Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:55 (GMT +7)
Tự hào về những bài viết đăng trên Báo Quảng Ninh…
Thứ 2, 01/01/2024 | 11:59:06 [GMT +7] A A
Công tác tại UBND thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều ngày ấy (nay là phường Mạo Khê, TX Đông Triều), cuối năm 1992, tôi được mời dự Hội nghị Tổng kết công tác thông tin, tuyên truyền của Báo Quảng Ninh. Ông Chủ tịch UBND thị trấn phấn khởi lắm, đã giao cho tôi mang chiếc phích Rạng Đông xuống tặng báo và đưa thêm 2 bao thuốc lá dặn mang xuống mời các nhà báo…
Nhớ về một bài báo…
Những năm đầu thập kỷ 90, thị trấn Mạo Khê với dân số 34.000 người, là trọng điểm về an ninh trật tự của tỉnh. Với 23 khu phố, biên chế của Công an thị trấn ít mà phải quản lý 127 đối tượng hình sự. Có những Công an đường phố (tên gọi của Cảnh sát khu vực thời kỳ đó) phải phụ trách 2 đến 3 khu phố, công tác “nắm người, nắm hộ” gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, Đảng bộ thị trấn có gần 700 đảng viên mà 2/3 đảng viên đã nghỉ hưu. Vì vậy, Công an đường phố tham mưu cho Ban chi ủy chi bộ khu phố về công tác đảm bảo an ninh trật tự, chống trộm cắp tài sản của dân. Ban bảo vệ dân phố cùng trưởng khu điều hành hoạt động của các tổ tuần tra nghĩa vụ, tổ an ninh nhân dân và tổ hòa giải. Từ cán bộ khu phố, bảo vệ dân phố đến tổ trưởng tổ an ninh nhân dân làm nhiệm vụ của khu phố đều là đảng viên đã nghỉ hưu, tham gia chỉ vì tinh thần trách nhiệm trước Đảng và uy tín với nhân dân… Đây là lực lượng nòng cốt khơi dậy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng, hỗ trợ tích cực cho Công an thị trấn quản lý địa bàn, trấn áp và truy quét tội phạm, phát hiện những người có vi phạm ở nơi khác đến hoặc người trong khu vi phạm ở nơi khác lẩn trốn về. Các tổ tuần tra nghĩa vụ ban đêm thực sự là chỗ dựa, là niềm tin của nhân dân.
Trao đổi với Trưởng Công an thị trấn khi ấy là đại úy Vũ Đình Hòa, anh nói cần phải tuyên truyền trên báo. Vì vậy, tôi viết bài “Những người mang lại sự bình yên” nói về hoạt động của lực lượng Bảo vệ dân phố ở thị trấn Mạo Khê năm 1991 và gửi dự thi “Đảng trong sự nghiệp đổi mới”. Số báo Quảng Ninh ra ngày 5/5/1992, đúng vào ngày Ban Thư ký MTTQ Việt Nam và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tổ chức hội nghị kiểm điểm một năm thực hiện nghị quyết liên tịch về phong trào tự quản bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Quảng Ninh. Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện của Mặt trận và công an 25 tỉnh, thành phố phía Bắc về dự. Trên trang 1, cùng với tin hôm nay diễn ra hội nghị có bài báo dự thi của tôi…
Tại hội nghị, thị trấn Mạo Khê được nhận Cờ thi đua luân lưu đơn vị dẫn đầu phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc của Bộ Nội vụ. Ngay chiều hôm đó, đoàn đại biểu tỉnh Hà Bắc (sau tách ra 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) trên đường về đã ghé luôn vào Mạo Khê thăm và học tập kinh nghiệm, trên tay đại biểu có cầm tờ Báo Quảng Ninh.
Lúc ấy, tôi chưa được đọc số báo đó. Đến cuối giờ chiều, sau khi đoàn khách ra về thì ông Chủ tịch thị trấn mới đưa cho chúng tôi tờ báo được tặng mang về và nói: Có nhà báo viết về thị trấn đấy. Mọi người xúm vào đọc báo, khen ông nhà báo này hiểu và viết rất sâu, cứ như người ở Mạo Khê mà chẳng ai biết tác giả bài báo là tôi. Sau đó, tôi mới được biết, số báo ngày hôm đó in tăng 250 tờ để tặng đại biểu dự hội nghị.
Điều còn đọng lại
Những năm sau đó, thiếu tá Tạ Đức Khương về làm Trưởng Công an thị trấn. Đảng bộ thị trấn Mạo Khê triển khai mô hình an ninh: “Tổ Đảng phụ trách tổ dân - đảng viên phụ trách hộ dân”. Đảng viên sẽ được phân công thực hiện tự quản về ANTT ở cơ sở với nhiệm vụ ba quản: quản người - quản công việc - quản tài sản.
