Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:43 (GMT +7)
Từ những chuyến du lịch văn hóa
Chủ nhật, 22/01/2023 | 14:06:26 [GMT +7] A A
Quảng Ninh - vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Trải qua lịch sử ngàn năm hình thành và phát triển Quảng Ninh hôm nay không chỉ đẹp trong dáng hình của những đô thị hiện đại, sầm uất, mà đó còn là vẻ đẹp của một miền văn hóa đậm đà bản sắc. Du lịch văn hóa của Quảng Ninh chắc chắn mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn để có thể thấy hết một miền Đông Bắc sống động, thú vị và không nỡ rời xa khi đã một lần ghé thăm.
Cuối đông, khi mùa hoa sở trắng tinh khôi vừa khép lại, khắp các bản làng của huyện miền núi Bình Liêu lại bừng sắc hồng tươi thắm của hoa đào dịu dàng đón xuân về. Đây cũng là mùa bắt đầu cho những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc như Lễ hội Đình Lục Nà (16 tháng Giêng), Hội Soóng Cọ (16/3 âm lịch), Ngày “Kiêng gió” (4/4 âm lịch)... Cũng như các địa phương khác, những hội làng, lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện ý thức hướng về cội nguồn của nhân dân các dân tộc nơi đây.
Mỗi dịp hội Soóng Cọ, chị em dân tộc Sán Chỉ ở xã Húc Động (Bình Liêu) lại háo hức, rộn ràng chuẩn bị cho giải bóng đá nữ - giải đấu đã trở thành thương hiệu văn hóa, du lịch riêng có ở Bình Liêu. Bóng đá nữ không còn xa lạ với người hâm mộ nhưng hình ảnh các cô gái dân tộc trong trang phục váy áo truyền thống, đầu vấn khăn, tranh bóng quyết liệt, thực sự là những hình ảnh hiếm có đầy thú vị ở huyện miền núi vùng cao này.
Mới 17 tuổi nhưng La Thị Thảo, cô gái trẻ nhất đội bóng của thôn Nà Ếch (xã Húc Động) đã có hơn 7 năm chơi bóng, đến nay đã trở thành “quả bóng vàng” của giải bóng đá Hội Soóng Cọ. La Thị Thảo chia sẻ: Điều đặc biệt ở Húc Động là các chị em ai cũng yêu thích bóng đá, và mỗi lần có giải đấu các anh sẵn sàng trông nhà, chăm con cho chị em đi tập luyện. Nhà tôi cũng vậy, trước mẹ tôi cũng tham gia và giờ đến tôi. Không biết từ bao giờ, bóng đá nữ Sán Chỉ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con quê tôi. Đó vừa là niềm vui vừa là động lực để chúng tôi tiếp tục gìn giữ, giới thiệu nét đẹp văn hóa quê hương tới bạn bè bốn phương.
Trong trận đấu, La Thị Thảo mạnh mẽ, quyết liệt bao nhiêu, thì ra ngoài sân cỏ, thiếu nữ miền sơn cước với nụ cười tươi tắn thường trực trên môi lại dịu dàng, đằm thắm bấy nhiêu. Chính bản sắc văn hoá, vẻ đẹp duyên dáng, cá tính cùng sự vô tư, nhiệt huyết trong thể thao của các cô gái Sán Chỉ đã tạo nên sức hấp dẫn cho các trận đấu. Đó cũng là lý do, dù phải đi trong đêm từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chỉ có chưa đầy một ngày ở Bình Liêu nhưng Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Á vẫn quyết tâm thực hiện chuyến đi để có thể ghi lại hình ảnh về các cô gái Sán Chỉ mặc váy đá bóng.
“Trăm nghe không bằng một thấy, một chuyến đi dù ngắn ngủi nhưng đầy ắp trải nghiệm với tôi về con người, văn hóa Bình Liêu. Duyên dáng, khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng, các cô gái dân tộc thi đấu hết mình trên sân đất xung quanh là ruộng bậc thang và núi non trùng điệp hùng vĩ. Sự mộc mạc, giản dị, đời thường ấy của bà con đã tạo nên nét riêng biệt, thu hút vô cùng. Tôi đã hiểu vì sao một trận bóng đá nữ dân tộc mà có đến 1/3 khán giả là các anh chị nhiếp ảnh, phóng viên các báo đài say sưa quay phim, chụp ảnh” - Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho biết.
