Tất cả chuyên mục

Trước và trong ngày bầu cử 22-5, ở khắp các địa phương trong tỉnh, từ khu đô thị tới những thôn, bản xa xôi, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí tưng bừng náo nức với ngày hội non sông. Để góp phần vào thành công của ngày trọng đại ấy, không thể không nhắc đến công sức của những cán bộ tham gia vào công tác bầu cử ở cơ sở.
Gặp những tổ trưởng bầu cử...
Thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn là địa bàn khó khăn của huyện Bình Liêu, với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao. Những đặc điểm này cũng được xác định là một trong những điểm khó trong công tác tuyên truyền cuộc bầu cử tại địa phương. Thế nhưng, đối với anh Dường Cắm Hếnh, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ bầu cử số 4, thôn Khe Tiền, khó khăn ấy cũng chính là điều thôi thúc anh triển khai công tác bầu cử tích cực hơn. Trao đổi với chúng tôi, anh Hếnh cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia làm công tác trong tổ bầu cử, lúc nhận tin, vừa vui vừa lo đến mất ngủ... Biết mình còn thiếu kinh nghiệm nên tôi đã dành nhiều thời gian học hỏi từ những người đã làm công tác bầu cử trước đây; khi tham gia tập huấn công tác bầu cử, cái gì không hiểu cũng phải hỏi ngay, hỏi cho rõ. Như vậy mới “thấm” để về thôn triển khai; lúc giảng giải cho bà con mới cặn kẽ, bà con mới hiểu.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Tín, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 3 (bên phải) hướng dẫn cử tri khu phố 3, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) nhận phiếu bầu trong ngày bầu cử 22-5. |
Chỉ một vài câu chia sẻ ngắn gọn như vậy, nhưng tôi biết, sự cố gắng của Trưởng thôn Dường Cắm Hếnh những ngày qua lớn lắm. Cán bộ miền xuôi đi tuyên truyền bầu cử đôi khi cũng phải mấy lần mới gặp được người dân, gặp rồi tuyên truyền một lần chưa hẳn đã thành công huống chi ở vùng miền núi xa xôi khó khăn như Khe Tiền. Vậy nhưng trưởng thôn Dường Cắm Hếnh đã làm được, anh chia sẻ: Mình làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của bà con; họ khó gì mình cũng xắn tay áo vào làm cùng nên họ quý mình, tin mình. Khi đi tuyên truyền cũng vậy, bà con hiểu rồi thì bảo nhau làm theo mà.
Khác với trưởng thôn Dường Cắm Hếnh, kỳ bầu cử này đã là lần thứ 4 ông Nguyễn Xuân Tín, Trưởng Ban bầu cử, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 3, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) tham gia công tác trong tổ bầu cử của khu phố. Dù được coi là người có “thâm niên”, song đứng trước nhiệm vụ được giao, ông Tín vẫn rất cẩn thận, tỉ mỉ. Những người thân của ông Tín “bật mí”: Từ lúc nhận nhiệm vụ này, chưa lúc nào thấy ông ngơi nghỉ. Khi thì ông ở nhà văn hoá khu, khi lại đến nhà các hộ dân… lúc nào ông cũng tất bật. Nhìn ông làm việc, không ai nghĩ năm nay ông đã ở cái tuổi ngoài 70. Ông Tín chia sẻ với tôi: Công việc của những cán bộ làm công tác bầu cử đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiệt tình và tận tụy. Nếu không gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân thì cán bộ cũng sẽ rất khó để làm công tác tuyên truyền, vận động cử tri đi bầu cử đầy đủ và đúng quy định. Ngay khi nhận nhiệm vụ, tôi đã cùng với các đồng chí trong tổ bầu cử họp và phân công công việc cho từng thành viên. Hàng ngày tôi dành thời gian xuống các hộ gia đình trong khu trò chuyện với họ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cùng với đó là lồng ghép các nội dung về cuộc bầu cử. Công việc này đem lại cho tôi niềm vui, tự hào chứ chẳng hề thấy mệt.
Tiếp tục “mục sở thị” công việc của những thành viên trong tổ bầu cử trong ngày hội của non sông, 6h30’ ngày 22-5, chúng tôi có mặt tại khu vực bầu cử số 1, thôn Khe Tâm, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ - đây cũng là địa bàn có 100% người dân là đồng bào dân tộc Dao Thanh Y. Lúc này, 100% thành viên trong tổ bầu cử đang khẩn trương kiểm tra lần cuối mọi công tác để chuẩn bị đến đúng 7h00’ sẽ triển khai cho người dân đi bỏ phiếu.
Anh Nịnh Văn Bằng, thành viên tổ bầu cử vừa kiểm tra lại một lượt các hòm phiếu, loại phiếu vừa hồ hởi chia sẻ: Chúng tôi xác định lúc đầu giờ cử tri đi bỏ phiếu sẽ đông, vì vậy phải chuẩn bị chu đáo nhất, kiểm tra lại thật kỹ lưỡng. Chúng tôi rất vui vì được góp thêm phần nhỏ bé vào thành công của cuộc bầu cử.
