Tất cả chuyên mục

Nếu có một bài ca xuyên suốt tiến trình lịch sử từ cuộc Tổng bãi công của thợ mỏ năm 1936 - "đêm trước" Cách mạng Tháng Tám, đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, thì đó là bài ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chặng đường ấy, nhân dân Vùng mỏ đã kinh qua những sự kiện trọng đại nhất của thế kỷ XX với bản lĩnh và khí phách anh hùng. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, làm nên những thắng lợi to lớn trong chiến đấu và là hành trang quý báu cho công cuộc dựng xây Vùng mỏ hôm nay.
![]() |
Những thứ vũ khí được cai ký sử dụng đàn áp công nhân biểu tình và thợ mỏ dùng để đấu tranh năm 1936, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh. |
"CÁNH ÁO NÂU" VÙNG LÊN…
Ở Quảng Ninh bây giờ, tìm một chứng nhân tham gia tất cả những sự kiện lịch sử vĩ đại của thế kỷ XX thì quả là quá khó khăn. Các cụ đều đã là “người muôn năm cũ” hoặc giả nếu còn sống thì cũng đã ngoài trăm tuổi và cũng khó mà nhớ về cái ngày đình công của 84 năm về trước.
Trong danh sách 47 người tham gia Tổng bãi công năm 1936 mà ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Than Quảng Ninh, thống kê được, thì chỉ còn duy nhất một người còn sống là cụ Phạm Văn Doãn, 101 tuổi, ở số 22, phố Long Tiên, phường Bạch Đằng (TP Hạ Long). Cụ Doãn đã rất nặng tai, chúng tôi phải nói to cụ mới nghe được. Câu chuyện kể đứt đoạn theo dòng của cụ Doãn như những lát cắt sinh động của lịch sử, đưa tôi về không khí những năm 30 của thế kỷ trước. Năm đó, chàng trai Phạm Văn Doãn mới có 16 tuổi, cái tuổi bẻ gẫy sừng trâu. Cha cụ quê ở Nam Định bị bắt mộ phu ra làm mỏ, rồi lấy vợ sinh ra cụ ở đất mỏ. Tuổi thơ của cụ lăn lộn với hòn than, chứng kiến sự o ép của chủ mỏ với cha mẹ và bà con Vùng mỏ. Năm 1936, cụ Doãn đã phải đi làm ở Nhà máy cơ khí Hòn Gai.
Những người công nhân mỏ như cụ Doãn thời đó được gọi là “cánh áo nâu” vì mặc áo đen, lẫn với bụi than, chứ chưa có áo xanh như công nhân bây giờ. Làm việc cho các mỏ than của Pháp, họ phải chịu cảnh đời sống phu phen cơ cực. Vì quá cơ cực nên những người thợ mỏ luôn chất chứa trong lòng khát vọng đấu tranh.
![]() |
Cờ và áo của tướng Nguyễn Bình ở Đệ tứ Chiến khu Đông Triều. |
Đêm 12 rạng ngày 13/11/1936, thợ mỏ ở Cẩm Phả bắt đầu cuộc bãi công. Hưởng ứng phong trào của thợ mỏ Cẩm Phả, anh em thợ mỏ Hòn Gai lúc đó chủ yếu ở mỏ than Hà Lầm, mỏ than Hà Tu (lúc đó được gọi là Hà Sú), nhà sàng Ba Đèo, xưởng than luyện, ngay sau đó đã tập trung rất đông ở sân vận động trước cửa chùa Long Tiên (đoạn phố đó trước đây gọi là phố Thư Ký). Phu mỏ đã đồng lòng nghỉ việc đến đây tập trung để đưa yêu sách cho chủ Tây.
