Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:17 (GMT +7)
Phát thanh Quảng Ninh - Ký ức tự hào
Thứ 2, 30/08/2021 | 07:14:18 [GMT +7] A A
Sáng ngày 2/9/1956, Đài Truyền thanh Hòn Gai truyền thanh buổi đầu tiên. Đã 65 năm trôi qua, nhưng ký ức đầy tự hào đó dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí biết bao người.
Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Sơn Hải, nguyên phóng viên Đài PTTH Quảng Ninh, đúng 7h ngày 2/9/1956, buổi tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu, trên hệ thống loa truyền thanh Hòn Gai vang lên tiếng nói tường thuật trực tiếp buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại Thủ đô Hà Nội. Người dân Hòn Gai đứng nghe tiếng nói của Bác Hồ truyền đi từ Quảng trường Ba Đình lịch sử, ấm áp và thiêng liêng. Buổi truyền thanh đầu tiên ấy đã đặt nền móng cho sự nghiệp phát thanh của Quảng Ninh. Cũng bắt đầu từ đây, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh có thêm một người bạn tin cậy để cung cấp, chuyển tải thông tin.
Nhà báo Phạm Đình Chương, nguyên phóng viên Đài Truyền thanh Hồng Quảng, cho biết: Để có được chương trình đầu tiên, anh em đã triển khai công tác chuẩn bị hệ thống dây dẫn và loa đài từ trước đó 5 tháng. Sáng ngày 2/9, tuy không có thông báo trước, nhưng bà con ở các khu phố vẫn biết và háo hức chờ đợi nghe Đài từ khi các thợ đường dây đi bắc loa rồi. Cả thị xã lúc đó cũng chỉ có 10 chiếc loa của Liên Xô và vài chiếc khác của Trung Quốc. Bà con phải tụ tập lại ở một số trung tâm để nghe được rõ hơn.
Bên ngoài là vậy, còn ở bên trong, ai cũng hồi hộp theo dõi từng động tác của Trưởng Đài. Rồi một giai điệu được cất lên: “Ngoài kia lời non nước đang nhắc ta mau phất cao ngọn cờ/ Ngoài kia công nhân ơi! Quốc tế đang giơ tay cố vời bầy con đoàn kết…”. Ông Chương giải thích đó là ca khúc “Công nhân Việt Nam” (sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao) được chọn làm nhạc hiệu của Đài. Ông không bao giờ quên được giai điệu của bài hát ấy.
Vì chưa tự sản xuất được nên chương trình truyền thanh đầu tiên là tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông Chương còn nhớ, sáng đó các ông đã tiếp sóng bản tin các hoạt động chào mừng 11 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tiếp đến là chương trình ca nhạc với các ca khúc cách mạng. Chương trình vừa được phát, anh chị em “Nhà đài” liền nhận được chỉ thị phân công toả đi các nơi có loa phát thanh để kiểm tra chất lượng của hệ thống. Nhờ vậy, mỗi phóng viên đã được hoà mình vào không khí sôi động những ngày đầu phát thanh. Nhân dân Vùng mỏ lúc đó ai cũng phấn khởi khi được nghe đài. 65 năm trước, Đài còn là cái gì đó lạ lẫm, hấp dẫn không chỉ với thính giả mà còn với cả phóng viên.
Đài chỉ có khoảng 10 người nhưng phải đảm nhiệm tất tần tật các công đoạn, từ thợ đường dây đến soạn chương trình, phát thanh viên v.v.. Trụ sở của Đài đặt tại Bến Đoan. Máy móc chỉ lèo tèo vài chiếc. Dây thì được chăng theo các tuyến phố lớn nhằm tận dụng hệ thống cột điện. Đài được trang bị 2 máy tăng âm công suất 600W/máy, một máy chuyên dùng, một máy ghi âm Mac8, làm chương trình vào băng “cối”, phòng bá âm và hệ thống đường dây, kéo từ trung tâm Đài ở Bến Đoan đi bến phà Bãi Cháy, Hà Lầm, Cọc 5, Hà Tu. Hệ thống loa truyền thanh lúc đầu gồm 16 loa to và 95 loa con 1/4W.
Tiếp sau Đài Truyền thanh Hòn Gai, Đài Truyền thanh Cẩm Phả cũng được nước bạn giúp đỡ xây dựng. Đây là hai trong số 11 đài truyền thanh của cả miền Bắc được Liên Xô giúp đỡ xây dựng khi ấy, trong đó Vùng mỏ là khu công nghiệp nên được ưu tiên xây dựng 2 đài. Cũng bắt đầu từ đây, công nhân mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả có thêm một người bạn đồng hành tin cậy cần mẫn báo gọi giờ vào ca, lên tầng bằng tiếng loa lúc 5 giờ sáng hàng ngày.
Nối tiếp thành công từ buổi ban đầu, Đài Truyền thanh Hòn Gai được đầu tư trang bị ngày càng hiện đại, nhân sự cũng được tuyển dụng nhiều người có chuyên môn tốt. Từ chỗ chỉ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền thanh Hòn Gai, sau là Khu Hồng Quảng đã dần dần tự đầu tư sản xuất được các chương trình phát thanh.
Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ) mà hệ thống dây dẫn, loa phóng thanh và máy móc thiết bị mới được lắp đặt lần đầu tiên ở thị xã Hòn Gai. Những buổi phát thanh đã phản ánh phong trào thi đua trong những năm đầu khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới của cán bộ, công nhân, nhân dân Vùng mỏ.
Sau khi thành lập tỉnh, Đài hợp nhất với Đài Truyền thanh Hải Ninh thành Đài Truyền thanh Quảng Ninh và đến năm 1976 thì thành Đài Phát thanh Quảng Ninh. Sau đó, năm 1980, được bổ sung chương trình truyền hình, gọi là Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, hiện nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Thời gian đã lùi xa, công nghệ cũng ngày càng đổi mới, cập nhật nhưng ký ức về tiếng loa truyền thanh đầu tiên vang trên Đất mỏ 65 năm trước vẫn luôn là những kỷ niệm không thể nào quên với nhiều thế hệ thính giả cũng như những người làm báo tỉnh nhà.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()