Khi chủ trương đó được triển khai, những đảng viên hưu trí ở các khu phố tích cực cùng chính quyền, công an tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân thực hiện tự quản tại gia đình. Những đảng viên được phân công phụ trách hộ dân đã làm nhiệm vụ nắm người, nắm hộ, phân loại hộ trong khu phố như cảnh sát khu vực. Không chỉ vậy mà còn phối hợp với bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp, công an tham gia tuần tra bảo vệ tài sản của cơ quan, xí nghiệp… Từ đó đã ngăn chặn được nạn trộm cắp tài sản của nhân dân và hạn chế được tình trạng trộm cắp tài sản XHCN. Vì vậy, họ đã được gọi bằng cái tên thân mật là những “Cảnh sát khu vực của Đảng”. Và cái tên đó chính là bài báo của tôi, sau bài báo đó, không chỉ các huyện, thị xã trong tỉnh mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã liên hệ với MTTQ tỉnh để được đưa đến học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình thực hiện “ba quản” của thị trấn Mạo Khê.
Sự cống hiến sức lực, trí tuệ của những đảng viên đã nghỉ hưu, nhưng trí không hưu được tôn vinh trên báo thời điểm đó đã tạo được niềm vui chung cho Đảng bộ, chính quyền và đảng viên ở thị trấn cũng là niềm tự hào của con em các gia đình đảng viên đang công tác xa nhà. Thời kỳ ấy, cứ mỗi lần được cùng tham gia đón tiếp đoàn của các địa phương đến học hỏi kinh nghiệm, tôi càng vui và tự hào hơn về các bài đăng trên báo đã đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền của báo Đảng, đáp ứng nhu cầu nắm thông tin của đông đảo bạn đọc xa gần của tờ báo.
Khi nghỉ hưu, tôi vẫn còn được gặp lại một số nhân vật mà tôi đã từng tìm hiểu viết về gương người tốt, việc tốt đăng báo. Nhiều người đã trân trọng lưu giữ lại kỷ niệm về những bài báo tôi viết về họ là những tờ báo 4 trang, những cuốn Quảng Ninh hàng tháng…
Nhớ về thế hệ nhà báo Quảng Ninh
Cơ duyên để tôi đến với Báo Quảng Ninh là đã từng được đọc báo, rồi tôi được gặp một nhà báo ra biên giới công tác. Sau lần trò chuyện và cùng những lời hẹn, tôi đã đến với báo và đội ngũ những người làm báo gạo cội và cả những phóng viên trẻ ngày ấy như những người bạn, người đồng chí.
Đến Báo Quảng Ninh, tìm hiểu lịch sử báo chí Quảng Ninh được biết, cuối năm 1928, báo Than - tờ báo Đảng đầu tiên xuất bản tại Vùng mỏ Cẩm Phả, tiền thân của Báo Quảng Ninh ngày nay… Lần thứ 2, báo Than được xuất bản tại Mạo Khê ngay sau ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại Mạo Khê, ngày 23/2/1930. Tôi chưa từng được nhìn thấy tờ báo Than xuất bản tại Mạo Khê, song đó lại là niềm tự hào của mỗi một công dân Mạo Khê và của riêng tôi…
Tôi còn nhớ năm 1988, đến Báo Quảng Ninh, Tòa soạn cũ trong khu nhà tôn nằm ở phía Tây Bắc của Tỉnh ủy. Tôi được biết, trong Tòa soạn thì mỗi cán bộ, phóng viên đến với nghề báo đều từ một nghề khác. Thế hệ làm báo ngày ấy chính là nghề báo đã chọn họ để đứng vào đội ngũ người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Yêu nghề là động lực để họ khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, luôn có mặt mọi nơi phản ánh trung thực và đấu tranh, xây dựng, chống các biểu hiện tiêu cực, phê phán các tệ nạn xã hội trên tờ báo. Vào Tòa soạn, xem quy trình làm báo thủ công ngày ấy vất vả, bộn bề, dụng cụ làm báo lích kích, nhất là số báo có nhiều ảnh thì càng vất vả hơn…
Cho đến nay, hơn 35 năm gắn bó với tờ báo, tôi đã được chung vui với các thế hệ cán bộ, phóng viên của báo ở rất nhiều những sự kiện lịch sử quan trọng mang tính bước ngoặt của tờ báo. Đặc biệt là sự lớn mạnh của đội ngũ những người làm báo. Tôi vẫn còn ấn tượng những lần được gặp và nghe chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề với các nhà báo Đỗ Kha, Chí Thiết, Công Chác, Lương Hùng, Quốc Huấn, sau này là Lê Ngọc Hân, Bùi Thị Thu Hương, Nguyễn Hữu Duy… Mỗi người một cá tính, một cách làm cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích. Tôi nhớ lần viết bài “Trưởng Công an phường trọng điểm”, trước khi bài báo được đăng, ông Lương Hùng đã lặng lẽ “mục sở thị” xem có đúng những đảng viên nghỉ hưu ở Mạo Khê đã phải làm việc nhiều và có ông Trưởng Công an đêm ngày tận tụy với phong trào đến thế không? Sau lần đó, ông Lương Hùng rất trân trọng, quý mến thiếu tá Tạ Đức Khương…
Giờ đã nghỉ hưu, nghĩ về quãng thời gian cộng tác với những bài báo đã được đăng, những Giải báo chí Quảng Ninh đã được trao mà tôi càng trân trọng sự tin tưởng, tình cảm và trách nhiệm của những người bạn, người đồng chí các thế hệ người làm báo Quảng Ninh đã dành cho tôi.
Xuân Quảng (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()