Ngày 23/11, công nhân Nhà máy cơ khí Hòn Gai chính thức đưa yêu sách lên bọn chủ mỏ. Hàng loạt xe chở than cũng đã được trưng dụng để đưa công nhân đến các mỏ Hà Tu, Hà Lầm và Nhà máy điện Cột 5 để đấu tranh. Cụ Doãn hăng hái tham gia tổ vận động đình công. Những phu mỏ người Việt chung một tấm lòng của người bị áp bức nên gần như tất cả đều hưởng ứng nhiệt tình. Duy chỉ có một số thợ bậc cao vẫn nghe theo chủ Tây đi làm ở xưởng cơ khí gần khu Ba Đèo. Cụ Doãn dẫn mọi người tiến vào cửa sau Nhà máy cơ khí. Vận động mãi mà tốp thợ gốc Hoa vẫn không nghe theo, nhóm của cụ Doãn buộc phải cử người vào Nhà máy điện Cột 5 yêu cầu cắt điện. Không còn điện để làm việc, khi ấy cánh thợ mới tham gia đình công.
Lúc bấy giờ, chủ mỏ, cai ký sợ công nhân bạo động đập phá máy móc, giết người nên bỏ chạy hết và vội vàng gọi điện cho trại lính Pháp ở Bãi Cháy cầu cứu. Tuy nhiên, theo lời kể của cụ Doãn, không có xung đột đổ máu, bởi vì mục đích đình công của thợ mỏ lúc đó là đòi tăng lương, giảm giờ làm, trang bị dụng cụ bảo hộ lao động, lập nhà thương để chữa bệnh, sửa lại lán trại dột nát và không được đánh đập đuổi việc công nhân một cách vô lý, chứ không phá nhà máy, mỏ than, giết chủ mỏ. Đúng như lời cụ Doãn, máy móc, công xưởng, khai trường là miếng cơm manh áo của người phu mỏ. Đó còn là tình yêu, là sự gắn bó của họ, vậy thì chẳng có lý do gì để họ trút giận lên máy móc, đập phá và hủy hoại.
Hưởng ứng làn sóng của phong trào đình công ở Hòn Gai mà cụ Doãn tham gia, ngày 24/11, công nhân các mỏ ở Đồng Đăng, Yên Lập dưới sự lãnh đạo của Hội Ái hữu cũng đồng loạt bãi công, nghỉ việc, làm cho hoạt động sản xuất than tê liệt ở một vùng rộng lớn, buộc chủ mỏ phải nhượng bộ những yêu sách của công nhân. Cuộc bãi công năm 1936 của hàng vạn công nhân ở Vùng mỏ đã thắng lợi rực rỡ.
Chiếc rổ sắt được công nhân Nhà sàng Cửa Ông dùng để đình công. |
… ĐẾN KHỞI NGHĨA TỰ QUẢN
Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công có được là do chúng ta có chủ trương, đường lối và phương châm lãnh đạo đấu tranh đúng đắn của Đảng, biết dựa vào sức mạnh của đông đảo quần chúng, buộc chủ mỏ phải nhượng bộ tăng lương, giảm giờ làm, không đánh đập công nhân. Bài học từ cuộc Tổng bãi công chính là tiền đề cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương của tỉnh trong Cách mạng Tháng Tám sau này.
Đặc biệt, với ý thức giác ngộ cách mạng rất cao, 9 năm sau cuộc Tổng đình công, tháng 8/1945, những người thợ mỏ lại cùng nhân dân xuống đường đấu tranh giành chính quyền về tay mình. Cụ Nguyễn Thị Hải (bí danh là Nguyễn Dung), từng là cán bộ phụ trách Văn phòng Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Quảng Yên, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh, nhớ lại: Đầu năm 1945, tình hình ở Quảng Yên và Hồng Gai phức tạp khi mà quân Tưởng dưới danh nghĩa là quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật, đã đem theo một số đảng phái phản động do Vũ Kim Thành cầm đầu. Vũ Kim Thành núp bóng quân Tưởng để phá hoại chính quyền cách mạng của ta. Quân Tưởng và bè lũ tay sai đã nổ súng uy hiếp cán bộ Việt Minh và đồng bào ta. Nhiều đồng chí đã dũng cảm chiến đấu chống trả và đã hy sinh, nhiều đồng bào Hồng Gai đã tử nạn.
