Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:42 (GMT +7)
Tự hào lính thợ Đông Bắc
Thứ 4, 09/11/2016 | 10:17:54 [GMT +7] A A
Tối nay, 9-11, Tổng Công ty Đông Bắc sẽ tổ chức lễ Tuyên dương thợ mỏ xuất sắc tiêu biểu năm 2016 nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12-11 (1936-2016). Buổi lễ nhằm tôn vinh, khen thưởng những người lính làm than trực tiếp sản xuất trong các mỏ có tay nghề cao, có thành tích lao động xuất sắc, có các đề tài, ý tưởng, sáng kiến sáng tạo được áp dụng trong lao động sản xuất, học tập... Báo Quảng Ninh xin giới thiệu một số tấm gương tiêu biểu trong 700 thợ mỏ được tuyên dương lần này.
Anh Nguyễn Công Đức (đứng giữa) cùng các anh em trong Tổ Sản xuất khai thác xem lại hộ chiếu chống xén mở rộng tiết diện lò dọc vỉa mức +15 vỉa 10 khu Tây Quảng La trước khi vào ca làm. |
Người tổ trưởng hết lòng vì công việc
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Công Đức (SN 1979), Tổ trưởng Tổ Sản xuất Phân xưởng Khai thác hầm lò 4 (Công ty TNHH MTV Thăng Long) khi anh chuẩn bị vào ca. 12 năm làm lò, anh có đến 8 năm làm Tổ trưởng. Với chức trách được giao, anh luôn nỗ lực hết sức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh Đức chia sẻ: Thợ lò đối mặt với rất nhiều rủi ro, nguy hiểm nên cần nêu cao tinh thần tự chủ an toàn. Vì vậy, tôi luôn nhắc anh em trong tổ phải đặt công tác đảm bảo an toàn lên hàng đầu. Trong các ca sản xuất, tôi thường xuyên cùng các anh em trong tổ đi từng vị trí trong lò để kiểm tra. Chỗ nào lò yếu thì túc trực, cùng anh em xử lý, khi nào xong mới rời sang vị trí khác. Tôi nhớ mãi khoảng thời gian tháng 11-2010, đơn vị xây dựng “lò xây dựng cơ bản” phục vụ khai thác than. Khi ấy anh em trong tổ chúng tôi thi công đến mét 200 của lò giếng phụ +43,6 thì nước từ phía trên chảy xuống như mưa, anh em chúng tôi lại bảo nhau mặc áo mưa, cố gắng khắc phục, hoàn thành đúng tiến độ.
Trong quá trình khai thác lò chợ khi áp lực mỏ gia tăng, anh Đức cùng với anh em trong Phân xưởng còn đánh gánh tăng cường xếp cũi lợn để chống lún, chống xô dạt lò. Anh Đức còn chỉ bảo các anh em trong tổ phải thực hành tiết kiệm để tiết giảm chi phí cho Công ty bằng cách thu hồi vật tư cũ như thanh chèn, văng trong khai thác để tái sử dụng.
Không những là một thợ lò hết lòng vì công việc, anh Đức còn là một người anh, một người bạn sẵn lòng vì đồng đội. Với những đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, anh Đức luôn tìm cách giúp đỡ, đề xuất với lãnh đạo đơn vị thăm hỏi, động viên. Người có hoàn cảnh khó khăn chưa có nhà ở, anh cùng các anh em trong tổ sẵn sàng giúp đỡ ngày công, hỗ trợ xây dựng nhà ở mới. Năm 2016, Tổ Sản xuất của anh đã giúp đỡ nhiều ngày công, cùng nhân dân thôn 2, xã Quảng La (Hoành Bồ) làm đường nội thôn.
Với những thành tích đạt được trong những năm qua, anh Nguyễn Công Đức đã được Chỉ huy Công ty, đồng nghiệp trong đơn vị ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2015, anh Đức được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác.
