Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 13:24 (GMT +7)
Truyền thuyết dân gian vùng Yên Tử
Chủ nhật, 20/03/2022 | 14:05:29 [GMT +7] A A
Cùng với các truyền thuyết gắn với các di tích và danh thắng khác, Quảng Ninh có rất nhiều truyện kể dân gian về vùng đất Yên Tử.
Trên đỉnh Yên Tử có một pho tượng đá giống hình đạo sĩ đứng chắp tay quay về Tây phương, gọi là tượng An Kỳ Sinh. Truyền thuyết về An Kỳ Sinh được kể lại rằng: Vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, ở phương Bắc có một đạo sĩ đến đây tu pháp Đạo Tiên. Ngài hái lượm cỏ cây, thảo dược, luyện thành thuốc trường sinh và ban pháp dược chữa bệnh cứu người. Người đời tỏ lòng tôn kính gọi ông là An Tử (thầy An) và gọi núi này là An Tử Sơn (núi thầy An). Sau này tránh tên húy của ông, dân gian gọi núi An Tử thành Yên Tử.
Truyền thuyết về các danh nhân ở Yên Tử, có một số truyện gắn với quá trình tu hành của Tam tổ Trúc lâm, 3 vị cư sĩ Phổ Hộ, Phổ Lại, Phổ Tế được tôn làm thành hoàng làng v.v.. Một số địa danh ở Yên Tử cũng được giải thích từ truyền thuyết như: Sự tích suối Giải Oan, Dốc Đỏ, suối Tắm, suối Hổ Khê, chùa Cầm Thực, chùa Lân, làng Nương, làng Mụ dưới chân Yên Tử, làng Năm Mẫu...
Bên cạnh đó còn có một số truyền thuyết về mai vàng, truyền thuyết Pháp Loa, truyền thuyết về Phật hoàng nhập Niết Bàn, về nàng Điểm Bích làm thơ gợi tình để thử lòng Huyền Quang v.v..
Truyền thuyết dân gian về làng Năm Mẫu kể lại rằng, khi các cung nữ trẫm mình xuống dòng suối Hổ Khê, có 5 chàng trai người Dao cứu được 5 cung nữ. Về sau, chịu ơn cứu mạng của các chàng trai, họ đã nên duyên vợ chồng, sinh con đẻ cái. Nơi có các cung nữ về làm vợ, làm mẹ cũng được đổi tên thành Năm Mẫu.
Tương tự, bên chùa Giải Oan có một cây sung thường gọi là cây ưu đàm. Khi cây sung còn nguyên vẹn, cành lá sum sê tỏa rộng cả một vùng. Sau khi Phật hoàng viên tịch, bóng hình Ngài quấn quýt lấy tán sung. Một hôm, Hải Lượng Đại thiền sư Ngô Thời Nhiệm tới Yên Tử lễ Trúc Lâm tam tổ đi qua gốc cây ưu đàm, thiền sư và 2 chư tăng bỗng nhìn thấy trên tán cây có hình bóng của Điều Ngự giác hoàng. Thoáng chốc Điều Ngự hóa thành vô số hoa sung. Một bầy chim xanh từ đâu bay tới ngậm hoa sung rồi biến mất. Lát sau bầy chim lại hiện ra lông chim bám đầy hoa sung.
Chùa Bảo Sái cũng gắn với câu chuyện dân gian khi xưa, cứ mỗi lần sư chùa tụng kinh, hổ lại đến bên gốc dổi nghe kinh kệ. Bỗng một ngày kia, sư chùa lâm bệnh rồi viên tịch, hổ đau đớn, thét gầm vang núi, ôm chặt thân cây dổi cào xé. Sau ngày đó, hổ biệt tăm. Những thân cây dổi cổ thụ với những vết cào xé, được cho là dấu vết của móng vuốt hổ ôm cây khi đó, bên cạnh là một bàn chân đá và rùa đá do thiên tạo, trông vô cùng linh thiêng, huyền bí trong mây núi Yên Tử.
Giống như ở phía Đông, phía Tây Yên Tử còn gắn với nhiều huyền thoại gợi nên hình sông thế núi, với con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Truyền thuyết ở Tây Yên Tử nổi bật là mảng truyện kể phản ánh tín ngưỡng, tôn giáo thấm vào tận cùng máu thịt mỗi người từ thuở ấu thơ.
Mảng truyện kể dân gian này đưa ru tâm hồn con người muôn đời bằng giá trị đặc sắc và phương thức lưu truyền độc đáo của nó. Truyện kể dân gian phản ánh tín ngưỡng, tôn giáo vùng văn hóa tâm linh Tây Yên Tử không chỉ tồn tại trong tâm thức dân gian mà còn tồn tại trong mối quan hệ sinh tử với những giá trị vật thể hữu hình - nơi các di tích lịch sử và danh thắng trên khắp các bản làng, các làng quê từ miền núi cao Sơn Động, Lục Ngạn đến vùng đồi thấp Lục Nam, Yên Dũng.
Vùng đất này mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian như tín ngưỡng thờ nhân thần, tín ngưỡng thờ nhiên thần. Nhóm truyện kể dân gian phản ánh tín ngưỡng thờ thiên thần đã tập trung phản ánh tín ngưỡng về vùng đất thiêng, về những nhân vật kì vĩ, chinh phục thiên nhiên, dời non lấp vực mở rộng đất đai. Các nhân vật này có nguồn gốc từ những đấng sáng tạo thế giới bằng sức mạnh phi thường trong thần thoại nhưng càng về sau càng gần gũi với con người bình thường và được truyền thuyết hóa một cách mạnh mẽ. Nó cũng thể hiện xu hướng biến đổi nhân vật từ thiên thần sang nhân thần, từ thần thoại sang truyền thuyết.
Ở nhóm truyện kể dân gian phản ánh tín ngưỡng thờ nhân thần, những nhân vật được tôn vinh ở đây có công chinh phục thiên nhiên mở đất, mở nước, lập ấp, lập làng hay tu sửa đình miếu và đóng góp trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Những nhân vật được tôn vinh này gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Thành hoàng ở các địa phương trong vùng. Truyền thuyết dân gian thể hiện sự hòa quyện giữa tôn giáo và tín ngưỡng tạo nên một nét văn hóa rất độc đáo gắn với hệ thống đình, chùa, đền, miếu tọa lạc trên nhiều làng quê.
Dường như mỗi nhân vật, mỗi ngôi chùa, mỗi cội cây ở vùng đất Yên Tử cũng đã là một pho truyền thuyết, đều thể hiện cách nhìn, cách nghĩ và lẽ sống của dân gian. Trải qua thời gian, các yếu tố kì ảo, hoang đường trong những câu chuyện xưa vẫn được người dân lưu truyền, kể lại từ đời con sang đời cháu với niềm tin dân gian mãnh liệt vào những điều huyền diệu gắn với hồn thiêng sông núi. Điều đó, góp phần tạo cho Yên Tử một bề dày lịch sử với nhiều huyền thoại, truyền thuyết huyền bí, linh thiêng được nhân dân tôn kính lưu truyền, là địa điểm tâm linh để người dân cả nước, khách du lịch nước ngoài đến tham quan, chiêm bái.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()