![]() |
Cụ Phạm Văn Doãn kể chuyện lịch sử cho tác giả bài viết. |
Ngày 20/7/1945, nhân dân Quảng Yên cùng lực lượng vũ trang Chiến khu Trần Hưng Đạo đã tiến công giành chính quyền ở Quảng Yên. Đây là tỉnh lỵ đầu tiên của miền Bắc giành được chính quyền. Thắng lợi ở Quảng Yên là một trong những phát súng khởi đầu cao trào tiền khởi nghĩa năm 1945 trong cả nước. Đêm 25/8, một đơn vị vũ trang của Chiến khu Trần Hưng Đạo đã cấp tốc hành quân về Hòn Gai hỗ trợ việc giành chính quyền. Chiều 26/8, ta tổ chức cuộc biểu dương lực lượng, mít tinh với hàng nghìn quần chúng yêu nước. Ngày 27/8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời ở Cẩm Phả, Cửa Ông và hầu hết các đảo ở Cẩm Phả đã được thành lập (trừ 2 đảo Vạn Hoa và Cô Tô).
Ở các huyện miền Đông, một số nơi tiến hành khởi nghĩa tự quản. Ở các huyện Bình Liêu, Đình Lập, Tiên Yên, đồng bào các dân tộc tự đứng lên tổ chức lực lượng giành chính quyền. Tháng 6/1945, xã Vạn Ninh đã lập được chính quyền cách mạng, đưa hàng trăm người dân yêu nước của Vạn Ninh và hàng nghìn người dân các xã khác đã kéo xuống TX Móng Cái tuần hành thị uy.
Chính quyền cách mạng được thành lập ở Tiên Yên và huyện Hải Chi vào tháng 10/1945, ở Bình Liêu cuối tháng 11/1945, ở Đầm Hà tháng 2/1946, ở Hà Cối tháng 4/1946. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Đông Triều thành lập Đệ tứ Chiến khu, tỉnh lỵ Quảng Yên được giải phóng, cuộc khởi nghĩa tự quản của công nhân mỏ và nhân dân Cẩm Phả cũng như các cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân tỉnh Hải Ninh đã nói lên ý chí quật cường của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
![]() |
Quang cảnh và những hoạt động diễn ra trong cuộc mít tinh mừng Vùng mỏ được giải phóng tổ chức tại Hòn Gai. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh) |
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân Quảng Ninh đã tổ chức nhiều trận đánh lớn ở Hà Lầm, Sơn Dương, Làng Bang, tập kích vào TX Quảng Yên, phục kích địch ở Đồng Đăng, chống càn ở Bằng Cả, đốt kho xăng Tiên Yên, tập kích vào TX Móng Cái. Từ kinh nghiệm của Đệ tứ Chiến khu Đông Triều, chúng ta đã lập ra căn cứ kháng chiến ở Đình Lập, khu du kích Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Đồng Văn ở Hải Ninh. Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đã tiêu diệt hơn 2.000 tên địch, phá tan nhiều đồn bốt của Pháp trên đường 18, tạo điều kiện để chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, quân dân các tỉnh Quảng Yên, Hồng Gai và Hải Ninh đã đánh 3.452 trận, tiêu diệt hơn 22.000 tên địch, bắt sống 3.000 tên, thu giữ hơn 8.000 khẩu súng các loại, tích cực “chia lửa” với Điện Biên Phủ, đã góp phần lập lại hoà bình ở Đông Dương năm 1954, tiếp quản Vùng mỏ và khôi phục sản xuất vào năm 1955.
Những người thợ mỏ, yêu khai trường máy móc như máu thịt cuộc đời họ nên chắc chắn họ chẳng bao giờ để cho thực dân Pháp chuyển máy móc vào Nam. Kết quả là chỉ sau mấy ngày tiếp quản, thợ mỏ lại vào ca, công xưởng nhà máy lại reo vang nhộn nhịp. Thực dân Pháp quá bất ngờ vì họ dự đoán phải mất độ 20 năm chúng ta mới khôi phục được sản xuất. Thực tế thì thời nào cũng vậy, người Vùng mỏ luôn yêu hòa bình, ghét chiến tranh, ham mê lao động sản xuất, thi đua sáng tạo.
