Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:44 (GMT +7)
Truyện tranh đầu tiên do AI sản xuất gây tranh cãi
Thứ 6, 24/03/2023 | 10:38:32 [GMT +7] A A
Bộ truyện "Cyberpunk: Peach John" do AI vẽ khiến công chúng đặt câu hỏi đây là phép màu công nghệ hay mối đe dọa đối với nghệ thuật.
Bộ truyện có tên Cyberpunk: Peach John, là một tác phẩm hư cấu phản địa đảng. Trong đó, các cỗ máy và sinh vật kỳ quái của tương lai đều là sản phẩm của Midjourney, một công cụ AI phổ biến, cùng một vài công cụ khác như Stable Diffusion và DALL-E 2.
Theo tờ Japan Times, đây là bộ truyện tranh hoàn toàn do AI sản xuất tại Nhật Bản. Thông tin này khiến công chúng đặt câu hỏi: đây là phép màu công nghệ hay mối đe dọa đối với nghệ thuật?
Tranh cãi chuyện AI làm các sản phẩm nghệ thuật
Tác giả, người sống ở Nhật Bản, có bút danh Rootport, chỉ mất 6 tuần để hoàn thành bộ truyện tranh hơn 100 trang, điều mà một họa sĩ lành nghề thường phải mất cả năm để hoàn thành.
“Đó là một quá trình thú vị, nó làm tôi nhớ đến trò chơi xổ số”, tác giả 37 tuổi nói.
Để làm ra bộ truyện này, Rootport đã nhập các tổ hợp từ gợi ý đơn giản như “tóc hồng”, “cậu bé châu Á” và “áo khoác thể thao” và đợi AI trả về hình ảnh người hùng của câu chuyện. Tất cả diễn ra chỉ trong khoảng một phút.
Sau đó, người này sắp xếp những khung hình đẹp nhất ở định dạng truyện tranh để sản xuất cuốn sách. Sau khi Cyberpunk: Peach John gây được tiếng vang trên mạng, Shinchosha, một nhà xuất bản lớn của Nhật đã nhận xuất bản bộ truyện và cho phát hành vào ngày 9/3.
Không giống như manga đen trắng truyền thống, đứa con tinh thần của Rootport có đầy đủ màu sắc, dù vậy, khuôn mặt của cùng một nhân vật đôi khi xuất hiện khác nhau rõ rệt ở các phân cảnh khác nhau.
Tác giả cho rằng các trình tạo hình ảnh AI đã “mở đường cho những người không có năng khiếu nghệ thuật gia nhập” ngành công nghiệp truyện tranh - miễn là họ có những câu chuyện hay để kể.
Rootport cho biết ông thấy thỏa mãn khi các hướng dẫn bằng văn bản của ông đã hoạt động như một câu thần chú, hóa phép ra một hình ảnh sát với những gì ông tưởng tượng. Dù vậy, ông thừa nhận: “Nhưng trải nghiệm đó có phải là sự hài lòng giống khi bạn vẽ một thứ gì đó bằng tay từ đầu không? Chắc là không".
Cái nhìn của Nhật Bản về tranh do AI sản xuất
Midjourney được phát triển ở Mỹ và đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới sau khi ra mắt vào năm ngoái. Công cụ này đã vấp phải nhiều sự phản đối, gặp khó khăn về mặt pháp lý và đối mặt với hàng loạt vụ kiện bản quyền.
Một số nhà lập pháp Nhật Bản cũng tỏ ra quan ngại về quyền nghệ sĩ. Nhiều người cũng phản ứng, cho rằng công nghệ này cướp việc của các họa sĩ truyện tranh trẻ.
Khi Netflix phát hành một đoạn phim hoạt hình Nhật Bản ngắn hồi tháng 1, sử dụng hình nền do AI tạo ra, nó đã bị chỉ trích vì không thuê người làm hoạt hình.
Dù vậy, thị trường Nhật Bản dường như có cái nhìn bớt gay gắt hơn đối với việc AI làm các sản phẩm nghệ thuật.
Giáo sư Satoshi Kurihara của Đại học Keio cho biết: “Có khả năng trợ lý của các họa sĩ truyện tranh sẽ bị thay thế (bằng AI)". Ông cho rằng tranh AI vẽ đã trở nên “hoàn thiện” và “chắc chắn” sẽ ảnh hưởng đến tương lai của ngành công nghiệp manga.
Một số họa sĩ truyện tranh hoan nghênh những khả năng mới do công nghệ mang lại. Madoka Kobayashi, một họa sĩ có sự nghiệp kéo dài hơn 30 năm, cho biết: “Tôi thực sự không coi AI là mối đe dọa - thay vào đó, tôi nghĩ nó có thể là một người bạn đồng hành tuyệt vời".
Họa sĩ này lập luận rằng manga không chỉ được xây dựng dựa trên tính thẩm mỹ mà còn dựa trên những cốt truyện được sắp đặt khéo léo. Ở khía cạnh này, bà "tin rằng con người vẫn thống trị”.
Tuy nhiên, bà nghĩ nên tránh sao chép trực tiếp từ các hình ảnh do máy tính tạo ra, bởi vì các tác giả "không thể biết chúng được sản xuất dựa trên tác phẩm nghệ thuật của ai”.
Tại Học viện Thiết kế Tokyo, Kobayashi sử dụng AI để giúp cải thiện các bức vẽ bằng bút chì của học sinh, bao gồm các chi tiết từ cơ bắp đến nếp nhăn trên quần áo và lọn tóc.
Sinh viên 18 tuổi Ginjiro Uchida nói: “Tranh AI rất tuyệt… nhưng tôi thấy những bức vẽ của con người hấp dẫn hơn, chính xác là vì tranh người vẽ có sự 'lộn xộn' tự nhiên, trong khi các chương trình máy tính không phải lúc nào cũng vẽ được bàn tay hoặc khuôn mặt được phóng đại có chủ đích như một họa sĩ truyện tranh thực thụ. Hơn nữa, con người còn có khiếu hài hước".
Ba nhà xuất bản lớn từ chối bình luận khi được tờ Japan Times hỏi liệu họ có nghĩ rằng AI sẽ phá vỡ quy trình sản xuất truyện tranh của Nhật Bản hay không.
Mặc cho thành công của Cyberpunk: Peach John, Rootport nghi ngờ manga do AI sản xuất có thể trở thành trào lưu. Ông vẫn cho rằng các họa sĩ thực thụ giỏi hơn trong việc đảm bảo hình minh họa của họ phù hợp với bối cảnh.
Ông nói thêm, “Tôi cũng không nghĩ manga không sử dụng AI có thể thống trị mãi”.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()