Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 09:53 (GMT +7)
Từ bài thơ của Vua về ngôi chùa và vị Quốc sư thời Trần
Chủ nhật, 29/12/2024 | 13:29:14 [GMT +7] A A
Các bậc cao niên ở phường Mạo Khê (TP Đông Triều) kể rằng, trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã bị tàn phá, chỉ còn lại hệ thống vườn tháp đá và vườn tháp gạch cổ trên lưng núi. Đặc biệt là hơn nửa thế kỷ đã qua, chùa không có sư trụ trì, song nhân dân trong vùng vẫn bảo tồn, phát huy giá trị di tích, nhằm góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa tâm linh ở địa phương. Đầu xuân, cứ vào ngày 27 tháng Giêng là nhân dân lại tổ chức Giỗ tổ Non Đông tại chùa...
Đi tìm Đông Sơn tự
Trong Thơ văn Lý Trần tập II do Viện Văn học, thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), thực hiện, NXB Khoa học xã hội, 1988 có bài thơ ngôn ngữ chữ Hán, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt: Đề Đông Sơn tự (Đề chùa Đông Sơn của vua Trần Minh Tông). Phiên âm Hán Việt: Vân tự thanh sơn sơn tự vân/ Vân sơn trường dữ lão tăng thân/ Tự tòng Viên công khứ thế hậu/ Thiên hạ Thích tử không vô nhân. Dịch nghĩa: Mây giống núi xanh, núi xanh giống mây/ Mây và núi mãi mãi gần gũi với sư già/ Từ sau khi Viên công qua đời/ Phật tử trong thiên hạ không còn ai nữa. Vậy Đông Sơn tự ở đâu...?
Từ bài thơ của vua Trần Minh Tông, các nhà nghiên cứu đã dày công tìm hiểu địa danh Đông Sơn tự. Trước hết, các nhà nghiên cứu đã xác định, về Đông Sơn tự ở Việt Nam thì có mấy bài thơ chữ Hán gồm Đề Đông Sơn tự của vua Trần Minh Tông, Đông Sơn tự hồ thượng lâu của Phạm Sư Mạnh (thời Trần) và Đề Đông Sơn tự của Nguyễn Trãi (thời Lê). Đông Sơn tự có thể dịch ra tiếng Việt là chùa Đông Sơn, chùa Núi Đông. Tên chùa Đông Sơn ở Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng có nhiều như ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh….
Để tìm Đông Sơn tự ở đâu, các nhà nghiên cứu tập trung vào Quảng Ninh. Bởi ở đây có Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), cố đô Phật giáo Trúc Lâm, bao gồm một hệ thống các di tích gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Các di tích này nằm ở khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, bao gồm 4 khu vực: Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP Uông Bí), Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần (TP Đông Triều), Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang). Hơn nữa, Đông Triều là quê gốc của nhà Trần và là địa đầu đất nước nên vua tôi nhà Trần hay tới đây. Về địa lý, Đông Triều cũng gần TP Chí Linh (Hải Dương) nơi Nguyễn Trãi về ở ẩn.
Tìm hiểu tại Đông Triều, các nhà nghiên cứu phát hiện có đến 2 phường có chùa gắn với chữ Đông Sơn: Một là chùa Đông Sơn ở phường Xuân Sơn (phường này còn có chùa Mễ Sơn), chùa này không quá nổi tiếng. Hai là chùa Non Đông có tên Tường Quang tự ở phường Mạo Khê dưới chân núi Đông Sơn. Chùa này nổi tiếng từ thời xa xưa với văn bia đá cổ lớn lập năm 1331 ghi công đức của Thánh tổ Non Đông, hiện còn lưu giữ tại chùa (Non Đông là một âm nôm của Đông Sơn). Văn bia là sự tri ân nhà sư Quán Viên đã trọn đời vì Phật pháp.
Về Viên Công, theo tài liệu lịch sử, Thánh tổ Non Đông họ Vương, hiệu Quán Viên, tự Tuệ Nhẫn, sinh năm 1257, quê gốc xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành (Hải Dương). Vương Tuệ Nhẫn xuất gia năm 19 tuổi đến Kinh Bắc vào chùa Nghĩa Trụ, yết kiến Hoàng Kiên đại sư và được thu nhận. Từ đó, ông trau dồi Phật pháp, đến năm 30 tuổi ông đã đắc đạo. Sau xin rời khỏi chùa để tuyên truyền Phật pháp theo giáo lý của thiền phái Trúc Lâm. Nơi đến đầu tiên là Mạo Khê, nơi đây có ngôi chùa Non Đông. Ông quyết định trụ trì tại đó và gia công tu tạo 72 ngôi chùa lớn, nhỏ quanh vùng Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh... Thánh tổ Non Đông nhập niết bàn ngày 27 tháng Giêng năm Ất Sửu (năm 1325), được vua Trần phong Quốc sư.
Các nhà nghiên cứu khẳng định, bài thơ Đề Đông Sơn tự của vua Trần Minh Tông ca ngợi cảnh đẹp ngôi chùa Non Đông, tri ân Tuệ Nhẫn Quốc sư Vương Quán Viên trụ trì đã trọn đời vì Phật pháp trường tồn.
Ngôi chùa hội tụ 2 giá trị
Chùa Non Đông có tên Tường Quang tự, là ngôi chùa cổ toạ lạc tại chân núi Đông Sơn, trong vòng cung Đông Triều, thuộc phường Mạo Khê (TP Đông Triều). Ngôi chùa với cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp ở phía Đông khu mỏ. Theo sử sách thì ngôi chùa được xây dựng năm Trùng Hưng 1285 đời Trần, ghi dấu một thời hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam.
Theo các nghiên cứu gần đây, ngôi chùa kết hợp hai giá trị cao nhất hội tụ là “Đạo pháp” và “Dân tộc”. “Đạo pháp” là dấu ấn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, nơi Thánh Tổ Non Đông trụ trì. Còn “Dân tộc” là nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trước năm 1930 thường xuyên ở đây tổ chức hội họp, xây dựng và chỉ đạo, lãnh đạo công nhân mỏ, nhân dân địa phương thực hiện vô sản hoá, tiến tới sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh vào ngày 23/2/1930 tại Mạo Khê. Di tích lịch sử mỏ than Mạo Khê là một trong số những di tích gắn với phong trào đấu tranh của công nhân mỏ, là chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng của lịch sử khu mỏ, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Những giá trị lịch sử cách mạng ở địa phương được bảo tồn, phát huy giá trị góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa trong sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Năm 2019, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Khu mỏ Quảng Ninh, Nhà máy cơ khí và chùa Non Đông là 3 địa điểm tại phường Mạo Khê nằm trong Di tích lịch sử Mỏ than Mạo Khê đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích quốc gia tại Quyết định số 3013/QĐ-BVHTTDL ngày 30/8/2019.
Xuân Quảng (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()