Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:42 (GMT +7)
Từ Quảng Ninh đến Cà Mau chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm
Thứ 5, 31/03/2022 | 21:59:50 [GMT +7] A A
Ngày 31/3, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành Văn bản số 176/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau về việc chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và gió mạnh trên biển.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối 31/3, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng tới các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Từ chiều tối 31/3 - 1/4, Bắc Bộ và Thanh Hoá có mưa rào và dông, có nơi mưa rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 1/4, Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9.
Để chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và gió mạnh trên biển. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đến Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra. Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo và diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những phương án cụ thể để phòng tránh như: Có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em. Mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh. Chính quyền và các cơ quan chức năng thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian có lũ quét...
Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.
Khi trời mưa dông có thể kéo theo gió mạnh, ngập nước, thậm chí là lốc xoáy và sét đánh gây nguy hiểm cho mọi người. Người dân nên cẩn thận với các thiết bị điện, điện tử trong nhà bằng việc không sử dụng điện thoại có dây, điện thoại bàn khi trời mưa có sấm sét vì điện thoại có thể là nguyên nhân dẫn đến sét đánh.
Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên: Cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí, cường độ, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Người lái tàu cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu, thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam.
Người lái tàu cần chú ý, phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng cách tối thiểu từ 350 đến 400 km - khoảng 200 hải lý. Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()