Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:33 (GMT +7)
Từ ngày 1/1/2022, tăng nặng các mức xử phạt vi phạm giao thông để răn đe
Thứ 6, 31/12/2021 | 16:55:49 [GMT +7] A A
Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, trong đó Điều 2 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sẽ tăng nặng các mức xử phạt vi phạm để răn đe.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, là căn cứ quan trọng cho việc ban hành Nghị định 100 nói riêng, cũng như ban hành các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác nói chung.
Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có Nghị định 100 để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi Nghị định 100 được thực hiện theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, Nghị định 123/CP sửa đổi các nội dung liên quan đến việc thay đổi quy định về mức xử phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đường bộ từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng đối với cá nhân: Sửa đổi quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm cho phù hợp như hành vi chở quá số người quy định, trước đây dù chở quá nhiều người thì mức phạt tối đa chỉ đến 40 triệu, nay phạt tối đa lên 75 triệu; sửa đổi thẩm quyền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt gồm mức xử phạt tiền và thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm, theo quy định mới này sẽ giảm việc phải chuyển các vụ việc vi phạm từ cấp dưới lên cấp trên để ra quyết định xử phạt.
Ví dụ, trước đây Trưởng phòng Cảnh sát giao thông có quyền phạt tiền đến 8.000.000 đồng, hiện nay được phạt tiền đến 15 triệu đồng, Giám đốc Công an cấp tỉnh trước đây có quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng, hiện nay được phạt tiền đến 37,5 triệu đồng.
Nghị định bổ sung, mô tả lại hành vi liên quan đến thu phí không dừng: Mô tả lại hành vi tại điểm c khoản 4 Điều 5 như sau: “c) Điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối, mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí;” (2 - 3 triệu); bổ sung hành vi: “Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi lưu thông qua các trạm thu phí” (khoản 4a Điều 15).
Nghi định cũng sửa đổi, điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông: Điều chỉnh mức xử phạt đối với các hành vi như dùng tay sử dụng điện thoại di động, đi vào đường cấm, các quy định về dừng xe, đỗ xe, lùi xe tại khoản 4 Điều 5 (từ 1 - 2 triệu đồng lên 2 - 3 triệu đồng); điều chỉnh mức xử phạt đối với các hành vi không chấp hành hiệu lệnh, đi ngược chiều, đi không đúng làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ từ 10 - 20 km/giờ (từ 3 - 5 thành 4 - 6 triệu đồng).
Bên cạnh đó, điều chỉnh mức phạt mức xử phạt của người lái xe ô tô tại Điều 5: Hành vi “b) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ” từ 3 - 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 - 4 tháng, thành 6 - 8 triệu đồng, tước tước GPLX 2 - 4 tháng.
Ngoài ra, điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến đường cao tốc:
- Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc (từ 3 - 5 triệu đồng, thành 6 - 8 triệu - điểm g khoản 5 Điều 5).
- Hành vi “d) Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc” điều chỉnh từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX 2 - 4 tháng thành 10 - 12 triệu đồng, tước GPLX 2-4 tháng (điểm d khoản 7 Điều 5).
- Hành vi đón, trả hành khách trên đường cao tốc: Điều chỉnh từ 5 - 7 triệu đồng thành 10 - 12 triệu đồng (khoản 7a Điều 23).
- Hành vi nhận, trả hàng trên đường cao tốc: Điều chỉnh từ 5 - 7 triệu đồng thành 10 - 12 triệu đồng (khoản 8a Điều 24)...
Đặc biệt, Nghị định 123/CP sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi trong hoạt động vận tải đường bộ: Điều chỉnh mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng thành 20 - 40 triệu đồng đối với một số hành vi vi phạm của đơn vị sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải như không báo cáo về việc cập nhật, thay đổi Firmware của thiết bị theo quy định, không thực hiện đúng quy định về cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải...
Điều chỉnh mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng thành 40 - 60 triệu đồng đối với đơn vị sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu camera lắp trên xe ô tô, thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô; đơn vị cung cấp dịch vụ giám sát hành trình của xe ô tô; đơn vị cung cấp dịch vụ phần cứng, phần mềm xử lý dữ liệu, truyền dẫn dữ liệu của camera làm sai lệch các thông tin, dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô.
Sửa đổi, điều chỉnh mức xử phạt một số hành vi vi phạm của chủ phương tiện
- Điều chỉnh mức xử phạt từ 300-400/600-800 thành 2-4 triệu đồng/4-8 triệu đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo đối với hành vi: Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe (khoản 7 Điều 30).
- Điều chỉnh mức xử phạt từ 800-2 triệu đồng/1,6-4 triệu đồng thành 14-16 triệu đồng/28-32 triệu đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo đối với hành vi: Đưa phương tiện không có Giấy đăng ký xe tham gia giao thông hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng; đưa phương tiện có Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời, phương tiện có phạm vi hoạt động hạn chế tham gia giao thông quá thời hạn, tuyến đường, phạm vi cho phép.
Sửa đổi, điều chỉnh mức xử phạt một số hành vi vi phạm khác
- Điều chỉnh mức xử phạt từ 7-8 triệu đồng thành 10-15 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.
- Điều chỉnh mức xử phạt từ 8-10 triệu đồng thành 20-25 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.
- Các hành vi khác liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()