Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:42 (GMT +7)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề giáo
Thứ 7, 20/11/2021 | 10:41:20 [GMT +7] A A
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ một thầy giáo Nguyễn Tất Thành cho đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng, Nhà nước - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rất quan tâm đến giáo dục và đào tạo, về đạo đức của người thầy giáo trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, việc học tập, nghiên cứu và vận dụng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, về vai trò người thầy để bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo của nước nhà càng có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo
Người thầy giáo giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của các nhà giáo đối với xã hội. Người nhấn mạnh: “Những người thầy giáo tốt là những người vẻ vang nhất, là những anh hùng vô danh”. Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10/1964), Người nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang”.
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Với tầm nhìn chiến lược của một vĩ nhân, một nhà chính trị, một hiền triết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò người thầy trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy, người trí thức, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa có sứ mệnh quan trọng là hun đúc nguyên khí quốc gia, đào tạo lớp người tài - đức kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân ta. Và Hồ Chí Minh đã giao phó nhiệm vụ quan trọng, khó khăn cho đội ngũ nhà giáo. Đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng rất nặng nề của những người theo đuổi sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của một nhà giáo cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, vì nền giáo dục nước nhà, đời tư trong sáng giản dị, nói đi đôi với làm và là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học. Người đã từng đứng trên bục giảng với tư cách là một nhà giáo, tự thiết kế nội dung chương trình, tổ chức lớp học, truyền đạt bằng phương pháp hiện đại.
Bên cạnh đó, người thầy phải là những người lấy việc phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc làm mục tiêu phấn đấu suốt đời; người thầy phải có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, phát huy dân chủ trong nhà trường. Quan trọng hơn nữa, phẩm chất và năng lực của người thầy quyết định chất lượng đào tạo con người. Người thầy phải tâm huyết với nghề, giữ gìn về nhân cách đạo đức lối sống và thương yêu con người. Người cách mạng nói chung và nhà giáo nói riêng phải có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Biểu hiện rõ nhất những phẩm chất này của người thầy giáo là dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt. Sự nghiệp trồng người không hề bằng phẳng dễ dàng mà đầy khó khăn, gian khổ. Vì vậy, không chỉ có quyết tâm, sự hy sinh mà phải có kế hoạch, biết tổ chức, có phương pháp làm việc khoa học mới hoàn thành được nhiệm vụ. Người thầy giáo phải là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức và tự học, đánh giá kết quả của người học phải khách quan, công bằng, không thiên vị, riêng tư.
Phẩm chất nhà giáo còn phải thể hiện ở tình yêu thương học trò và yêu nghề. Đối với nhà giáo, phẩm chất đạo đức thương yêu học trò và yêu nghề có mối quan hệ mật thiết, tác động hỗ trợ nhau. Thương yêu học trò sẽ dẫn đến yêu nghề và ngược lại, yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chuyên môn, nghiệp vụ của người thầy: “Có tài mà không có đức là hỏng, có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào”. Theo Người, người thầy phải có kiến thức vững vàng, sâu rộng về chuyên môn, trong đó kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết, thực tế và kinh nghiệm. Hơn nữa, người thầy không chỉ cần có vốn sống, vốn hiểu biết rộng rãi về con người, về tự nhiên và xã hội, mà còn phải có óc sáng tạo, nhạy bén, luôn đi tìm cái mới thì hiệu quả giảng dạy, giáo dục mới được đảm bảo, mới thực sự trở thành người thầy giỏi. Vì thế, Người mong muốn “giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới
Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua. Nghị quyết đã chỉ rõ vai trò của giáo dục - đào tạo đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập với quốc tế và khu vực. Từ đó, Nghị quyết vạch rõ 9 giải pháp cơ bản, trong đó, phát triển đội ngũ nhà giáo được xem là giải pháp then chốt. Do vậy, để đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI, yêu cầu đặt ra đối với mỗi nhà giáo lại càng cao hơn, nặng nề hơn.
Về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, mỗi nhà giáo cần thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Người thầy giáo cần phải tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nhà giáo, đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung với nước, hiếu với dân. Đó chính là đạo đức cách mạng mà mỗi người trí thức nói chung, người thầy nói riêng phải rèn luyện thường xuyên, lâu dài.
Về năng lực chuyên môn, mỗi nhà giáo phải xác định mục đích “Học để làm gì? Học để phục vụ ai?”. Theo Người, trước hết là: “Học để làm việc”; hai là “Học để làm người”; ba là, học để “làm cán bộ”. Chỉ có học “biết làm việc”, “biết làm người” mới có thể “biết làm cán bộ” để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại.
Về tinh thần đoàn kết, trong mỗi nhà trường, để có sự phát triển nhanh, bền vững cần phải có sự đồng tâm hiệp lực của tất cả mọi người. Trong đó, vai trò của người lãnh đạo, quản lý trực tiếp đội ngũ giảng viên là hết sức quan trọng. Do vậy, trong công tác lãnh đạo trí thức nói chung, nhà giáo nói riêng, người cán bộ lãnh đạo phải thấm nhuần sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải xuất phát từ niềm tin đối với con người, bởi vì “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”.
Về nêu gương đối với nhà giáo: Nhà giáo là tấm gương cho nhân dân, cho thế hệ trẻ của đất nước noi theo. Người thầy có trách nhiệm đi tiên phong trong việc tự học, tự nghiên cứu nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được phân công. Bản thân mỗi người thầy giáo phải xây dựng cho mình một phong cách sống khiêm tốn, giản dị, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, không ham danh lợi, chức quyền.
Cuộc vận động lớn của Đảng về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là dịp để mỗi nhà giáo thấm nhuần hơn tư tưởng đạo đức của Người. Cần phải quán triệt hơn nữa, vận dụng triệt để hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của nhà giáo trong giáo dục. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Điều này không những để khẳng định tri thức, trình độ phát triển giáo dục của dân tộc, mà còn góp phần quan trọng cho thắng lợi của công cuộc hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
Chu Lữ Hồng Trang (Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()