Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:59 (GMT +7)
Bắt đầu áp dụng nhiều mức xử phạt mới vi phạm giao thông
Thứ 4, 01/01/2025 | 15:03:22 [GMT +7] A A
Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và nhiều quy định mới về đảm bảo ATGT đường bộ chính thức có hiệu lực, trong đó có những mức xử phạt hành chính tăng nặng đối với các hành vi vi phạm. Ngoài việc tăng cao mức phạt tiền, hành vi lạng lách, đánh võng có thể bị tịch thu xe. Đây là biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật và bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Căn cứ theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), Nghị định số 158/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động vận tải đường bộ, một số hành vi, như: Vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, mở cửa xe ô tô không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông, điều khiển xe gắn biển số không rõ chữ, số, gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp… sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với năm 2024.
Đáng chú ý, đối với người đi ô tô mở cửa xe, để cửa xe mở gây tai nạn sẽ bị phạt lên đến 22 triệu đồng; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, vượt đèn đỏ mức phạt từ 18 - 20 triệu đồng đối với lái xe ô tô và phạt từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô xe máy; hành vi đi ngược chiều đường phạt từ 18 - 20 triệu đồng đối với lái xe ô tô và từ 4-6 triệu đồng đối với mô tô, xe máy.
Cũng theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các quy định mới về đảm bảo ATGT đường bộ chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2025, giấy phép lái xe (GPLX) được phân chia thành 15 hạng. Mỗi GPLX có 12 điểm. Tùy theo hành vi vi phạm, ngoài việc bị phạt tiền, tài xế vi phạm sẽ bị trừ từ 2 - 10 điểm GPLX. Trong đó, hành vi không chấp hành tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của người điều hành giao thông, điều khiển xe đi ngược chiều sẽ bị trừ 4 điểm GPLX. Khi bị trừ hết 12 điểm, GPLX không còn giá trị, người vi phạm sẽ phải sát hạch lại dưới sự giám sát của cảnh sát giao thông. Các hành vi lạng lách, đánh võng có thể bị tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng.
Luật bổ sung thêm các quy định: Mô tô, xe gắn máy có thời gian sử dụng trên 5 năm tính từ năm sản xuất phải kiểm định khí thải; không cho trẻ dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe ô tô, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; xe đưa đón trẻ em, học sinh ngoài việc phải sơn màu vàng thì bắt buộc phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ…
Theo Trung tá Võ Quang Hòa, Đội trưởng Đội CSGT-TT (Công an TP Hạ Long), các hành vi như vượt đèn đỏ, lạng lách hay đi ngược chiều, mở cửa xe ô tô không đảm bảo an toàn, lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích, vi phạm tốc độ không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ thời gian qua đều liên quan đến hành vi vi phạm quy tắc đảm bảo an toàn của người tham gia giao thông. Các quy định mới tăng mức xử phạt với các hành vi vi phạm liên quan đến trực tiếp ý thức tự giác chấp hành quy định về TTATGT của người tham gia giao thông không chỉ nhằm tăng tính răn đe mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông.
Thông qua công tác tuyên truyền, trong ngày đầu các quy định mới về đảm bảo TTATGT đường bộ có hiệu lực, phần đông người tham gia giao thông đã nắm được các quy định mới, chủ động chấp hành. Thời gian tới, cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Hạ Long tiếp tục đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân.
Thực tiễn cho thấy, quyết liệt xử lý, tăng nặng mức phạt vi phạm, nhất là nồng độ cồn, bước đầu đã tạo dựng thói quen “đã uống rượu bia, không lái xe” trong cộng đồng, được đông đảo tầng lớp nhân dân ủng hộ. Bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn, với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng chức năng của tỉnh quyết liệt xử lý nghiêm hành vi cố tình vi phạm, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Hồng Việt
Liên kết website
Ý kiến ()