Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:46 (GMT +7)
Từ câu chuyện các hang động trên Vịnh Hạ Long…
Chủ nhật, 18/09/2022 | 06:31:06 [GMT +7] A A
Vẻ đẹp kỳ ảo, đầy sức mê hoặc của các hang động cho thấy sự ưu đãi mà tạo hoá đã ban tặng cho một vùng non xanh, nước biếc Vịnh Hạ Long. Từ những con tàu lênh đênh trên vịnh bước vào hang đưa du khách như lạc vào một thế giới khác với hàng ngàn măng, nhũ đá muôn hình, muôn vẻ nguyên sơ tuyệt tác…
Trong số 5 tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long đang khai thác hiện nay có hơn chục hang động đã được đưa vào phục vụ du khách, gồm: Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Ba Hang, hang Sửng Sốt, hang Bồ Nâu, hang Luồn, hang Hồ Động Tiên, hang Trống, hang Trinh Nữ, động Mê Cung, hang Tiên Ông, hang Cỏ, hang Thầy, hang Cạp La. Những hang động đẹp nổi tiếng và được du khách ghé thăm nhiều hơn cả có thể kể tới động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt và hang Ba Hang, hang Luồn gắn với những điểm chèo thuyền nan, kayak trên vịnh.
Mô tả về vẻ đẹp của chúng, Thiên Cung được ví như một cung điện nguy nga, tráng lệ; hang Đầu Gỗ có vẻ đẹp cổ kính, trầm tư có lòng hang rộng tựa một nhà hát giữa biển khơi; hang Sửng Sốt ấn tượng với vô số những khối thạch nhũ lung linh, huyền ảo, cảnh sắc biến đổi ở nhiều góc nhìn khác nhau; còn Ba Hang hay hang Luồn có những hồ nước mặn trong xanh, tĩnh lặng, cảnh vật sơn thủy hữu tình…
Những hang động này không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có giá trị khoa học cao. Đây cũng là hệ thống hang động nằm trên tuyến tham quan số 1, 2 vốn thu hút lượng khách lớn nhất trong số các tuyến điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long. Chính vì vậy, qua nghiên cứu về sức tải của các chuyên gia quốc tế gần đây đã cho thấy, thường xuyên có tình trạng quá tải ở một số hang động Thiên Cung, Sửng Sốt... với 2.000 khách trong 1 giờ.
Anh Đoàn Mạnh Tuấn, Tổ trưởng Tổ Thiên Cung, Trung tâm Bảo tồn 1 (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long), cho hay: Khu vực này tựa chiếc phễu lớn đón hàng trăm con tàu đến từ cả hai cảng khách lớn của Hạ Long. Vào khung giờ cao điểm tầm 9 giờ, 9 rưỡi của mùa hè, khách thường tập trung đứng kín trên toàn bộ khu vực cảng bến để chờ vào tham quan hang. Lòng hang khá rộng, tuy nhiên, cửa động Thiên Cung ở cả lối vào, ra đều rất nhỏ hẹp, chỉ vừa cho từng người đi. Khách tham quan phải xếp hàng đi từng bước ở những lối đi hẹp phía trong hang, những khoảng rộng thì khi đó cũng ken đặc du khách…
Có mặt thực tế ở thời điểm như thế này, chúng tôi cũng cảm nhận rõ không khí khá ngột ngạt khi phải di chuyển giữa dòng người đông đặc. Và xét ở góc độ bảo tồn, chỉ quan sát qua cũng thấy nhiều mỏm nhũ đá bị thâm đen, mòn nhẵn đi vì du khách vô tình/cố ý vịn, sờ tay vào là nguy cơ rõ nét trong việc xâm hại các măng, nhũ đá nơi đây...
Lãng phí những bãi tắm trên vịnh
Thực ra, nhiều chuyên gia lâu nay đều đã khuyến cáo việc khai thác quá mức tại vùng lõi Vịnh Hạ Long mà dễ thấy nhất là những hang động đẹp nhất cũng nằm ở những tuyến tham quan phổ biến nhất, thu hút đông du khách nhất. Nhưng nếu tham quan Vịnh Hạ Long trên tàu du lịch mà không vào hang thì sẽ làm gì?
Ngoài việc ngồi trên tàu cả chặng dài ngắm cảnh thì du khách có thêm lựa chọn chèo kayak, đi thuyền nan, ca nô cao tốc và tắm biển. Tắm biển là nhu cầu của đa số khách thăm vịnh, nhất là vào mùa nắng nóng, tuy nhiên, trên Vịnh Hạ Long hiện nay chỉ có duy nhất bãi tắm Ti-tốp, nằm trên tuyến tham quan số 2, được cấp phép và đang hoạt động. Du khách tham quan theo các tuyến khác muốn tắm biển tại đây thì phải mua thêm vé tuyến 2, khiến gia tăng thêm chi phí, hơn nữa còn phải mua ngay tại cảng, nếu phát sinh nhu cầu tắm biển trong quá trình tham quan trên tuyến thì khá bất cập về lộ trình.
