Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:13 (GMT +7)
Tự hào là thợ mỏ
Thứ 7, 12/11/2016 | 08:34:23 [GMT +7] A A
Tự hào là thợ mỏ! Đó là cảm xúc không chỉ của hàng nghìn cán bộ, CNLĐ ngành Than trong Lễ kỷ niệm 80 Ngày Truyền thống Công nhân Vùng mỏ- Tuyền thống ngành Than, mà còn là cảm xúc của hàng vạn thợ mỏ đã sống, chiến đấu, làm việc và cống hiến cho đất Mỏ anh hùng.
Ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Giám đốc Trung tâm điều hành Quảng Ninh: “Phát huy truyền thống Kỷ luật - Đồng tâm”
Ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc TKV, Giám đốc Trung tâm điều hành Quảng Ninh. |
Trải qua 80 năm chiến đấu, lao động và sản xuất, ngành Than tự hào đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế lớn của đất nước. Đặc biệt, sau gần 20 năm chuyển đổi sang mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước, TKV đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ chỗ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực than, TKV đã chuyển sang hoạt động trong 5 lĩnh vực chính (than, điện, hoá chất, khoáng sản, cơ khí), quy mô hoạt động trải rộng trên 42 tỉnh, thành, sang cả Lào và Campuchia. Năng suất lao động tăng gấp 4,6 lần, tiền lương bình quân tăng 15,6 lần so với năm 1994. Điều kiện làm việc, đời sống của CNLĐ được cải thiện một cách rõ rệt. Tập đoàn đã có một cơ chế quản lý theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng một Tập đoàn kinh tế mạnh, hiện đại... 5 năm qua, Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước 68,817 nghìn tỷ đồng; đảm bảo đủ việc làm cho gần 123 ngàn CNVC-LĐ.
Để xây dựng TKV với mục tiêu “Tiếp tục giữ vững là Tập đoàn kinh tế mạnh, trụ cột an ninh năng lượng Quốc gia”, TKV sẽ nỗ lực cao độ để khôi phục sản xuất, phát huy truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” cùng vượt qua khó khăn, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ than của nền kinh tế quốc dân; phát huy tối đa các nguồn lực, đổi mới về mặt công nghệ để tạo sự tăng trưởng mạnh về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quản lý tốt chi phí đầu vào, chi phí trong quản trị tài nguyên tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, giữ vững thương hiệu của TKV...
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía, nguyên Quản đốc phân xưởng KT4, nguyên trợ lý Giám đốc Công ty than Mạo Khê: “Tự hào là thợ mỏ”
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía |
43 năm gắn bó với mỏ tôi có 36 năm lao động trực tiếp dưới hầm lò. Thời đó, chúng tôi đào lò vất vả lắm, trang thiết bị còn thô sơ. Thế nhưng với truyền thống thống nhất, đoàn kết chúng tôi đã cùng nhau chinh phục thành công các đường lò, tìm nguồn vàng đen cho tổ quốc. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn luôn theo dõi các hoạt động, thông tin về ngành Than và nhận thấy dù còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, cán bộ và CNLĐ của ngành Than vẫn luôn được nêu cao; khó khăn nào cũng vượt qua, đời sống NLĐ ngày càng được cải thiện, ngành Than trở thành một Tập đoàn kinh tế lớn của đất nước. Tôi tự hào vì là một thợ mỏ, tự hào được cống hiến cả đời cho ngành Than, cho đất mỏ anh hùng.
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Công nhân Vùng mỏ- Truyền thống ngành Than, là lớp người đi trước, tôi xin nhắn nhủ đến thế hệ thợ mỏ trẻ rằng: Làm gì cũng phải tâm huyết, say mê, tình yêu, gắn bó với nghề, nhất là làm thợ mỏ.
Anh Nguyễn Văn Đông, công nhân phân xưởng 1, Công ty Cảng, Tổng Công ty Đông Bắc: Vùng mỏ là quê hương.
Anh Nguyễn Văn Đông, Công ty Cảng, Tổng Công ty Đông Bắc. |
80 năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân và nhân dân vùng Mỏ đã đoàn kết, anh dũng, vượt qua mọi khó khăn, lập nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nay dù là thời bình, nhưng nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Bác mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”, những người lính làm than Đông Bắc chúng tôi luôn tâm nguyện, thực hiện lời căn dặn ấy của Người. Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp luôn coi “Công ty là nhà, Vùng mỏ là quê hương” đoàn kết, nhiệt tình, hăng say lao động sản xuất, gương mẫu, sống tran hòa. Đặc biệt lính mỏ không ngại khó, ngại khổ, đảm nhận các công trình phần việc khó, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Phân xưởng 1 nơi tôi công tác nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Nhiều anh em được danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp. Cá nhân tôi vinh dự được tặng bằng khen của Bộ Công thương, của Thủ tướng Chính Phủ. Tập thể Tổng Công ty Đông Bắc được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ông Nguyễn Danh Ký, nguyên Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh: “Tự hào về những bước tiến mới của ngành"
Ông Nguyễn Danh Ký, nguyên Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh |
Có mặt và chứng kiến lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ, truyền thống ngành Than, tôi và các đồng chí khác đều cảm thấy vô cùng tự hào về những bước tiến mới và vượt bậc của ngành. Nếu so sánh sản xuất than ngày xưa với sản xuất than bây giờ phải nói là “một trời, một vực” và nhiều khi chúng tôi thấy “ghen tị”. Còn nhớ khoảng 50 năm trước, 19 tuổi tôi vào Công ty than Hà Tu làm thợ sửa chữa ô tô mỏ. Hồi đấy, đa phần thợ mỏ chúng tôi phải làm thông 3 ca nhưng chỉ có 1 quả trứng vịt luộc hoặc bát mỳ tôm “cán” (mỳ tôm được cán từ bột mỳ), cả tháng làm việc vất vả mới được 18 đồng, quần áo cả năm được phát 1 bộ. Mệt nhọc, thiếu thốn nhưng ai cũng làm việc hết trách nhiệm, tâm huyết của mình không hề nghĩ đến bản thân, còn anh em thợ mỏ thì luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Mặc dù đời sống của thợ mỏ bây giờ đã được chăm lo và cải thiện nhưng sản xuất than chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong giai đoạn này, khi vấn đề an ninh năng lượng đang trở lên cấp bách thì ngành Than vẫn là ngành kinh tế trụ cột để đảm bảo an ninh năng lượng. Thế nhưng, tôi tin rằng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, thợ mỏ cũng chúng ta vẫn luôn đoàn kết và chiến thắng. Bởi lẽ, lịch sử đã chứng minh, với đặc thù nghề nghiệp hiểm nguy cao, sản xuất than được ví như “quân đội đánh giặc”, không ở đâu, không ở một ngành kinh tế nào mà người lao động lại có tinh thần chấp hành kỳ luật cao như thợ mỏ và khẩu hiệu “Kỷ luât-Đồng tâm” đã trở thành tài sản vô giá theo bước chân thợ mỏ đến ngày hôm nay và cả mai sau.