![]() |
Anh Nịnh Văn Bằng, thành viên tổ bầu cử số 1, thôn Khe Tâm, xã Nam Sơn (Ba Chẽ) hướng dẫn cử tri đồng bào dân tộc Dao Thanh Y làm thủ tục bỏ phiếu. |
Trao đổi với chúng tôi về công tác chuẩn bị bầu cử tại địa phương, đồng chí Lê Minh Hải, Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử huyện Ba Chẽ khẳng định: Từ lúc được thành lập đến nay, các tổ bầu cử trong huyện làm việc tích cực, trách nhiệm, có uy tín với người dân; điều này góp phần không nhỏ giúp cho công tác bầu cử tại huyện diễn ra đúng tiến độ, đảm bảo an toàn. Đến 8h30’ ngày 22-5, trên 80% cử tri trong huyện đã thực hiện xong việc bỏ phiếu.
Tất cả vì thành công chung
Theo báo cáo của Uỷ ban Bầu cử tỉnh, chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, toàn tỉnh đã thành lập 1.471 tổ bầu cử tại 1.471 khu vực bỏ phiếu, trong đó có 43 tổ bầu cử của đơn vị lực lượng vũ trang, 4 tổ bầu cử được thành lập chung giữa địa phương và đơn vị lực lượng vũ trang theo quy định của luật, còn lại là các tổ bầu cử tại các thôn, khu… Số lượng thành viên các tổ bầu cử là 21.635 người. Mỗi tổ bầu cử được quy định có từ 11 đến 21 thành viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương. Công việc của những thành viên tổ bầu cử có thể nói là luôn tay, luôn miệng. Họ phụ trách từ công tác hậu cần như bố trí phòng bỏ phiếu, hòm phiếu, nhận tài liệu và phiếu bầu cử, phát thẻ cử tri, phiếu bầu cử, kiểm phiếu, chuyển biên bản kiểm phiếu… cho đến việc thông tin các nội dung cuộc bầu cử đến cử tri, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan… Mỗi công việc, dù nhỏ, nhưng nếu không làm bằng tâm huyết, trách nhiệm, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn tới tiến độ triển khai cuộc bầu cử.
Đến nhiều tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh trong những ngày cận kề bầu cử, chúng tôi được chứng kiến sự tất bật, vất vả của những cán bộ làm công tác bầu cử ở cơ sở. Nhiều địa điểm bỏ phiếu được đặt tại nhà văn hoá, điểm trường trong khu dân cư ở đô thị hay tại các thôn, bản vùng cao luôn sáng đèn thâu đêm. Nơi đây, hàng ngàn thành viên các tổ bầu cử giống như trưởng thôn Dường Cắm Hếnh hay tổ trưởng Nguyễn Xuân Tín vẫn miệt mài kiểm tra, rà soát những công việc cuối cùng để đảm bảo việc bầu cử của người dân diễn ra đúng thời gian, trong không khí phấn khởi và an toàn.
![]() |
Gia đình chị Chíu Sám Múi, thôn Phiêng Sáp, xã Đồng Tâm (Bình Liêu) kiểm tra lại thông tin thẻ cử tri trước khi đi bầu cử. Ảnh: Thanh Tùng |
Cũng bởi vậy, trong ngày bầu cử, tôi hiểu vì sao, dù những cán bộ trong tổ bầu cử vẫn như những “con quay” miệt mài làm việc nhưng gương mặt ai cũng lộ ra sự vui vẻ, hào hứng. Từ Ba Chẽ, tôi điện thoại cho đồng chí Trưởng thôn Dường Cắm Hếnh thì nghe anh vui mừng thông báo: “6 giờ sáng nay, bà con trong thôn đã đến điểm bầu cử để chờ đúng đến 7h00’ được bỏ phiếu rồi nhà báo ạ. Đến 8h00’, 100% cử tri trong thôn đã hoàn thành việc bỏ phiếu rồi”. Qua điện thoại, dường như tôi còn thấy tiếng cười nói râm ran của Trưởng thôn Dường Cắm Hếnh với các cử tri của thôn…
Theo đánh giá của các địa phương, nhìn chung công tác bầu cử tại tất cả các khu vực bỏ phiếu đều diễn ra an toàn, ổn định, cử tri rất phấn khởi khi cầm trên tay lá phiếu lựa chọn những người đủ đức, đủ tài xứng đáng nhất vào cơ quan dân cử; nhiều điểm đã hoàn thành 100% số cử tri tham gia bầu cử ngay trong buổi sáng ngày 22-5. Sau 19h ngày 22-5 là thời điểm kết thúc việc bỏ phiếu, các tổ bầu cử sẽ tiến hành mở hòm phiếu, kiểm phiếu, lập biên bản và tổng hợp kết quả, nộp lên Uỷ ban Bầu cử tại địa phương. Chỉ khi kết quả bầu cử được công bố, nhiệm vụ của những thành viên trong tổ bầu cử cấp cơ sở mới được coi là hoàn tất.
5 năm sau, khi bước vào một kỳ bầu cử mới, có thể nhiều thành viên trong các tổ bầu cử mà tôi gặp hôm nay vẫn sẽ tiếp tục tham gia công tác trong tổ bầu cử nhưng cũng có những người do tuổi cao, sức yếu sẽ không tham gia nữa. Tuy nhiên, họ đều bày tỏ, dù được tham gia tổ bầu cử một lần hay nhiều lần, đều chung cảm nhận vinh dự và tự hào khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào thành công của ngày hội non sông.
Hồng Nhung
Ý kiến ()