Anh Nguyễn Văn Huy (đi đầu) vừa tan ca làm tại Lò xuyên vỉa +145 (Công ty TNHH MTV 91). |
“Cây sáng kiến” của mỏ
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề mỏ Hữu Nghị - Vinacomin, Nguyễn Văn Huy (SN 1985) về làm việc tại mỏ than Khe Chuối, Công trường khai thác than hầm lò thuộc Xí nghiệp Khai thác than 91 (nay là Công ty TNHH MTV 91), Tổng Công ty Đông Bắc.
Trên cương vị nhóm trưởng, anh Huy luôn quan tâm sâu sát, động viên các thành viên trong tổ phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau theo phương châm “thợ bậc cao kèm cặp, hướng dẫn thợ mới vào nghề”, cùng tìm cách khắc phục khó khăn, giải quyết những vướng mắc trong sản xuất. Đồng thời, tích cực vận động anh em tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao do đơn vị phát động, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh sau những giờ lao động vất vả. Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, anh Huy và đồng nghiệp đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để tiết kiệm chi phí vật tư, nhân lực được áp dụng vào sản xuất, tiêu biểu như sáng kiến “Bố trí lao động hợp lý theo dây chuyền trên cơ sở biểu đồ tổ chức chu kỳ sản xuất”. Cùng với đó, mạnh dạn đề xuất với chỉ huy biện pháp thi công hợp lý qua vùng địa chất phức tạp, có hệ số kiên cố của đất đá từ 6 đến 8, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ những sáng kiến và thực hiện đảm bảo quy trình an toàn trong sản xuất, nhóm đào lò do anh phụ trách luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năng suất luôn đạt và vượt trên 120% kế hoạch đề ra; tiền lương bình quân của nhóm đào lò đạt xấp xỉ 13 triệu đồng/người/tháng.
Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, liên tục từ năm 2011 đến 2015, anh Nguyễn Văn Huy được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, riêng năm 2012 là Chiến sĩ thi đua của Bộ Công Thương.
Anh Tô Thanh Hùng sửa chữa hộp số xe Cat 77E. |
“Bàn tay vàng” ở Phân xưởng Cơ điện
Đó là anh Tô Thanh Hùng (SN 1978), Tổ trưởng Tổ Sửa chữa thuộc Phân xưởng Cơ điện, Công ty Khai thác khoáng sản. Với vai trò Tổ trưởng, anh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sát cánh cùng anh em trong tổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị với số lượng lớn và nhiều chủng loại đa dạng, anh Hùng đã luôn tích cực học hỏi, không ngại khó khăn, mạnh dạn tìm tòi, sửa chữa các thiết bị mới, hiện đại để đảm bảo phục vụ cho quá trình sản xuất của Công ty.
Anh Hùng cho biết: Cùng với sự phát triển của Công ty, những dòng xe, máy móc mới được đầu tư đồng nghĩa với việc mình phải tiếp cận và làm chủ các thiết bị đó. Vì vậy, tôi cùng với chỉ huy đơn vị và đồng nghiệp đã chủ động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và đã sửa chữa thành công một số thiết bị mới, hiện đại, như động cơ, hộp số xe Bezla 7548, 7555; cải tiến bộ tổng cụm xe KaMaz lắp sang xe Kpaz; chuyển đổi động cơ xe HD 465-7R, Cat 77E, F; sửa chữa hộp số xe 773E, F; hệ thống thuỷ lực máy xúc PC 1250...”.
Nhận xét về anh Hùng, Quản đốc Phân xưởng Cơ điện Ngô Văn Toàn, chia sẻ: Do đặc thù công việc của Phân xưởng, các cán bộ, công nhân phải không ngừng nâng cao trình độ, tay nghề, hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa, giải phóng nhanh thiết bị, máy móc phục vụ kịp thời cho sản xuất, nên những người thợ như anh Hùng thật sự là vốn quý của doanh nghiệp. 38 tuổi nhưng anh Hùng đã là thợ bậc 7/7, bậc thợ mà nhiều người phấn đấu cả đời cũng khó đạt được. Với trình độ của một công nhân bậc cao và sự tâm huyết với nghề, chỉ huy đơn vị luôn yên tâm khi giao việc cho anh Hùng, bởi anh luôn tìm mọi cách để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
TRÚC LINH - DUY KHOA - MẠNH CƯỜNG (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()