Lại nói về cụ Phạm Văn Doãn, sau năm 1936 đến năm 1945, cụ Doãn tiếp tục làm công nhân nhà máy cơ khí. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, cụ tham gia Việt Minh chống Pháp. Năm 1947, cụ Doãn vinh dự được kết nạp Đảng. Cụ còn được cử đi học ở Trường Sĩ quan Lục quân. Cụ Doãn chiến đấu ở nhiều chiến trường, đi nhiều nơi từ Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cụ Doãn trong đoàn quân về tiếp quản Hải Phòng năm 1955. Vài năm sau, cụ ra quân về lại Nhà máy điện Cột 5 làm công nhân cho đến ngày về hưu. Con cháu cụ Doãn trưởng thành đều ở lại xây dựng Vùng mỏ, sum vầy quanh cụ, chăm sóc cụ những tháng ngày tuổi già xế bóng. Cụ Doãn không chỉ là chứng nhân của lịch sử mà còn như cây đại thụ sum suê tán tỏa bóng mát cho những cây non.
![]() |
Ủy ban quân quản vào tiếp quản thị xã Hòn Gai ngày 25/4/1955. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh) |
BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI
“Lớp cha đi trước, lớp con sau” khi những người như cụ Doãn hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, thì thế hệ con cháu cụ lại kế tục viết tiếp những bản hùng ca của thế kỷ XX anh hùng. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, ông Trần Quốc Mạnh, cựu chiến binh Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, hiện là Phó Chủ tịch Hội CCB TP Hạ Long, dường như vẫn còn nguyên cái cảm xúc khi có mặt ở Sài Gòn vào thời điểm lịch sử của 45 năm về trước.
"Sáng 30/4/1975, đơn vị chúng tôi phối hợp với Lữ đoàn tăng 203 và Lữ đoàn biệt động Sài Gòn đánh bật lực lượng của địch trên cầu Rạch Chiếc, rồi tiến vào cầu trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, chiến đấu với xe tăng và tàu hải quân địch tại Tân Cảng. Sau khi vượt qua được sự kháng cự này, chúng tôi vào nội đô qua cầu Sài Gòn. Tại đây, Trung đoàn của tôi được một nữ chiến sĩ biệt động dẫn đường tiến qua cầu Thị Nghè.
Chiếc xe Jeep của Tham mưu trưởng Trung đoàn kéo còi quân cảnh để chào nhân dân, dẫn đầu đội hình hùng dũng tiến về Dinh Độc Lập. Ngồi trên xe vẫy chào nhân dân, lòng tôi ngập tràn nỗi niềm cảm xúc vui mừng, lâng lâng khó tả. Tôi chợt nghĩ, địch đã tuyên truyền cho nhân dân miền Nam rằng, quân giải phóng chúng tôi nhỏ bé, gầy guộc đến nỗi 7 người đu cọng đu đủ không gẫy...".
![]() |
Cụ Nguyễn Ngọc Đàm lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh, động viên Binh đoàn Than lên đường chiến đấu. Ảnh: Quang Sơn (CTV) |
Ông Mạnh đã chuẩn bị sẵn những lời thoại để rồi đây sẽ tiếp xúc với nhân dân miền Nam, nói với bà con rằng quân giải phóng chúng tôi không phải huyền thoại, mà là con người bằng xương bằng thịt, khỏe mạnh với sức vóc tuổi đôi mươi sung mãn.
Khoảng 15 phút sau, đơn vị ông Mạnh có mặt tại Dinh Độc Lập. Ông Mạnh được triển khai lực lượng bên trái cổng cạnh ngã ba. Chiếc xe Jeep của đồng chí Trần Ngọc Vân chạy vào cổng băng qua sân tiến vào dinh. Một chiến sĩ chạy lên tầng 2 phất cờ. Một chiến sĩ chạy lên cột cờ trên nóc Dinh kéo cờ ba sọc xuống để treo cờ quân giải phóng lên. Chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Có lẽ, đến tận lúc này, những người ở bên kia chiến tuyến mới ngỡ ngàng rằng quân giải phóng bị cho là ốm yếu lại thần tốc có mặt ở đây, giành chiến thắng nhanh gọn như vậy.