Ông Đinh Văn Thái, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Công ty Than Nam Mẫu: "Than Nam Mẫu sẽ tiếp tục phát huy sức sáng tạo, đoàn kết của tập thể".
Ông Đinh Văn Thái, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Công ty than Nam Mẫu |
So với 80 năm Truyền thống công nhân vùng Mỏ-Truyền thống ngành Than 12/11 và các đơn vị khác trong Tập đoàn, than Nam Mẫu có tuổi đời còn khá trẻ. Mặc dù là đơn vị tách ra sau, có vùng sản xuất tài nguyên tập trung nhưng địa chất phức tạp, nhiều phay phá nên khi mới thành lập Công ty còn gặp rất nhiều khó khăn. Còn nhớ năm 1999, cả Công ty mới có khoảng 200 công nhân, phần lớn phải sống ở lán trại trong rừng, sản lượng khai thác chỉ đạt khoảng 200-300.000 tấn than/năm. Tuy nhiên, phát huy tinh thần "Kỷ luật-Đồng tâm" nên sau 17 năm, với rất nhiều cố gắng và nỗ lực, Công ty đã trưởng thành về mọi mặt, đến nay công suất mỏ đạt 2,5 triệu tấn/năm; 100% lò chợ sử dụng công nghệ giá khung thủy lực; từ sản xuất đến tiêu thụ đêì theo 1 quy trình liên tục những năm gần đây, mặc dù ngành Than gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng cách khơi gợi và phát huy sức sáng tạo, đoàn kết của tập thể và triển khai các biện pháp quyết liệt trong sản xuất kinh doanh như: sắp xếp lại vị trí việc làm, tiết giảm chi phí, đầu tư mạnh cho cơ giới hóa, chăm lo đời sống người lao động... nên 10 tháng năm 2016, Công ty vẫn có có lãi khoảng 30 tỷ đồng, đạt gần 100% kế hoạch, thu nhập người lao động đảm bảo 11-13 triệu đồng/người/tháng.
Anh Trương Thành Trung, Phó Bí thư phân xưởng cơ khí cơ điện, Công ty CP Than Hà Lầm: "Chính môi trường mỏ đã giúp cho chúng tôi trưởng thành".
Anh Trương Thành Trung, Phó Bí thư Phân xưởng cơ khí điện, Công ty CP Than Hà Lầm |
Là công nhân trẻ của Công ty, không được chứng kiến những năm tháng thăng trầm và hào hùng của ngành, thế nhưng, qua câu chuyện với các bác, các chú, các anh tại phân xưởng nơi tôi làm việc, chúng tôi ai cũng đều hiểu rõ và thấm nhuần tinh thần "Kỷ luật-Đồng tâm" của các thế hệ thợ mỏ đi trước. Tinh thần ấy đã trở thành ngọn lửa đỏ, nuôi dưỡng tinh thần hăng say lao động, phát huy sức sáng tạo của hàng triệu người lao động trong suốt 80 năm qua. Mặc dù bây giờ thế hệ chúng tôi sản xuất than không vất vả và gian khổ như ngày xưa, môi trường và điều kiện làm việc ngày càng được cải thiện, thế nhưng, khó khăn thời nào cũng có, nhất là khó khăn về tài nguyên khiến diện sản xuất ngày càng phải xuống sâu. Với quyết tâm tiếp nối ngọn lửa truyền thống, thợ mỏ Hà Lầm tự hào là những người đầu tiên ghi dấu chân ở mức -300. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, khẳng định sự lớn mạnh của thợ mỏ Hà Lầm, đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử phát triển của ngành Than. Chúng tôi tự hào vì được trưởng thành trong môi trường này, vì vậy lớp thế hệ trẻ chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi, rèn luyện để nắm vững các công nghệ mới, dám nghĩ dám làm, vượt qua mọi khó khăn, góp phần đưa than Hà Lầm chinh phục những thành công mới.
Thanh Hằng – Hoàng Nga (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()