Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:40 (GMT +7)
Từ điệu nhảy ngựa “điên rồ” đến sự xuống dốc của công nghiệp tỉ USD Kpop
Thứ 7, 18/05/2024 | 11:47:49 [GMT +7] A A
Kpop được đặt nền móng từ cuối thập niên 1990. Đến năm 2012, điệu nhảy ngựa “điên rồ” của Psy khuynh đảo thế giới đã mở ra kỷ nguyên rực rỡ của ngành công nghiệp tỉ USD Kpop.
Kỷ nguyên rực rỡ
Kpop bước ra thế giới đã gây kinh ngạc bởi thứ âm nhạc lạ tai, trình diễn bắt mắt với hệ thống ngôn ngữ tiếng Hàn riêng biệt, không phải tiếng Anh như thường thấy. Trước Kpop, chỉ có âm nhạc hát bằng tiếng Anh mới “làm mưa làm gió” thế giới.
Năm 2012, điệu nhảy ngựa “điên rồ” Gangnam Style của rapper người Hàn - Psy (Park Jae Sung) - làm "rung chuyển" mọi bảng xếp hạng âm nhạc.
Ở khắp mọi nơi, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, người ta nói về Gangnam Style, người ta hát "Oppan Gangnam Style" (Anh có phong cách Gangnam) và nhún nhảy theo điệu nhảy ngựa trứ danh, như một cơn bão văn hóa.
MV với những phân cảnh không ăn nhập, không theo kịch bản, lời bài hát đơn giản và điệu nhảy ngựa tưởng như ngớ ngẩn lại chứa đầy sức nặng của sự trào lộng về cuộc sống màu mè, trưng trổ ở giới nhà giàu Gangnam.
MV được yêu thích đến mức ngay đến những chính khách hàng đầu, những ngôi sao danh tiếng của châu Á, châu Mỹ cũng tập điệu nhảy ngựa để thể hiện mình đang bắt kịp xu hướng.
Psy là một trong những nghệ sĩ tiên phong đưa âm nhạc Hàn Quốc bước ra thế giới. Theo Allkpop nhận định, nếu không có Psy sẽ không có BTS, Blackpink sau này.
Sau sự khuynh đảo của “Gangnam Style”, con đường bước ra thế giới đã rộng mở hơn, để những nhóm nhạc tinh hoa nhất của Kpop là BTS và Blackpink đã được đón chào ở những sự kiện giải trí lớn nhất hành tinh.
Màn trình diễn của BTS ở Grammy, sự xuất hiện của họ ở lễ trao giải điện ảnh Oscar cho thấy sự lớn mạnh của Kpop. The Hollywood Reporter viết, đến cả các giải thưởng danh giá như Grammy hay Oscar cũng phải nhờ đến BTS để câu kéo rating, hâm nóng vị thế.
Blackpink vươn xa hơn cả địa hạt âm nhạc, họ không chỉ tham dự Coachella, còn có mặt ở những sự kiện thời trang đình đám.
Thế nhưng, khi Blackpink hết hợp đồng nhóm với YG Entertainment, khi các thành viên BTS lên đường nhập ngũ, những dấu hiệu suy thoái của Kpop đã được bộc lộ.
Vụ kiện tụng của tập đoàn hàng đầu giới giải trí phanh phui góc tối Kpop
Vụ kiện tụng ầm ĩ giữa HYBE - tập đoàn hàng đầu trong ngành công nghiệp Kpop, đơn vị chủ quản BTS với CEO Min Hee Jin chưa đi đến hồi kết. Vụ kiện với những “lời qua tiếng lại” thu hút sự chú ý đặc biệt, khi cả hai đều tung ra những thông tin thể hiện góc tối ở Kpop.
Sự sao chép, đạo nhái giữa các nhóm nhạc ở Kpop từ lâu đã gây tranh cãi. Trong guồng quay công nghiệp, những công ty giải trí cho ra đời liên tục những nhóm nhạc nhìn giống nhau từ ngoại hình, thời trang, đến âm nhạc, vũ đạo.
SCMP từng có bài viết về hàng trăm nhóm nhạc Hàn Quốc như từ một khuôn đúc ra, khi họ xinh đẹp giống hệt nhau, hát giống nhau và nhảy na ná như nhau. Khi âm nhạc được công nghiệp hóa, những nét đặc thù, riêng biệt bị triệt tiêu, những cô gái thừa cân, có vẻ đẹp khác lạ bị tẩy chay, đào thải, chỉ có những nhóm nhạc nữ siêu gầy, xinh đẹp theo công thức chuẩn được cho ra mắt.
Khi cuộc chiến giữa HYBE và CEO Min Hee Jin diễn ra, họ “thẳng mặt” tố cáo nhau những ý tưởng đạo nhái, sao chép. Nhóm nhạc ILLIT bị tố sao chép vũ đạo của NewJeans, trong khi NewJeans bị cho là bước chước Lisa (Blackpink)...
Cuộc khẩu chiến giữa các bên còn làm lộ những cách gian lận trong việc truyền thông, “nâng khống” các thành tích nhạc số ở Kpop, ngay cả BTS cũng bị nghi ngờ.
Bên cạnh những cáo buộc làm lộ tẩy góc tối ở Kpop, thị trường biểu diễn Hàn Quốc đang cho thấy những dấu hiệu suy thoái khi hàng loạt nhóm nhạc mới được thành lập nhưng không thể thoát khỏi cái bóng lớn của BTS, Blackpink.
BTS, Blackpink hiện đều ngừng hoạt động nhóm, điều này khiến giới chuyên gia Hàn lo lắng cho rằng, Kpop mất đi “át chủ bài” và hoàn toàn mất phương hướng.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()