Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:44 (GMT +7)
Tự hào những người lính Cụ Hồ
Thứ 2, 13/12/2021 | 08:52:05 [GMT +7] A A
Với tinh thần “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, lực lượng quân đội trên địa bàn tỉnh đã không quản ngại gian khó, xung kích làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Với những người lính Bộ đội Cụ Hồ, đây vừa là trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, vừa là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, chung tay thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.
“Tiếp lửa” cho miền Nam chống dịch
Những ngày cuối tháng 8/2021, các tỉnh, thành phía Nam dịch Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh, diện rộng. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ (CBCS) khắp cả nước đã cùng xông pha vào tâm dịch, hỗ trợ các địa phương và nhân dân phòng, chống dịch; để lại niềm xúc động, tự hào trong nhân dân.
Trong số ấy có 3 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang Quảng Ninh đã gấp rút lên đường vào Nam, chi viện cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tâm thế “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Họ đã góp phần không nhỏ tăng thêm sức mạnh cho các “pháo đài” chống dịch; kéo giảm số ca nhiễm, ca tử vong, xóa nhiều "vùng đỏ", mở rộng các "vùng xanh" an toàn về dịch bệnh.
Những trải nghiệm khó quên về những ngày tháng ở tâm dịch miền Nam đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của Đại úy, bác sĩ Nguyễn Hữu Lực, Trung tâm Quân y, Bộ CHQS tỉnh. Tranh thủ lúc ít bệnh nhân, anh kể với chúng tôi: “Trong những ngày tháng 8/2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh phía Nam, các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an… đã dốc sức ngày đêm đối mặt với khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đã xuất hiện nhiều tấm gương làm việc tận tụy, xả thân quên mình cùng đồng bào cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trong số 19 cán bộ nhân viên quân y viết đơn tình nguyện đi chống dịch thời điểm đó, 3 anh em chúng tôi được Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh tin tưởng, giao nhiệm vụ tăng cường phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam...”.
Ngày 28/8, ba CBCS của Quảng Ninh cùng với đoàn công tác Quân khu 3 vào tới miền Nam để thực hiện nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ. Các anh được giao công tác tại Trạm y tế lưu động, đặt tại một trường học ở phường 11 (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Đại úy Lực là Trạm trưởng. Quận Bình Thạnh có dân số đông, thời điểm đó là địa bàn nóng về các ca mắc Covid-19; khu trọ của công nhân khá nhiều, khiến công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn. Do lực lượng của Trạm mỏng, nên các CBCS tăng cường vừa phải theo dõi, tư vấn, điều trị, cấp cứu F0, vừa tham gia lấy mẫu, khám sàng lọc, tiêm chủng cho nhân dân trên địa bàn.
“Những ngày đầu, số ca F0 liên tục tăng, từ 70-80 ca/ngày. Chúng tôi thường xuyên phải đi điều trị cho các ca F0 tại nhà, điều trị cấp cứu cho các ca trở nặng tại Trạm. Cường độ công việc rất lớn, tần suất tiếp xúc với các ca bệnh liên tục, dày đặc, khiến chúng tôi khá lo lắng. Là bác sĩ quân y chúng tôi lao vào công việc rồi quen dần. Sự lo lắng cũng không có thời gian để nghĩ đến..." - Đại úy Lực chia sẻ.
Giữa tâm dịch, có những ngày các CBCS cơm không kịp ăn, giấc ngủ vội, tranh thủ vài phút ngả lưng đâu đó. Song bất cứ lúc nào người dân cần, các anh đều có mặt ngay. Nhờ sự nỗ lực không quản vất vả của các CBCS, tình hình dịch bệnh tại các địa phương trong nước dần ổn định. Trong gần 3 tháng làm nhiệm vụ ở các tỉnh phía Nam, 3 CBCS của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đã tham gia làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 cho trên 1.500 người, khám sàng lọc phát hiện trên 1.100 người mắc Covid-19, cấp thuốc và điều trị tại nhà cho trên 1.800 ca bệnh không triệu chứng và bệnh nhẹ.