Ông Trần Quốc Mạnh chỉ là một trong số hàng nghìn thanh niên ưu tú của Vùng mỏ đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vùng mỏ Quảng Ninh đã có hơn 26.000 thanh niên ra trận, hơn 1 vạn người vào Nam, hàng trăm nghìn dân quân tự vệ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hàng vạn người con Quảng Ninh đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường. Nhiều người đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, như: Đỗ Thị Minh Hà, Hà Quang Vóc, Đào Phúc Lộc, Nguyễn Xuân Việt, Nguyễn Công Bao, Lý A Cỏng, Đỗ Viết Cường, Trần Xuân Hỗ, v.v..
![]() |
Binh đoàn Than xuất quân. Ảnh: Quang Sơn (CTV) |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang Quảng Ninh cùng với nhân dân và các đơn vị chủ lực đã sát cánh chiến đấu 5.450 trận, bắn rơi 200 máy bay; bảo vệ bầu trời Đông Bắc, đập tan âm mưu phá hoại vùng than của giặc Mỹ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng chưa có tỉnh nào như Quảng Ninh huy động được một lực lượng bộ đội chính quy gồm hơn 2.000 người, chủ yếu là thợ mỏ lấy tên là Binh đoàn Than, lên đường vào Nam chi viện cho chiến trường. Thanh thế của Binh đoàn Than mạnh đến nỗi Đài BBC lúc đó rêu rao tuyên truyền rằng, có một lực lượng đặc nhiệm thợ mỏ đang hành quân vào Nam. Còn máy bay Mỹ thì trút bom tìm diệt đội hình Binh đoàn Than suốt dọc dãy Trường Sơn. Kẻ thù thêu dệt cho ta những câu chuyện huyền thoại không có thật thì những người lính từ Vùng mỏ anh hùng đã bước ra từ huyền thoại, lập nên những chiến công.
Quảng Ninh cũng là tỉnh rất đặc biệt khi đã xây dựng được 2 đoàn văn công xung kích phục vụ chiến trường miền Nam. Những người chiến sĩ văn công này đã mang lời ca, tiếng hát của mình động viên bộ đội giải phóng quân vững tay súng chiến đấu, góp phần thu non sông về một mối. Trở về từ chiến trường, nhiều chiến sĩ văn công năm ấy đã trở thành nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân là những danh ca của đất mỏ, như Quang Thọ, Lê Dung... Họ đã hát những bài ca về quê hương đất nước, thôi thúc ý chí quyết chiến, quyết thắng. Những bài ca của họ hòa thanh vào bài đồng ca khải hoàn của mùa xuân năm 1975 lịch sử.
Cụ Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, kể lại những kỷ niệm thời hoạt động cách mạng. |
Bây giờ, những thế hệ hôm nay lại tiếp tục hát những bài ca đổi mới. Sau 45 năm thống nhất, 34 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã phát huy bài học đại đoàn kết, với sức sáng tạo mạnh mẽ, bền bỉ và quyết liệt tạo ra một sự chuyển động liên tục cho tỉnh. Đó là sức mạnh, niềm tin để xây dựng Quảng Ninh thành một trong những mũi nhọn kinh tế của cả nước, dẫn dắt sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây không phải là huyền thoại, mà là hiện thực hóa những giấc mơ, và người Quảng Ninh thì luôn có những giấc mơ lớn lao.
Quảng Ninh được Trung ương đánh giá cao kết quả đổi mới, đột phá và được phép vận hành những cơ chế đột phá. Nhìn chung, mọi chủ trương chính sách đều nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Quảng Ninh đang chuyển động mạnh mẽ với hạ tầng du lịch, hệ thống giao thông, các dự án tầm cỡ được đầu tư, v.v.. Soi rọi hiện tại vào quá khứ, cụ Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, Quảng Ninh đang phát triển sôi động, mạnh mẽ với khí thế “tổng tiến công” từ bài học huy động sức mạnh tổng hợp của những năm tháng đã qua.
Huỳnh Đăng
Ý kiến ()