Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:53 (GMT +7)
Từ 1/1/2023, làm video tóm tắt (review) phim là hành vi vi phạm bản quyền
Chủ nhật, 15/01/2023 | 15:46:32 [GMT +7] A A
Từ 1/1/2023, Luật sở hữu trí tuệ 2022 quy định về hành vi review phim dưới bất kỳ hình thức nào nếu không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu có quyền tác giả sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Review trong tiếng anh được dịch sang tiếng Việt có nghĩa là đánh giá. Theo đó thì review phim có nghĩa là đánh giá phim. Đây là một cách phổ biến và đơn giản để cung cấp thông tin về phim, nhằm mục đích giới thiệu đến những người đang quan tâm về một bộ phim nào đó.
Hiện nay, rất nhiều người làm review phim rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên Youtube hay Facebook Watch, TikTok... nhằm mục đích kiếm tiền. Thông qua việc cắt ghép, chỉnh sửa nhiều bộ phim chỉ mới ra rạp, hay phát sóng trên truyền hình đã được giới thiệu đầy đủ về nội dung.
Trào lưu này đang nở rộ và gây ra những bức xúc, tổn thất lớn cho các nhà sản xuất.
Review phim có vi phạm bản quyền không?
Theo Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Trong đó, việc tạo lập các video review phim được coi là làm tác phẩm phái sinh. Việc review phim mà tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung phim được coi là đang xâm phạm bản quyền tác phẩm, quyền chủ sở hữu tác phẩm.
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, khắc phục được những bất cập nào về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, một điểm mới đáng chú ý nhất trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 về quyền tác giả, quyền liên quan, điển hình như:
Theo quy định sửa đổi bổ sung tại khoản 10 Điều 4 Luật SHTT sửa đổi 2022: "Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào".
Với quy định mới này, việc sao chép một phần tác phẩm chính thức được xem là hành vi sao chép, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục được những vướng mắc do pháp luật không rõ ràng trong nhiều vụ việc liên quan đến quyền tác giả trước đây.
Theo khoản 7, 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, trong số các hành vi xâm phạm quyền tác giả có hành vi:
- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
Như vậy, ngoại trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì việc làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc
Bên cạnh đó, việc review phim không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và cũng không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định.
Do đó, có thể kết luận, review phim mà tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung phim đang có là hình thức xâm phạm bản quyền tác phẩm, quyền chủ sở hữu tác phẩm.
Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức làm review phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()