“Giải cứu” công dân về nước
Rạng sáng 9/12/2021, các CBCS thuộc Tổ "giải cứu” công dân của Bộ CHQS tỉnh tiếp tục đón chuyến bay số hiệu SND 240, đưa 40 công dân Việt Nam và nước ngoài về từ Australia. Cũng như mọi lần, trước khi máy bay hạ cánh, các lực lượng trong tổ đã bố trí nhân lực, vật tư cần thiết nhằm thực hiện nhiều công việc cùng lúc, từ kiểm tra sức khỏe, kiểm đếm số lượng, phân loại các đối tượng, đến phối hợp với các đơn vị tổ chức đưa đón, bàn giao người dân và khách nước ngoài tới các điểm cách ly trong, ngoài tỉnh, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Có mặt tại Cảng hàng không quốc tế trong đêm, Thiếu tá Tạ Thái Sơn, Trợ lý Ban Cán bộ (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh) cùng các đồng đội đã sẵn sàng cho “cuộc chiến mới”. Các lực lượng nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, đón đoàn ngay khi chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Dù đã thấm mệt vì phải mặc bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liên tục, các CBCS vẫn tận tình giải đáp mọi thắc mắc, đề nghị của công dân, để những người Việt xa xứ trở về cảm nhận được sự ấm áp của nghĩa đồng bào, tình quân dân.
Thiếu tá Tạ Thái Sơn cho biết: “Tham gia thực hiện nhiệm vụ từ cuối tháng 10/2021 đến nay, mỗi lần đón chuyến bay như thế này là một lần đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Song cả nước hiện có hàng trăm nghìn CBCS trên tuyến đầu chống dịch đang phải căng mình chiến đấu với dịch bệnh, không riêng gì mình, nên chúng tôi luôn giữ vững tinh thần, động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.
Thượng tá Cao Cảnh Sơn, Phó Chủ nhiệm hậu cần (Bộ CHQS tỉnh), Tổ trưởng Tổ “giải cứu”, tiếp lời: Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, quá trình thực hiện nhiệm vụ Tổ luôn làm đúng nguyên tắc được ngành Y tế hướng dẫn, đảm bảo không để bị lây nhiễm chéo. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cơ động về Bộ CHQS tỉnh, tiến hành khử trùng xe trước khi đưa vào vị trí tập kết; chấp hành nghiêm việc cách ly theo quy định. Lực lượng làm nhiệm vụ được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, nhằm đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Tổ "giải cứu” được thành lập ngày 9/3/2021 nhằm phục vụ công tác quản lý, tiếp nhận và bàn giao công dân từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn về cơ sở cách ly của quân đội trong phòng, chống dịch Covid-19. Tổ gồm 18 CBCS được điều động, phân công luân phiên. Đến nay, Tổ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đón 98 chuyến bay, tiếp nhận 19.257 công dân về nước; tổ chức trên 600 chuyến xe ô tô phân luồng vận chuyển công dân về các địa điểm cách ly, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Không chỉ xông pha vào tâm dịch miền Nam, sẵn sàng đón công dân về nước theo diện "giải cứu", thời gian qua, LLVT tỉnh ngày đêm làm nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Dù có làm nhiệm vụ nào, vất vả đến đâu, các CBCS vẫn không quản ngại hiểm nguy, xung kích, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 lượt CBCS LLVT tham gia làm nhiệm vụ tại các điểm, chốt kiểm dịch, khu cách ly tập trung. Các lực lượng đã phối hợp tổ chức tiếp nhận 800.000 bơm tiêm, hơn 1,1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; tiếp nhận, cách ly y tế gần 2.900 công dân Việt Nam từ nước ngoài về; tổ chức 61 chuyến xe vận chuyển 828 công dân từ Trung đoàn 244 bàn giao về nơi cư trú...
Sự vào cuộc của các CBCS LLVT không chỉ góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, mà còn tô thắm thêm tình đoàn kết quân - dân gắn bó. Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ ngày càng đẹp trong lòng nhân dân.
Hoàng Anh - Văn Đảm (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()