Là một người Anh dành tình yêu đặc biệt cho bóng đá, khi lần đầu tiên được chứng kiến những cô gái Sán Chỉ mặc váy đá bóng ngay tại một huyện miền núi của Quảng Ninh - Việt Nam khiến ông Simon Taintey quá đỗi ngạc nhiên và bất ngờ. Ông Simon Taintey hào hứng: “Tôi cảm thấy rất thích thú, khác biệt. Với du khách nước ngoài như tôi những hoạt động thế này vô cùng hấp dẫn, nó cho thấy sự độc đáo, nét đặc trưng của văn hóa bản địa trong xu thế hội nhập, khiến tôi muốn được tìm hiểu, trải nghiệm nhiều hơn”.
Du lịch văn hóa ở Bình Liêu là thế, là những gì tự nhiên, chân thật và gần gũi nhất được khám phá, cảm nhận từ chính nếp sống, nếp nghĩ, trong mỗi món ăn hay bộ trang phục truyền thống của bà con đồng bào nơi đây. Về với Bình Liêu là về với miền văn hóa rực rỡ sắc màu của đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ hòa quyện trong vẻ đẹp giản dị được phác họa lên từ núi non hùng vĩ, hoa lá ven đường, căn nhà lợp ngói âm dương nhỏ nhắn e ấp bên sườn đồi... Ở đó, có làn điệu Then, Soóng Cọ ngọt ngào, đằm thắm, mang vẻ đẹp, bản sắc, cốt cách của người đồng bào dân tộc, cứ du dương, say đắm như níu chân người ở lại.
Không riêng Bình Liêu, ghé thăm vùng đất ngã ba sông Tiên Yên, sẽ là cơ hội tuyệt vời để du khách được hòa mình trong không khí rộn ràng, đặc sắc của phiên chợ vùng cao Hà Lâu. Về với Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều), không gian làng quê trù phú, thanh bình, mộc mạc mang đậm đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ rất phù hợp cho những ai đang cần không gian nghỉ ngơi sau những bộn bề của cuộc sống.
Đặt chân đến thành phố địa đầu Móng Cái sẽ là hành trình trải nghiệm đầy ý nghĩa về những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, về Mũi Sa Vĩ - nơi chấm nét bút đầu tiên vẽ nên dáng hình đất nước thân thương. Hành hương về miền đất Phật Yên Tử ngàn năm để thấy cả một chiều sâu lịch sử, văn hóa tâm linh của dân tộc. Không gian cổ kính, trong lành chốn non thiêng còn nguyên vẹn với những chùa, am, tháp trầm mặc khiến lòng người thêm an yên, tĩnh lặng.
Rong ruổi một ngày trên vịnh Hạ Long để đắm say theo tiếng hát giao duyên trên vịnh, cùng ngư dân học đan lưới tại làng chài Cửa Vạn cũng là một gợi ý hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá văn hóa bản địa. Đâu đâu ở Quảng Ninh, mỗi vùng đất cũng đều chất chứa những nét đẹp văn hóa riêng có, được hình thành, gìn giữ và bồi đắp mặc cho thăng trầm biến đổi của thời gian, đến nay đều trở thành những điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn du khách.
Cùng với du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa đang tạo thương hiệu và sự khác biệt cho sản phẩm du lịch của Quảng Ninh. Hệ thống di tích, danh thắng cùng các hoạt động văn hóa, lễ hội đã góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu cả nước. Trung bình mỗi năm, lượng khách du lịch đến các di tích, lễ hội chiếm trên 50% tổng số khách tham quan du lịch tại Quảng Ninh.
Những năm qua, tỉnh đã luôn quan tâm công tác phục dựng các lễ hội truyền thống tạo dấu ấn cho các sự kiện như lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... Nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa du lịch thường niên như lễ hội Carnaval, lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, lễ hội Hoa Sở, Hội mùa vàng, lễ hội Trà hoa vàng...
Đặc biệt, Quảng Ninh đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xem xét, ghi danh “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” vào danh mục Di sản thế giới. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa Quảng Ninh lên tầm cao mới.
Những giá trị văn hóa từ biển, từ than, từ bản sắc dân tộc tại Quảng Ninh vẫn đang hiện hữu thật rõ trong đời sống văn hóa của nhân dân, in dấu trong mỗi công trình kiến trúc, âm nhạc, tín ngưỡng... cho thấy sức sống bền bỉ vượt thời gian của những giá trị và nét đẹp văn hóa nơi mảnh đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Đó chính là nguồn “tài nguyên” quý giá để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch bền vững, trở thành trung tâm du lịch xứng tầm khu vực và thế giới.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()