Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:31 (GMT +7)
Từ vụ bé 4 tuổi vặn tay ga xe máy làm 3 người chết, bỏ ngay thói quen nguy hiểm
Thứ 2, 29/05/2023 | 12:02:40 [GMT +7] A A
"Khi bé ngồi đằng trước xe máy, cha mẹ cảm thấy an toàn hơn vì theo dõi được mọi hoạt động của bé. Tuy nhiên, đây lại là cách hiểu hết sức sai lầm, vì bản chất vị trí sau tay lái là nơi nguy hiểm nhất", TS. Nguyễn Minh Hiếu cho biết.
Sự việc bé 4 tuổi (ở Mỹ Thắng, Phù Mỹ, Bình Định) vô tình vít tay ga khiến xe máy đâm vào bờ tường, 3 bà cháu ngồi trên xe tử vong để lại nhiều xót xa.
Đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ vô tình vít tay ga gây ra tai nạn khi đi xe máy. Vào cuối tháng 9/2022, Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng tiếp nhận điều trị cho bé gái 4 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng.
Sự việc xảy ra khi hai mẹ con từ trường về nhà, bé được ngồi phía trước như mọi khi. Qua chợ, người mẹ dừng xe mua đồ, do xe máy có tính năng ngắt động cơ tạm thời nên chị sơ ý không tắt máy. Bé gái sau khi xuống lấy đồ do mẹ mua đã trèo lên xe máy, cùng lúc mẹ của bé bỏ tay lái ra để lấy ví trả tiền.
Lúc lên xe, bé vô tình nắm vào tay ga và vặn mạnh khiến chiếc xe lao vọt đi, cả hai mẹ con cùng ngã văng ra đường. Tai nạn khiến bé gái ngất lịm.
Trước đó, chiều 9/1/2022, mạng xã hội cũng chia sẻ clip ghi lại vụ tai nạn tại đường Triệu Nữ Vương, phường Hải Châu 2, TP Đà Nẵng.
Theo clip, trên xe máy tạm dừng đỗ có 3 người, người phụ nữ trẻ cầm lái, người phụ nữ lớn tuổi và cháu bé ngồi phía sau. Khi đó, người phụ nữ lớn tuổi xuống khỏi xe máy còn cháu bé nghiêng người sang trái và định bước xuống xe.
Do còn nhỏ nên cháu bé đã phải bám vào vai của người phụ nữ cầm lái để xuống xe. Lúc này cháu bé vô tình nắm vào tay lái và vít ga khiến xe máy lao vút đi. Chiếc xe chỉ dừng lại khi đâm vào ô tô đỗ bên kia đường, người cầm lái và cháu bé ngã nhào.
Mặc dù có nhiều vụ tai nạn xảy ra nhưng tình huống người lớn cho trẻ ngồi phía trước hoặc đứng trên phần để chân của xe tay ga mà không đeo đai thắt an toàn khi tham gia giao thông khá phổ biến. Thậm chí, có người vừa chạy xe vừa giữ trẻ ở trước bằng một tay.
Chiều 28/5, chia sẻ với VietNamNet, TS. Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học GTVT) cho biết, việc cho con nhỏ ngồi đằng trước là một thói quen tồn tại đã lâu khi tham gia giao thông bằng xe máy ở Việt Nam.
“Nguyên nhân đầu tiên là cha mẹ thấy rằng con còn nhỏ (3-6 tuổi) nên không thể tự ngồi đằng sau một mình. Trẻ có thể không chú ý, quên ôm hoặc giật mình khi xe tăng tốc đột ngột.
Trong khi đó, khi bé ngồi đằng trước, các bậc cha mẹ cảm thấy an toàn hơn vì mọi hoạt động của bé đều trong phạm vi giám sát và theo dõi của mình. Tuy nhiên, đây lại là cách hiểu hết sức sai lầm, vì bản chất vị trí sau tay lái là nơi nguy hiểm nhất, chỉ cần phanh gấp là lực quán tính đẩy trẻ về phía trước, đầu hoặc ngực trẻ có thể đập vào tay lái hoặc trẻ bị văng ra xa”, TS. Nguyễn Minh Hiếu phân tích.
Theo TS. Nguyễn Minh Hiếu, nguyên nhân tiếp theo là nhiều phụ huynh chiều con, cho ngồi phía trước xe khi thấy trẻ tỏ ra thích thú với tầm nhìn rộng, quan sát nhiều hơn. Thậm chí, một số cha mẹ còn muốn tạo thêm cảm giác cho con thông qua việc cho trẻ thực hiện bấm còi hoặc bật đèn xi nhan.
Nguyên nhân thứ 3 là việc cho con ngồi đằng trước khá phổ biến nên nhiều cha mẹ học theo và đánh giá thấp sự nguy hiểm của hành vi này.
TS. Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh: "Việc để trẻ em ngồi đằng trước là hết sức nguy hiểm vì trẻ nhỏ chưa có sự đánh giá chín chắn về hành vi của mình. Các em có xu hướng tò mò và học theo hành vi của người lớn.
Trên thực tế, việc các em bé tùy tiện bóp còi hoặc bật đèn xi nhan không phải là hiếm. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp còn nghịch tay ga và vặn chìa khóa tắt máy xe”.
TS. Nguyễn Minh Hiếu cho biết, các hướng dẫn và quy định điều khiển phương tiện thường nhấn mạnh việc không để trẻ em ngồi trước và tiếp cận trực tiếp với khu vực lái.
“Ví dụ khi đi ô tô, trẻ em được yêu cầu ngồi sau xe và có ghế riêng cố định. Đối với xe máy, cũng cần thiết phải yêu cầu trẻ em đi cùng ngồi phía sau và được cố định chặt với người lái thông qua địu hoặc dây đai. Một giải pháp khác đó là lắp thêm ghế cho trẻ em ở phía sau xe máy”, TS. Nguyễn Minh Hiếu khuyến cáo.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, khi cho trẻ đi xe máy thì người lớn nên lái xe với tốc độ ổn định vừa phải. Với trẻ nhỏ 1 - 2 tuổi, an toàn nhất là để trẻ ngồi giữa 2 người lớn, tuyệt đối không cho trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy.
Với trẻ lớn hơn, cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không để trẻ đứng trên xe với bất cứ lý do nào. Đặc biệt, khi người lớn xuống xe máy thì phải tắt máy và cho trẻ xuống xe.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()