Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:47 (GMT +7)
Từ câu chuyện Bạch Đằng…
Chủ nhật, 15/08/2021 | 08:37:30 [GMT +7] A A
Ở nhiều địa phương nói chung và Quảng Ninh nói riêng đều từng xảy ra việc san gạt xây dựng đường sá, công trình làm phát lộ các di vật, di sản rồi phải dừng lại để các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà khoa học tới khai quật, nghiên cứu. Hướng giải quyết kiểu “phần ngọn” như thế rõ ràng “mất” nhiều hơn “được”…
Các nhà khoa học vào cuộc sớm
Việc đánh giá về nhiều mặt, trong đó có trữ lượng văn hoá của khu vực từ trước khi triển khai dự án, là cách làm khôn ngoan hơn cả. Câu chuyện của Bạch Đằng gần đây đã cho thấy Quảng Ninh có sự nhận thức cao, đầy đủ hơn trong việc giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển. Đó là khi Quảng Ninh tiến hành mở tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338) giai đoạn I, đi qua Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, TX Quảng Yên.
Giai đoạn 1, trước khi triển khai lập dự án, tỉnh đã tham vấn các nhà khoa học và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia để đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến di sản. Cho đến nay, nhiều phần việc đã được hiện thực hoá trước khi các nhà thầu tổ chức thi công trên thực địa, xoay quanh mục tiêu này.
Qua tìm hiểu được biết, tuyến đường có tổng chiều dài toàn tuyến là 11,42km, diện tích nằm trong ranh giới khoanh vùng bảo vệ khu di tích lịch sử Bạch Đằng khoảng 3,86ha, trong đó phần diện tích dự án đi qua khu vực bảo vệ II của khu di tích hơn 2ha, còn lại là khu vực phát huy giá trị di tích. Đây là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường - sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Cụ thể hơn, tuyến đường đi qua khu vực 3 bãi cọc Bạch Đằng và đền Trung Cốc. Trong đó, đoạn đi qua điểm di tích bãi cọc Yên Giang, khoảng cách từ tuyến đường đến di tích gốc khoảng 60m; với bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa thì con số này là hơn 200m. Đoạn đi qua khu vực đền Trung Cốc, khoảng cách từ tuyến đường đến di tích gốc là gần 200m, thuộc hạng mục cầu sông Chanh, nằm trong khu vực phục vụ du lịch, phát huy giá trị di tích. Các vị trí tuyến đường đi qua chỉ triển khai san gạt làm mặt đường và bố trí các mố, trụ cầu…
Như vậy, tuyến đường ven sông này cơ bản chỉ đi qua khu vực ngoài rìa của khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng. Tuy nhiên, Quảng Ninh đã rất thận trọng trong các bước triển khai đảm bảo theo đúng trình tự và quy định của Luật Di sản văn hoá.
Thực hiện ý kiến của Bộ VH,TT&DL, trước khi triển khai dự án, Quảng Ninh đã chỉ đạo bổ sung vào dự án phương án thăm dò khảo cổ học đối với một số vị trí có khả năng phát lộ di vật, cổ vật, đoạn tuyến đường qua khu vực các bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa để có phương án xử lý trong trường hợp phát hiện di vật, cổ vật. Đồng thời bổ sung phương án không quy hoạch các khu dân cư ở đoạn đường đi qua khu vực bảo vệ II của khu di tích…
Kết quả mở các hố thăm dò khảo cổ trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và nằm trên vị trí tuyến đường ven sông, chỉ tìm thấy rải rác một số hiện vật. Đơn cử, ở khu vực Yên Giang tìm thấy một số đồ gia dụng như mảnh nắp, mảnh nồi, vò, sành thời Trần. Khu vực Đồng Vạn Muối chủ yếu thu được các di vật gốm thô, gốm men, sành và các hiện vật thời Pháp thuộc, cùng một số hiện vật cọc gỗ nhỏ, mẩu gỗ vụn màu nâu đen. Còn khu vực Đồng Má Ngựa có 1 đĩa tráng men… Các nhà khoa học hiện chưa thể kết luận các di vật này có liên quan đến chiến trường Bạch Đằng xưa hay không.