Thực tế, số lượng bãi tắm nằm ven chân các đảo đá trên Vịnh Hạ Long rất lớn, lên tới gần 200 bãi tắm theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và chủ yếu là các bãi tắm nhỏ, nhiều bãi tắm cát sạch, mịn, phong cảnh rất nên thơ. Nhiều doanh nghiệp du lịch mong muốn được khai thác những bãi tắm mini này, vừa xuất phát từ vẻ đẹp cảnh quan cũng như nhu cầu đa dạng của du khách, kể cả là sự riêng tư của dòng khách cao cấp.
Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Trực, Giám đốc Vietravel Quảng Ninh, từng chia sẻ với chúng tôi việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới từ sự nắm bắt tâm lý của du khách có nhiều sự thay đổi sau hai năm dịch bệnh, trong đó có việc khai thác những bãi biển nhỏ ven các đảo đá trên Vịnh Hạ Long phục vụ nhu cầu tắm biển, câu cá mà du khách rất yêu thích.
Bà chia sẻ: Các bãi biển này hiện chưa được phép khai thác, vậy phải làm sao để có thể đưa khách đến đó vừa đảm bảo theo quy định vừa đảm bảo sự an toàn, đó là trăn trở mà chúng tôi đang muốn tìm hướng tháo gỡ, để sau này có thể tạo thành sản phẩm mới lạ thu hút du khách đến với Hạ Long, Quảng Ninh…
Đây không chỉ là nhu cầu của Vietravel mà cũng là của nhiều doanh nghiệp khác. Ông Nguyễn Thế Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, từng chia sẻ với báo giới rằng, đơn vị đang làm công văn kiến nghị về việc mở những sản phẩm du lịch mới, trong đó có việc khai thác các bãi tắm trên vịnh, do các doanh nghiệp, công ty lữ hành đề xuất và theo đúng chủ trương phát triển du lịch biển đảo của Quảng Ninh.
Cần gỡ những “nút thắt”
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã phát triển nhiều hơn những sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, do sức hút vốn có của di sản này và dịch bệnh ảnh hưởng hơn 2 năm qua nên dường như các sản phẩm mới phát triển thiên về bề rộng chứ chưa chú trọng nhiều tới chiều sâu.
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, nhận định: Qua đánh giá chung thì sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa đáp ứng được mong mỏi của du khách. Đơn điệu ở chỗ là khách du lịch chủ yếu chỉ ngồi thuyền ngắm cảnh, sau đó thăm hang động rồi quay trở về, du lịch tắm biển trên vịnh cũng ít, đó là cái thiếu. Chúng ta cần làm những sản phẩm làm sao đó để hấp dẫn du khách trong hành trình chuyến đi và hấp dẫn họ đến với Vịnh Hạ Long nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta không làm tốt điều đó thì du khách không quay trở lại lần thứ hai, cho nên cái thiếu ở đây là thiếu các sản phẩm trải nghiệm, thiếu các sản phẩm du lịch văn hoá cộng đồng, giải trí trên vịnh và thiếu các sản phẩm du lịch thể thao như bơi lội, leo núi…
Quả đúng như ông Thanh chia sẻ, qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, nhiều du khách đều bày tỏ rằng nếu đã đi Vịnh Hạ Long nhiều lần thì họ không có nhu cầu tiếp tục vào những hang động đã từng tham quan nữa. Theo đó, họ thích những khám phá mới, có tính trải nghiệm cao hơn, như du ngoạn trên tàu ở những điểm đến mới, ăn uống, câu cá, vui chơi, tắm biển ở một bãi biển hoang sơ nào đó…
Rõ ràng, Vịnh Hạ Long với hàng nghìn đảo đá, cảnh sắc muôn màu, hàng trăm bãi tắm trên vịnh hoàn toàn có thể đáp ứng những nhu cầu này, cho thấy tiềm năng trong việc phát triển sản phẩm mới, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long còn dồi dào. Điều quan trọng là cần sớm tìm ra giải pháp gỡ “nút thắt” này, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hiện thực hoá mục tiêu trên, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, tránh tình trạng “không quản được thì cấm” dẫn tới sự “vượt rào” của các chủ tàu, doanh nghiệp, tạo những hệ luỵ khó lường có thể xảy ra.
Quay trở lại với câu chuyện quá tải, ùn tắc cục bộ của những hang động trên Vịnh Hạ Long đã đề cập ban đầu, các chuyên gia đã tính toán và có khuyến nghị trong việc điều tiết lượng khách theo khung thời gian phù hợp để chia nhỏ, rải đều lượng khách trong ngày vào tham quan. Vậy thì việc khai thác thêm những sản phẩm trải nghiệm mới thiết nghĩ cũng sẽ cùng lúc đạt tới nhiều mục tiêu, trong đó có việc hạn chế lượng khách vào các hang động, nhất là những hang động nổi tiếng, quen thuộc với du khách, góp phần giảm thiểu nguy cơ xâm hại một trong những giá trị di sản quan trọng bậc nhất của Vịnh Hạ Long.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()