Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 10:53 (GMT +7)
Từ bỏ mục tiêu đánh bại, châu Âu chuẩn bị sống chung với COVID-19
Thứ 4, 18/08/2021 | 15:50:06 [GMT +7] A A
Các nước từ Đức cho tới Italy đều đang triển khai một loạt biện pháp như đẩy mạnh tiêm chủng, áp quy định đeo khẩu trang để phòng ngừa làn sóng dịch COVID-19 thứ ba ngay trong mùa đông tới.
Tại châu Âu, cuộc chiến chống COVID-19 đang dịch chuyển sang chiều hướng dài hạn, coi đây là kiểu dịch theo mùa. Các nước như Đức, Itlay hay Pháp đều thay đổi chiến lược, từ chấm dứt đại dịch sang chọn học cách sống chung với COVID-19. Chính quyền nhiều nước đang lên kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường, áp quy định đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên, thực hiện giãn cách xã hội hạn chế để kiểm soát virus trước đợt dịch thứ ba trong mùa đông này.
Thay đổi chiến lược này cũng nhận được hậu thuẫn vững từ tâm lý công chúng, khi mà người dân châu Âu về cơ bản đều thông cảm, chấp thuận các biện pháp kiểm soát xã hội để phòng dịch. Khác với Mỹ, nơi mà nhiều bang ngay lập tức dỡ bỏ quy định hạn chế giữa lúc lạc quan lên cao, cho rằng virus sẽ biến mất, người châu Âu chưa bao giờ kỳ vọng đại dịch chấm dứt ở khu vực khi vẫn có những ổ dịch lẻ tẻ bùng phát vào mùa xuân và mùa hè vừa qua.
Đức – nước chưa bao giờ dỡ hạn chế toàn bộ, trong tuần này tuyên bố chỉ có những người đã tiêm vaccine, những người nhiễm COVID-19 và đã hồi phục hoặc là người có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được lui tới nhà hàng, bệnh viện và các địa điểm trong nhà. Đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc đối với người dân khi ở trong không gian kín hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bất kể là đã tiêm hay chưa tiêm vaccine.
Một số nước, trong đó có Pháp và Italy, đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch phòng bệnh, khi áp quy định chỉ người tiêm vaccine, người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm và người có xét nghiệm âm tính mới được tham gia các hoạt động hàng ngày. Nhân viên nhà hàng nếu không làm nhiệm vụ kiểm tra khách hàng theo các tiêu chí trên có nguy cơ bị phạt tiền lên tới 9.000 euro hoặc một năm tù giam.
Vaccine giúp ngăn chặn tình trạng mắc bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm mạnh đã tước đi những hy vọng về chiến thắng tuyệt đối trước đại dịch, đưa nhịp sống trở lại bình thường như thời chưa có COVID-19. Các nhà khoa học cho rằng kế hoạch ứng phó của các nước châu Âu là hợp với thực tế, bởi COVID-19 sẽ không nhanh chóng biến mất.
SARS-CoV-2 sẽ vẫn tấn công và làm suy yếu hệ hô hấp, đến một thời điểm nào đó nó tồn tại như cúm mùa, khiến vẫn có người mắc và tử vong, nhưng mức độ trầm trọng sẽ giảm đi. Khi nào COVID-19 đạt tới ngưỡng như kiểu dịch cúm thông thường là điều giới khoa học chưa thể đoán chắc. Nhưng vaccine đã đưa ra một câu trả lời rõ ràng: Giai đoạn tồi tệ và chết chóc nhất của đại dịch đã lùi xa, các chính phủ sẽ không viện tới giải pháp đóng cửa trên phạm vi toàn quốc để kiểm soát dịch bệnh.
Số ca mắc mới đã tại châu Âu lên, xuống trong thời gian qua, khi biến thể Delta phát tán và giới chức y tế tăng cường biện pháp để đẩy lui dịch bệnh. Số ca mắc mới trung bình ngày tính theo tuần tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh là 95.500 ca/ngày, tính đến ngày 15/8. Con số này tương đương với mức 186 ca mắc mới/1 triệu dân, giảm 14% so với mức đỉnh hồi tháng 7 với mức 110.000 ca/ngày.
Số ca phải nhập viện ở châu Âu cũng thấp hơn sau mỗi đợt dịch, cho thấy hiệu quả của vaccine. Tỉ lệ nhập viện vì COVID-19 tại Pháp là 65 ca/1 triệu dân trong tuần đầu tháng 8, giảm hơn 2/3 so với mức đỉnh hồi tháng 3. Tại Đức và Italy, tỉ lệ người bệnh phải nhập viện tính trên 1 triệu dân cũng giảm 90% theo cùng thời kỳ. Mức giảm ở Anh là 80%.
Châu Âu cũng đạt bước tiến đột phá trong chiến dịch tiêm chủng vaccine sau bước khởi đầu nhiều rối rắm. Tỉ lệ người dân tiêm đủ liều trong EU là 53%, cao hơn Mỹ (50%). Anh đạt 60%, Tây Ban Nha đạt 63%, Đức và Italy hơn 55%, Pháp thấp hơn với mức 50% dân số tiêm đủ liều.
Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng miễn dịch cộng đồng là điều vẫn còn xa và thậm chí sẽ không bao giờ đạt được trước sự xuất hiện của biến thể mới. Các cơ chế về cách ly, hạn chế di chuyển đối với những ca nhiễm COVID-19 vẫn phổ biến ở châu Âu và gần như chắc chắn sẽ còn được áp dụng tiếp nữa, ngoại trừ Anh, nước chọn cách tiếp cận khác biệt. Tiêm mũi tăng cường cho người lớn tuổi hoặc nhóm dễ bị tổn thương là chủ đề đang được thảo luận, lên kế hoạch. Nhiều nước trong EU mở rộng xét nghiệm đại trà, định kỳ để phát hiện ca nhiễm và tăng cường hệ thống truy vết tiếp xúc thay vì giảm hay từ bỏ.
Tại Italy, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề trong giai đoạn đầu dịch bệnh, chính quyền đang hướng đến một cuộc chiến kéo dài. Italy vận hành hệ thống theo thang màu, sử dụng một bộ thông số kĩ thuật để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở từng khu vực. Nặng nhất là vùng đỏ, kế đến là vàng, xanh, và trắng. Mọi khu vực tại Italy hiện đều thuộc vùng trắng. Tuy nhiên Sicily và Sardinia – hai điểm đến du lịch có tiếng, nhiều khả năng sắp chuyển sang màu vàng.
“Người dân ở đây nhận thức rằng cuộc chiến chống COVID-19 còn tiếp diễn và đó là cuộc chiến lâu dài. Dân sẽ không mất cảnh giác, sao nhãng vì họ biết rằng mọi chuyện chưa kết thúc, phải mất nhiều thời gian mới trở lại được như trước”, Claudio Cancelli, Thị trưởng vùng Nembro, gần vùng tâm dịch trong làn sóng COVID-19 đầu tiên tại Italy chia sẻ.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()