Nhân lên một cách làm hay
Với sự vào cuộc sớm của các nhà khoa học, nghiên cứu về di sản, kết quả thăm dò khảo cổ như trên rõ ràng sẽ góp phần thuận lợi cho việc triển khai thi công tuyến đường ven sông thời gian tới đây. Không chỉ các nhà thầu thi công mà những người quan tâm tới việc bảo tồn di sản bước đầu cũng đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
Dĩ nhiên cũng phải nhìn thấy một thực tế là con đường ven sông này theo quy hoạch đi vào khu vực II của khu di tích Bạch Đằng tới hàng chục nghìn m2 nên cơ quan quản lý, địa phương cũng phải nhìn xa, tránh việc thi công có thể bị đình trệ khi vướng vào khu vực phát lộ di sản...
Và mặc dù qua khảo cổ thì không đụng vào khu vực có những di sản dưới lòng đất, tuy nhiên giữa mênh mông đầm bãi như thế, các hố khai quật mở ra tổng cộng cũng chỉ có hơn 240m2, thì việc khuyến cáo không được xem nhẹ, cần tiếp tục giám sát trong quá trình thi công tuyến đường, thiết nghĩ cũng là điều cần thiết, để đảm bảo việc thi công không phá hủy các di sản liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng...
Bạch Đằng là khu di tích quốc gia đặc biệt, tuyến đường ven sông kể trên chạy qua ranh giới khu vực vùng đệm và vùng phát huy giá trị di tích này sẽ không chỉ hoàn thiện về cơ sở hạ tầng giao thông, tạo kết nối giữa các địa phương mà hứa hẹn còn là con đường kết nối di sản của Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều. Bởi lẽ, khu vực ven sông Bạch Đằng - Đá Bạc - Đá Vách, nơi tuyến đường đi qua có trữ lượng văn hóa rất lớn.
Qua những nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Văn Anh, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng khẳng định: Ngay từ thế kỷ I, II trước Công nguyên, Bạch Đằng - Đá Bạc đã là một tuyến giao thông quan trọng, kết nối các trung tâm hành chính kinh tế trong nội địa với Vịnh Bắc Bộ và các tuyến đường buôn bán trên biển. Vậy nên, những nơi tuyến đường ven sông chạy qua có thể không chỉ lưu giữ các di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng mà còn dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác từ thời Đông Sơn cho đến Bạch Đằng và sau Bạch Đằng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Anh, không giống như Bạch Đằng là di tích Quốc gia đặc biệt đã được công nhận, các điểm di tích dọc tuyến ven sông này có những di tích ít nhiều liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 hoặc không nhưng chưa được xếp hạng.
Đơn cử với khu Điền Công (Uông Bí), người ta đã tìm thấy cọc ở đó từ những năm 60, nhưng thời điểm ấy người ta nghĩ rằng cọc đó không liên quan đến trận chiến Bạch Đằng, với nhận thức khi ấy cho rằng trận Bạch Đằng chỉ diễn ra ở khu vực Quảng Yên. Cho tới nay, với những nghiên cứu mới thì các nhà khoa học cho rằng, trận địa của Bạch Đằng có thể kéo dài hơn rất nhiều chứ không chỉ tập trung ở Quảng Yên.
Hay kết quả khảo sát, khai quật khảo cổ thời gian qua ở Thiên Long Uyển, khu vực bên sông Đá Vách (xã Yên Đức, Đông Triều) cũng vậy, bên cạnh việc tìm thấy nhiều cọc, di vật gỗ hàng nghìn năm tuổi thì nơi này cũng đậm đặc các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn và của nhiều thời kỳ khác nữa…
Vậy nên, từ cách làm của Bạch Đằng thiết nghĩ cần có cách làm tương tự khi tuyến đường tiếp tục nối dài đi qua các khu vực ven sông của Uông Bí, Đông Triều vào giai đoạn sau này, góp phần giảm thiểu những xâm hại không đáng có tới hệ thống di sản có thể còn chìm lấp trong lòng đất nơi đây.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()