹn mở ra triển vọng phát triển cho khu vực phía tây Quảng Ninh. Với quan điểm phát triển đô thị trong nông thôn, phố trong làng, nhiều làng quê của Đông Triều ngày càng trở nên xanh - sạch - đẹp…
Ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Đông Triều và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2024. Đây là cơ hội để vùng đất giàu truyền thống văn hoá, cách mạng này tiếp tục hành trình phát triển đi lên với vị thế mới, khí thế mới, sức sống mới của thành phố trẻ hôm nay.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()