Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:38 (GMT +7)
“Từ điển sống” của những điệu hát, múa dân gian
Thứ 3, 24/01/2023 | 09:54:18 [GMT +7] A A
Dưới ánh nắng buổi sáng một ngày mùa đông hanh hao, bên hiên nhà, một cụ bà tóc trắng như cước, khuôn mặt phúc hậu đang ngồi nhìn ra cửa. Khi cụ cất lên tiếng hát, tôi tưởng tượng trước mắt mình là một ca nương xinh đẹp, tay gõ phách, miệng nhả lời ca luyến láy, nhấn nhá ru lòng người…
Câu chuyện của chúng tôi với Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự bắt đầu như thế. Càng trò chuyện, tôi càng thấu hiểu vì sao người dân nơi đây thường ví cụ là cuốn “từ điển sống” của những điệu hát nhà tơ - hát múa cửa đình.
Hát nhà tơ - hát múa cửa đình tồn tại trong dân gian từ thế kỷ thứ XIII trên một không gian rộng và lưu truyền từ đời này qua đời khác ở vùng ven biển Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh.
Việc hát nhà tơ - hát, múa cửa đình thường gắn với các đình làng như: Ở Móng Cái gắn với đình Trà Cổ, đình làng Bầu, đình Vạn Ninh; ở Đầm Hà gắn với đình Đầm Hà, đình Tràng Y; ở Vân Đồn có đình Quan Lạn; ở Hải Hà có đình My Sơn... Sinh ra và lớn lên ở xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, nơi có đình Đầm Hà, từ khi còn là cô bé 9, 10 tuổi, cụ Tự đã được tiếp xúc với hát nhà tơ - hát múa cửa đình. Năm 14 tuổi, cụ bắt đầu học hát từ mẹ, từ chú, thím - những người biết hát nhà tơ ở Đầm Hà xưa kia. |
Cụ Tự bảo rằng, hát nhà tơ - hát múa cửa đình không phải ai cũng học được, đầu tiên phải có năng khiếu, có đam mê. Thêm nữa, cụ học ở những người trong gia đình nên học nghề rất nhanh. “Lúc đó trong làng có khoảng 20 người theo nghiệp hát nhà tơ - hát múa cửa đình đi đàn, hát ở nhiều nơi. Mọi người hầu hết đều không biết chữ, mà thày dạy cũng không có sách. Ban ngày còn phải đi làm ruộng làm nương, buổi tối đến gặp thày học hát. Có những bài rất là dài, vậy mà thày dạy một câu, tôi thuộc một câu. Như bài Phú Lưu Bình, sau này chép ra tới 5 trang giấy, mà cả lớp chỉ có 2 người thuộc, trong đó có tôi...” - cụ Tự kể lại.
|
Cụ Đặng Thị Tự trò chuyện với các học trò và mô tả điệu múa Tế, múa Bông. |
Năm 17 tuổi, cụ đã cùng với các đào nương khác thường xuyên được mời đi hát ở các hội đình làng vào dịp đầu xuân, đi từ Phong Dụ (Tiên Yên) đến Tràng Y (Móng Cái), Quan Lạn (Vân Đồn)... Kép hát thường có 5 người, trong đó có một người đánh đàn đáy, một người đánh trống chầu và 3 đào nương thay nhau múa, hát. Chính trong khoảng thời thanh xuân đi hát ấy, cụ Tự đã học và nhớ được rất nhiều bài ca, điệu múa. Sau này, khi những nhà nghiên cứu văn hóa đến tìm gặp, sưu tầm các điệu hát nhà tơ - múa cửa đình, cụ đã nhớ và kể được 39 bài hát với gần 800 câu, thuộc 9 giai điệu cổ. Đó là: Giọng Vọng, giọng Thét nhạc, giọng Thả, giọng Huỳnh, giọng Giai, giọng Phú, giọng Ca trù, giọng Hãm và giọng Nhị thập tứ hiếu. Ngoài ra còn có 4 điệu múa cổ, là: Múa Tế, múa Dâng hương, múa Đội đèn, múa Bông (còn gọi là múa Tống thần).
Trải qua thời gian với bao thăng trầm lịch sử, năm 1963, đình Đầm Hà bị dỡ bỏ, lễ hội đình từ đó cũng không được duy trì, hát nhà tơ - hát múa cửa đình bị chìm vào quên lãng. Khi tiếng đàn, tiếng phách lắng xuống, các ca nương chỉ biết ngậm ngùi, lưu luyến những câu hát trong niềm tiếc nhớ không nguôi. Đáng tiếc nhất là nhiều người tuổi cao và qua đời dần, tưởng như loại hình diễn xướng dân gian này hoàn toàn bị lãng quên. Đến năm 2009, cùng với việc xây dựng lại đình Đầm Hà và phục dựng lại lễ hội đình Đầm Hà, các giá trị văn hóa có liên quan cũng được khôi phục, phát huy. Cụ Tự được mời đến các lớp dạy hát nhà tơ - hát múa cửa đình để truyền dạy cho hàng trăm học viên trong, ngoài huyện. Cũng năm 2009, cụ Tự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.
Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân các làng xã ven biển, hải đảo Quảng Ninh. Đây được coi là một biến thể, một trong số 46 làn điệu của ca trù Việt Nam. Tuy nhiên, khác với ca trù, Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình ngoài lời hát, còn rất coi trọng múa. Gần như khi trình diễn, tất cả các làn điệu hát đều có múa đi kèm...
|
Kể từ khi đình Đầm Hà được xây dựng lại, lễ hội đình được phục dựng năm 2009, sau đó là năm 2015 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định công nhận Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình của Quảng Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, cũng là từng đó năm cụ Tự tích cực tham gia vào lưu giữ và truyền dạy các điệu hát, múa này. Với những đóng góp tích cực, to lớn ấy, năm 2015, cụ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; năm 2019, cụ Tự là người Quảng Ninh đầu tiên được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Xuân Quý Mão 2023, cụ Tự bước sang tuổi 103 - tuổi xưa nay hiếm. Vậy mà khi nhắc tới hát nhà tơ - hát múa cửa đình, cụ vẫn say sưa nhớ và kể lại những câu chuyện từ khi còn nhỏ học hát, thời thanh xuân đi hát và mười mấy năm gần đây dạy hát. Khi cụ cất giọng ca, tuy tiếng hát đã không còn tuyệt đối tròn vành rõ chữ, nhưng chất giọng, âm điệu, lúc trầm bổng, lúc luyến láy vẫn làm người nghe trầm trồ, thán phục. Đặc biệt, khi cụ mô tả điệu múa Tế, múa Bông, hai cổ tay xoay tròn, bàn tay cụ với những ngón tay rất dài, mềm mại, dẻo dai đưa ra trước mặt, đôi mắt cụ ánh lên một niềm đam mê được ca, được múa...
Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự Sinh năm 1921; trú tại thôn Trại Giữa, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà. Nghệ nhân Đặng Thị Tự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2019. Di sản văn hóa phi vật thể nắm giữ: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Ca trù. |
Hoàng Quý
Liên kết website
Ý kiến ()